Góp ý của đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh – Quảng Nam

Thứ Tư 15:50 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Đối với hai dự luật này tôi xin tham gia 3 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, tôi hết sức tán thành về sự cần thiết, nhưng không phải cần thiết phải thông qua luật. Sự cần thiết ở đây là vấn đề bức xúc của chúng ta hiện nay, là sinh viên, người có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp không có nhà ở, thiếu nhà ở là vấn đề bức xúc, là sự cần thiết phải được Đảng, Nhà nước quan tâm và đây cũng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước chúng ta thực hiện trong nhiều năm qua. Theo con số chung chúng ta thấy các đối tượng này còn khoảng 20-30% có nhu cầu về nhà ở nhưng với chính sách như thế này, tôi rất đồng tình với những ý kiến phát biểu trước tôi, tôi sợ không đi vào thực tế, sẽ làm méo mó chủ trương hết sức tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta.

Các đối tượng này cùng chung nhu cầu và cần được giải quyết nhà ở, nhưng theo tôi là 3 đối tượng khác nhau. Có một thực tế là không phải sinh viên nào cũng muốn vào ký túc xá, không phải người có thu nhập thấp nào cũng muốn ở chung cư. Những chính sách của chúng ta cần tách bạch, cần cụ thể từng đối tượng và liệu khi chúng ta sửa đổi, bổ sung hai luật thuế như Tờ trình thì có giải quyết được vấn đề mà hiện nay trong xã hội của chúng ta, nhà bán cho đối tượng có thu nhập thấp mà giá rất khủng khiếp, cả đời cán bộ, công chức không biết có được 300 triệu để mua căn nhà, tôi nghĩ rao bán trên dưới 500 triệu một căn nhà mà đó là nhà cho người thu nhập thấp.

Trong Báo cáo của Chính phủ cũng nói hiện nay công nhân ở các khu công nghiệp của chúng ta không có nhà ở, phải đi thuê có giá từ 50.000 đến 150.000 đồng/tháng. Khi chúng ta có chính sách thuế này thì doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở có thuê được mức đó không, chắc chắn tôi tin không bao giờ có mức đó. Tôi đề nghị cần làm rõ mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, thời gian qua với chính sách thuế hiện hành thì có bao nhiêu doanh nghiệp cần đầu tư vào lĩnh vực nhà ở để cho sinh viên thuê, cho công nhân mua hay thuê, cho người có thu nhập thấp thuê, nhưng vì vướng giá thuế cao này mà họ không vào được.

Thứ hai, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng rồi nhưng cần có chính sách của nhà nước mới bán được nhà. Nói cách khác là đã đầu tư rồi nhưng nhiều nhà xây rồi để đó không ai mua, cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước để các doanh nghiệp này bán được nhà ở.

Vấn đề cần làm rõ nữa là thời gian qua với chính sách này các doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn đã thực hiện được vấn đề này chưa, tới đây chúng ta giảm, miễn thuế theo kiểu này thì người ta có làm được không, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nếu thực hiện chính sách thuế này thì ngân sách nhà nước của chúng ta vốn đang khó khăn, tính từng đồng, từng cắc thì sẽ giảm bao nhiêu, ngân sách Nhà nước sẽ giảm bao nhiêu cho việc miễn giảm này. Chính vấn đề đó tôi thấy cần làm rõ và do đó tôi không nhất trí với việc sửa, bổ sung Điểm q vào Khoản 2, Điều 8 của Luật thuế giá trị gia tăng để doanh nghiệp hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng nêu trên để các doanh nghiệp này được hưởng thuế suất là 5%.

Vấn đề thứ hai, tôi không nhất trí là sửa Khoản 2, Điều 13 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để các doanh nghiệp này được hưởng thuế suất ưu đãi là 10%.

Vấn đề thứ ba, tôi không nhất trí là bổ sung Khoản 1 a, Điều 14 nhằm mở rộng đối tượng của doanh nghiệp này để được miễn giảm thuế theo dự thảo đang trình. Không đồng ý thế, tôi xin kiến nghị những giải pháp sau: Để chính sách của chúng ta đạt được mục đích tối thượng, một cách căn cơ và hiệu quả đích thực. Tôi đề nghị chúng ta cần phải tổng thể để thực hiện được việc này, nhưng mong muốn chúng ta đặt ra cần có một chính sách đồng bộ, bao gồm nhiều giải pháp chứ không phải chỉ thế thôi, trong đó đất đai, tài chính tín dụng như chúng ta đã đề cập tới. Đó là cái chung nhất.

Thứ hai, đi vào cụ thể tôi đề nghị tách sinh viên và học sinh ra. Sinh viên, học sinh thì các trường có rồi, hàng năm như năm vừa rồi chúng ta có dành ra một vài nghìn tỷ để Nhà nước đầu tư cho các trường đang hiện có là giao cho các trường quản lý ký túc xá, ưu tiên hỗ trợ cho học sinh nghèo, sinh viên nghèo ở với mức giá hiện nay theo tôi được biết 5, 7 chục nghìn gì đó, rất là ưu đãi hoặc là miễn cho các đối tượng này. Còn các sinh viên giàu có điều kiện hơn thì thuê ngoài chứ nói thật ra là không bao nhiêu sinh viên có điều kiện muốn vào ở ký túc xá một cách chật chội, tù túng như thế đâu.

Thứ hai, nếu như doanh nghiệp muốn đầu tư vào thì đất ở nhà trường, chúng ta vừa sửa đổi Luật giáo dục, bây giờ dự án sắp tới đây đi vào hoạt động thì dự án trường đại học phải có quỹ đất để làm ký túc xá. Tôi đề nghị phải làm điều đó. Cho đầu tư vào thì chúng ta phải có chính sách về giá cả trong kinh doanh một số năm để anh đầu tư vào ký túc xá cho sinh viên.

Còn khu công nghiệp và công nhân đề nghị chúng ta hỗ trợ cho doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân của anh. Bởi vì tôi biết trên thực tế chúng ta có một số doanh nghiệp làm tốt điều này, có những doanh nghiệp người ta nói làm nhà ở cho công nhân của họ giống như khách sạn thì công nhân lại gắn bó với xí nghiệp hơn, gắn bó với nhà máy của công ty hơn. Anh đầu tư làm được việc này nhà nước sẵn sàng miễn giảm thuế của anh cho doanh nghiệp này. Như vậy nó hiệu quả hơn.

Thứ ba, người có thu nhập thấp, cán bộ công chức nhà nước trước hết chúng ta phải tạo quỹ đất, các khu công nghiệp chúng ta cũng phải tạo quỹ đất, Nhà nước cũng phải tạo quỹ đất, từng cơ quan người ta có nhu cầu lập danh sách đăng ký cán bộ công chức rồi quỹ đất đó làm cho cán bộ công chức của cơ quan đấy. Chúng ta khuyến khích việc cho vay tiền trả chậm để người ta có điều kiện mua nhà. Không làm được việc này tôi thấy rất khó.

Có một hướng nữa, có vị đại biểu nói Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các thành phố lớn không nói, còn lại 60 tỉnh cán bộ công chức người ta muốn vay tiền với chính sách ưu đãi người ta tự làm nhà tốt hơn, hoặc chúng ta có chính sách ưu đãi về đất đai cho họ thì họ tự làm nhà vẫn là mong muốn hơn. Tất cả những điều tôi nói ở đây chúng ta có thể tập trung vào theo ngân hàng chính sách xã hội để giải quyết cho những đối tượng chính sách này của chúng ta thì tôi nghĩ sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. Xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan