Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh

Thứ Ba 11:06 22-06-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi cũng thấy bộ luật này hết sức cần thiết được ban hành để giải quyết những khúc mắc những luật vừa qua như Luật Đất đai mâu thuẫn với Luật khiếu nại, tố cáo chẳng hạn, cần phải có luật như thế này để chúng ta điều chỉnh nhưng mà cũng phải thừa nhận luật này quá khó. Điều khó nhất trong luật này chính là chỗ chúng ta phải bảo vệ người công dân trong mối quan hệ với Nhà nước mà người công dân thì luôn luôn ở vị trí yếu thế, dân ta thường nói "con kiến mà kiện củ khoai" và rất nhiều vụ khiếu nại đến tay tôi, tôi khuyên người ta nên đi khởi kiện thì họ đều từ chối. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó một là vướng mắc về án phí, hai nữa là họ thấy thủ tục quá phức tạp, thứ ba nữa thật sự mà nói họ không tin là tòa có thể xử được ông quan chức, ông chủ tịch chẳng hạn. Thật sự mà nói tôi cũng đang đeo đuổi một vài phiên tòa và tôi thấy rõ ràng là cũng khó cho thẩm phán tin rằng ông Chủ tịch ấy sai, mặc dù dấu hiệu sai, luật sư họ đưa ra hết sức rõ ràng.

Điều này tôi nghĩ chúng ta phải có giải pháp ngay trong luật này, thứ nhất, có một số người đề nghị tòa của tỉnh này xử một vụ việc của tỉnh khác cũng là một gợi ý. Tôi có gợi ý thứ hai là làm sao để tăng cường tính độc lập của những người tham gia xét xử đối với chính quyền địa phương. Chọn hình thức nào là tùy Chánh án quyết định, ví dụ đó là những người được cấp trên bổ nhiệm xuống và việc tái bổ nhiệm không nhất thiết qua Hội đồng nhân dân địa phương. Chúng ta nói là tòa án xét xử độc lập nhưng chúng ta không nói rằng tòa án là độc lập, chính vì điều đó cho nên họ có vô số ràng buộc đối với chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân địa phương, Đảng đoàn v.v..., làm cho việc phán xét của họ rất khó để đảm bảo sự khách quan. Nếu không làm được việc này thì luật của chúng ta đưa ra cũng tiếp tục rơi vào tình trạng như Pháp lệnh trước đây.

Thứ hai, để đảm bảo sự khách quan của phiên tòa, vì Viện kiểm sát là một phần giám sát thôi nên nếu được chúng ta đưa vai trò của các hiệp hội quần chúng, những tổ chức như Mặt trận Tổ quốc tham gia vào với tư cách bảo vệ quyền lợi cho những hành vi của tổ chức của mình thì mới đảm bảo thêm tính khách quan.

Hai nữa là bắt buộc phải có khiếu nại trước, tôi cũng đồng ý với nhiều đại biểu là bỏ quy định này đi, tất nhiên là người dân sẽ khiếu nại trước vì họ cũng đâu muốn ra tòa nhưng giả sử họ không tin tưởng vào khiếu nại này là sẽ được giải quyết hoặc họ đã có đối thoại từ trước rồi thì họ có thể chuyển thẳng ra tòa để rút ngắn được thủ tục trình tự. Tôi cũng đề nghị tòa nên quan tâm những thủ tục rút gọn, tôi lấy ví dụ trường hợp một anh nông dân sau 5-7 năm vừa khiếu nại, vừa tố cáo thì nhận được một bản án có hiệu lực pháp luật rằng phải hủy quyết định của Ủy ban nhân dân huyện trong việc lấy đất. Trong 5 - 7 năm đó ông vừa tốn bao nhiêu chi phí, vừa không được canh tác, cũng không nhận được tiền bồi thường. Nhưng khi có quyết định của tòa rồi thì ông kia thu hồi quyết định đó và ra quyết định mới, giả sử bồi thường cũ là 100 triệu, quyết định mới là 102 triệu. Bây giờ ông nông dân không đồng tình lại phải tiếp tục quá trình 5 - 7 năm nữa hay sao. Trường hợp này tôi đề nghị có thủ tục rút gọn để tiếp tục xem xét những quyết định tiếp theo, nếu những quyết định tiếp theo đó chưa đảm bảo tiêu chuẩn về pháp luật hoặc thấy có vấn đề, không bảo vệ được quyền công dân. Tôi nghĩ trong thủ tục nên nói vấn đề này.

Thứ ba, trong này tôi thấy hay nhắc cụm từ "hành vi hành chính" và "quyết định hành chính". Theo tôi hiểu quyết định hành chính cũng là một hành vi hành chính, nếu vậy ta định nghĩa hành vi hành chính bao gồm những việc quan chức làm hay không làm và cả quyết định hành chính thì ta bớt được 4 chữ lặp lặp lại nhiều lần, 2 chữ này phải đi đôi với nhau vừa "hành vi hành chính" vừa "quyết định hành chính", trong khi thực sự hành vi hành chính cũng bao gồm.

Về quyền từ chối khai báo, nói chung trong nền pháp luật tiên tiến không bắt người ta phải khai báo các điều bất lợi cho bản thân mình, cho người thân của mình, kể cả làm lộ bí mật. Tuy nhiên trong luật pháp các nước đều có biện pháp để người ta có thể khai báo mà không làm hại đến bản thân mình. Ví dụ quan tòa và công tố viên có thể thỏa thuận phần khai báo thêm của anh này nhằm làm sáng tỏ một vụ án thì không được dùng như một chứng cứ để làm bất lợi cho anh hoặc người thân của anh, anh muốn bảo vệ. Như vậy trong trường hợp này họ vẫn khai báo, mình không chống lại bản thân họ nhưng việc khai báo đó làm lợi nhiều cho quá trình xét xử vụ án để tìm ra sự thật.

Việc về bí mật quốc gia không được khai báo, bí mật của doanh nghiệp thì chúng ta có thể đặt một thỏa thuận đây là một khai báo kín và những phần liên quan tới bí mật đó sẽ được bảo vệ, bởi vì bao giờ nó cũng có một phần có thể được công bố, một phần không công bố hoặc công bố hạn chế. Đặc biệt trong tình hình của chúng ta hiện nay rất là lạm dụng cái gọi là bí mật.. Ví dụ như tôi nhận được danh sách đề cử của ông ở Ủy ban Kinh tế ngân sách đóng dấu mật mà phải thu hồi. Thực ra thì nó có gì là mật đâu, nhưng nếu như ta xem xét thì đó là một văn bản mật và không được công bố. Tôi lấy ví dụ như vậy. Có nhiều cơ quan sẽ lạm dụng điều này. Tôi đề nghị phải xem xét "mật" và "không mật" thì trong trường hợp nào thì chúng ta cũng phải được quyền khai báo và công bố với điều kiện hoàn toàn nhận thức được và xem xét thấy vấn đề này không ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia, ví dụ văn bản mật nhưng đã hết thời hiệu chẳng hạn.

Một điểm nữa mà chúng ta nói rằng thẩm quyền tòa án không xử những vụ liên quan đến quốc phòng, an ninh và ngoại giao thì thật sự khía cạnh này quá rộng. Ví dụ nói về quốc phòng nhưng có những vấn đề ví dụ như một đơn vị quân đội lấy đất của dân thì trở thành một tranh chấp bình thường, nó không phải là bí mật quốc phòng, an ninh gì cả. Tôi đề nghị cũng phải có một định nghĩa rõ, ghi thật rõ vấn đề như: thế nào là vấn đề quốc phòng, thế nào là vấn đề an ninh và vấn đề ngoại giao. Chứ còn cơ quan an ninh cũng có thể tiến hành những công việc mà nó không phải thực sự có liên quan gì đến an ninh quốc gia. Ví dụ như tội cắt trộm một đường dây điện đôi khi vì nó vào một cơ quan quan trọng mà bảo là phá hoại công trình an ninh quốc gia. Nhưng thật sự những vụ việc đấy nêu liên quan đến tranh chấp giữa các cơ quan, nhất là bên quân đội họ có mạng Viettel chẳng hạn, thì đó là những hoạt động kinh tế quân đội thì nó có nằm trong phạm vi quốc phòng, an ninh quốc gia hay không. Kể cả bên ngoại giao, ví dụ như những phán quyết về việc quan hệ tới các đại sứ của mình hay là kỷ luật một ông đại sứ chẳng hạn thì việc này có phải là thẩm quyền của tòa án hay không. Tôi đề nghị những việc này cần phải làm rõ trong luật, nếu không thì cứ đụng tới vấn đề này là ta gạt ra và không giải quyết thì cũng rất là hạn chế.

Về biện pháp khẩn cấp tạm thời, tôi đồng ý là chúng ta không nên bắt buộc người ta phải có tài sản bỏ vào đây, vì người dân rất khó khăn và nếu đưa tài sản vào nữa thì rất khó, có thể không thực hiện được. Cho nên quan tòa sẽ quyết định việc này nếu thấy rằng việc này phù hợp.

Cuối cùng tôi muốn nói đến Bộ luật dân sự mà dẫn chứng vào đây, ý Ban soạn thảo muốn bỏ ra, tôi cũng thấy bỏ ra thì không sao, nhưng cũng phải có chính kiến rõ ràng rằng những nguyên tắc áp dụng của Bộ luật dân sự có được áp dụng vào đây hay không? Có thể không ghi trong luật nhưng theo tôi Bộ luật dân sự là luật mẹ, luật gốc thì như vậy những luật trong này có những vấn đề gì đó vượt qua khỏi luật này thì vẫn có thể sử dụng Bộ luật dân sự và những Bộ luật khác để mà có thể dẫn chiếu vào đây mà không nhất thiết phải ghi vào luật. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan