Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh

Thứ Tư 09:58 25-11-2009

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Về Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sau khi nghiên cứu tôi đề nghị có một số ý kiến:

Thứ nhất, sự cần thiết về ban hành văn bản luật này tôi hoàn toàn tán đồng, vì luật này không phải là mới đối với thế giới, do chúng ta phải đối mặt với sự khan hiếm các nguồn năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo cũng có nhiều hạn chế.

Thứ hai, chúng ta cần phải tiết kiệm năng lượng để chống hiện tượng ấm lên toàn cầu, sự nóng lên của trái đất và chúng ta là một trong những nước sẽ phải chịu tác động rất ghê gớm, cho nên chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với chính tương lai của hành tinh cũng như đất nước của chúng ta. Đi vào những vấn đề cụ thể tôi thấy luật này thì tên luật có một số vấn đề.

Thứ nhất, là khái niệm tiết kiệm tức là sử dụng một cách ít tiêu tốn nhất nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả thì gọi là tiết kiệm, chứ còn nếu không hiệu qủa thì không gọi là tiết kiệm. Cho nên ít nhất chữ "hiệu quả" trong luật này là thừa. Nếu bỏ chữ "hiệu quả" thì nó còn "luật sử dụng năng lượng tiết kiệm". Tuy nhiên tôi vẫn thấy là chưa ổn, tại vì chúng ta làm một luật công phu như thế này, nhiều thời gian như thế này mà lại chỉ nhắm vào có một khâu sử dụng thì cũng chưa thỏa đáng. Tôi mong muốn Ban soạn thảo và Quốc hội cho phép mở rộng phạm vi ra, tức là chúng ta sẽ làm một luật gọi là Luật tiết kiệm năng lượng, thậm chí là Luật năng lượng, chúng ta còn thời gian để làm việc này, nếu được ít nhất chúng ta cũng phải dừng lại ở mức độ là Luật tiết kiệm năng lượng, tức là nó gồm cả vấn đề khai thác, kinh doanh năng lượng có hiệu quả. Tôi nói khai thác hiện nay là chúng ta cũng còn nhiều lãng phí, khí dồng hành chúng ta có thể đốt bỏ, rồi than chúng ta lấy được phần nào thì lấy, có những phần ta bỏ lại trong lòng đất v.v... Vấn đề trung chuyển cũng rơi rớt lãng phí, đặc biệt tổn năng mà tổn thất điện năng hiện nay cũng ở mức rất cao và chúng ta có thể tiết kiệm được rất nhiều trong khâu trung gian tới khâu mua bán và cuối cùng là khâu tiêu dùng.

Luật tiết kiệm năng lượng cũng không hề bỏ qua những phần quan trọng liên quan đến năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng tái chế, 3 vấn đề này nó là một hệ thống. Chúng ta nếu tắt khâu sử dụng ra thì luật chúng ta trở lên quá nhỏ, mà nó lại không có hiệu quả thực tế mà chúng ta mong muốn. Tức là chúng ta tiết kiệm được nguồn năng lượng cho đất nước, đồng thời cũng là đảm bảo sự phát triển bền vững.

Vấn đề thứ hai, là về đối tượng, thì ở trong đây đối tượng nhắm vào người tiêu dùng là chủ yếu, tôi nghĩ rằng nó cũng cần phải mở rộng ra. Thứ nhất là đối tượng gồm có cả Nhà nước, nhà quản lý rồi đến nhà khai thác kinh doanh mới đến người tiêu dùng. Ở Trung Quốc họ đã đưa điều này vào kế hoạch từng năm, tiết kiệm bao nhiêu phần trăm năng lượng đưa vào trong kế hoạch Quốc hội thông qua và Chính phủ thực hiện, cuối năm có báo cáo. Chính phủ đã đưa chỉ tiêu này xuống cho các bộ, ngành và các địa phương, mỗi địa phương tiết kiệm bao nhiêu đấy. Để làm được việc này tôi nghĩ rằng chúng ta phải có một cơ quan gọi là kiểm toán năng lượng, trong đây cũng có nhắc tới và đầu tư một nguồn nhân lực, vật lực là tương đối để họ làm việc tốt và có những giải pháp tốt. Để làm việc này tất nhiên chúng ta cần chi phí, nhưng chi phí để tiết kiệm năng lượng thì rẻ và an toàn hơn rất nhiều so với chi phí để tìm kiếm nguồn năng lượng mới.

Có người nói rằng, mà trong báo cáo cũng đề cập tới là đang lãng phí khoảng 20% năng lượng. Nếu tiết kiệm được 20% năng lượng này thì thậm chí chúng ta không cần làm nhà máy điện hạt nhân thì vẫn đủ cho đất nước chúng ta phát triển ổn định. Cho nên điều này cũng phải cần xem xét cẩn thận.

Thứ hai, về chế tài thì luật này là rất ít chế tài, khá nhiều những cái chung chung theo kiểu nghị quyết, khẩu hiệu còn những cái chế tài cụ thể thì quá ít. Tôi đề nghị chúng ta đưa những chế tài một cách mạnh mẽ vào. Không phải là người có tiền thì có quyền sài năng lượng một cách thoải mái và chúng ta phải định mức được đối với một đơn vị sản phẩm là bao nhiêu, loại sản phẩm đấy thì bao nhiêu năng lượng là vừa phải, là trung bình. Nếu vượt quá thì phải bị phạt hoặc là bị tính giá rất cao, và giá chênh lệch thu được này không phải là giao cho ngành điện mà giao vào một quỹ và trên cơ sở quỹ đó là chúng ta đầu tư vào những dự án tiết kiệm năng lượng. Tức là lấy của chính người lãng phí đấy để đầu tư vào những công trình để chúng ta sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn. Tôi cũng mong muốn rằng trong dự án này có nêu những biện pháp cụ thể hơn để hỗ trợ cho những năng lượng tái tạo cũng là một nguồn năng lượng rất quan trọng để chúng ta tiết kiệm năng lượng. Ví dụ điện mặt trời và điện gió. Hiện nay về công nghệ thì ngày một phát triển hơn và đất nước chúng ta cũng không thiếu năng lượng mặt trời. Đặc biệt là những hộ gia đình chúng ta hoàn toàn ít nhất có thể sử dụng nước nóng trong sinh hoạt bằng năng lượng mặt trời một cách dễ dàng và rất rẻ. Vừa rồi Thành phố Hồ Chí Minh có một chương trình tài trợ cho các gia đình sử dụng nước nóng bằng năng lượng mặt trời, tôi nghĩ việc này cần được nhân rộng và có những tài trợ phù hợp để cho năng lượng mặt trời , điện năng nữa chứ không chỉ nhiệt năng không thì sẽ có giá cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan