Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Hiền – Quảng Ngãi

Thứ Năm 11:44 10-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa Quốc hội, tôi xin được phát biểu hai vấn đề:

Thứ nhất là về những vấn đề chung và thứ hai là đóng góp một số vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, tôi tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường với những lý do như trong Tờ trình của Chính phủ cũng như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội từ sáng tới giờ.

Tôi xin được nhấn mạnh 2 vấn đề, thứ nhất, một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng phải kể đến hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường của chúng ta còn chưa thật chặt chẽ và đồng bộ, công tác thanh tra môi trường còn hạn chế, các chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa nghiêm minh. Những bất cập đó đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và những chế tài, có cả những chế tài xử lý về tài chính, mức độ xử lý phù hợp với thông lệ quốc tế cho nên tôi tán thành ban hành luật này.

Thứ hai, thuế và phí môi trường là một trong những công cụ quan trọng để góp phần điều tiết nền kinh tế vĩ mô, hạn chế những bất lợi của quá trình sản xuất và thu lại tiền nhằm phân phối tái đầu tư cho môi trường. Thuế phải khuyến khích, nâng đỡ các hoạt động kinh tế có lợi cho môi trường, nâng cao chất lượng môi trường, bản chất thuế là khoản thu mang tính chất bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp, do vậy phải có tác động trực tiếp đến hành vi của người phải nộp thuế.

Thứ ba, ở nước ta các loại thuế và phí môi trường còn chưa đầy đủ và chưa được sử dụng một cách rộng rãi, mới hiểu là trả cho những việc thu gom xử lý chất thải thường rất thấp cho nên có lẽ cần phải có quy định cụ thể và rõ ràng hơn.

Thứ hai, về mặt nguyên tắc tôi đề nghị thực hiện đóng thuế, phí và môi trường phải tùy theo khối lượng tính chất mức độ và vi phạm. Cho nên phải được đánh vào tất cả các hành vi gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, của hệ thống môi trường nói chung, ví dụ ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm nước thải và khung định mức của các loại thuế phải cần rõ ràng dễ hiểu để mọi người hiểu một cách rõ ràng. Đó là những vấn đề chung.

Vấn đề thứ hai, về đóng góp ý kiến cụ thể tôi xin đóng góp mấy điểm như sau:

Thứ nhất, về tên gọi của luật, rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nên lấy tên là Luật Thuế bảo vệ môi trường. Tôi rất tán thành ý kiến này để nó phù hợp với các luật thuế khác đã rõ như Luật thuế tài nguyên, Luật thuế nhà đất, chúng ta cũng thấy bảo vệ môi trường. Hơn nữa, nếu nói về mặt ngôn ngữ thì chúng ta nói rằng Luật Thuế bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường không phải là thuế nếu có thể hiểu như vậy, bởi vì những thuế khác ví dụ thuế chuyển quyền sử dụng đất hay thuế tiêu thụ đặc biệt, những thuế đó người ta đã dùng những động từ bổ nghĩa theo, nó thể hiện rất rõ nhưng ở đây nếu chúng ta sử dụng là bảo vệ môi trường thì sẽ khó hiểu.

Vấn đề thứ hai là giải thích từ ngữ quy định tại Điều 2, tôi đề nghị bỏ Khoản 2, Khoản 3 của điều này vì nội dung những vấn đề này đã được quy định trong Luật Thuế bảo vệ môi trường, hơn nữa giải thích từ trong này cũng rất khó hiểu. Ví dụ như tác động xấu đến môi trường là gây ảnh hưởng xấu đến sinh vật thì có phải là toàn bộ sinh vật không. Ví dụ như chuột hoặc sâu bệnh, những thứ đó chúng ta ghi là tác động xấu thì có phải không. Tôi nghĩ không nhất thiết phải đưa vào trong luật hai nội dung này.

Thứ ba, về đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 3. Trước mắt cơ bản tôi cũng đồng tình với 5 nhóm chịu thuế như trong dự thảo luật. Tuy nhiên tôi đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm các loại hàng hóa khác như ý kiến một số đại biểu nêu, ví dụ thuốc lá tôi cũng rất tán thành. Nhưng tôi nghĩ về lâu dài cần đề nghị nghiên cứu để thuế có thể đánh vào tất cả các hành vi gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người nói riêng, hệ thống của con người nói chung, muốn vậy phải rà soát lại các loại thuế và phí liên quan để bảo vệ môi trường, để có thể chuyển những khoản đang là phí sang thuế để có hiệu lực pháp lý cao hơn như đại biểu Đinh Thị Phương Lan, đại biểu Mỹ Hương đã phát biểu.

Thứ tư, về căn cứ tính thuế quy định tại Điều 6, tôi rất băn khoăn về quy định là hàng hóa biếu, tặng. Tôi nghĩ có lẽ cần cụ thể hóa hơn về vấn đề này, nếu nói biếu, tặng trong những trường hợp như sâu bệnh, dịch bệnh hoành hành chẳng hạn mà người ta biếu tặng mình cũng tính thuế thì như thế nào. Hai nữa là các tổ chức quốc tế trong trường hợp như vậy họ biếu tặng mình thì tính thuế như thế nào? tính ở đâu? Tôi nghĩ cần phải xem xét lại những điểm này.

Thứ năm, về phân chia nguồn thu quy định tại Điều 12 của Dự thảo luật, tôi đề nghị cân nhắc cụ thể thêm về vấn đề này vì trong này quy định tại Điều 12 đơn giản quá, chí ít chưa quy định được tỷ lệ % thì cũng phải có những quy định về nguyên tắc phân chia. Theo tôi đây là vấn đề không kém phần quan trọng để đảm bảo cho những địa phương và chủ yếu là những người dân bị ảnh hưởng về môi trường có được khoản thuế để đầu tư tái trở lại môi trường, bảo đảm công khai minh bạch, hạn chế cơ chế xin cho. Tôi nghĩ điều này cũng cần quy định rõ, tỷ lệ như thế nào thì không nói nhưng về nguyên tắc cần quy định một cách rõ ràng trong luật để trên cơ sở đó Chính phủ hướng dẫn thi hành.

Xin cám ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan