Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thời – Thái Nguyên

Thứ Tư 15:50 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi bày tỏ hoàn toàn đồng ý với Báo cáo thẩm tra, đồng thời Báo cáo của Chính phủ đã phân tích rất rõ về việc cần thiết phải đầu tư nhà ở. Rõ ràng chúng ta thấy rất nhiều đối tượng cần phải có nhà ở và đang rất khó khăn, nhưng với chính sách của ta hiện nay thì tập trung vào 3 đối tượng: thứ nhất là học sinh, sinh viên; thứ hai là công nhân; thứ ba là người có thu nhập thấp. Trong Báo cáo thẩm tra, đồng thời Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo các đồng chí phân tích rất rõ rồi, tôi không phân tích lại nữa. Bây giờ vấn đề là cần một quỹ nhà ở như thế, thì kinh phí ở đâu để ta đầu tư? Tôi tin là tất cả các đại biểu Quốc hội chúng ta rất nhiều chúng ta đã đi nước ngoài, mà đi ngay mấy nước xung quanh ta đây, ví dụ ngay Singapore thì thấy người ta có quỹ nhà ở rất lớn, tức là cứ người lao động đi làm, thì được mua nhà ở mà trả dần trong thời gian 30 năm. Tức là người ta không phải lo lắng nhà ở. Rõ ràng chúng ta biết "an cư mới lập nghiệp", không có nhà ở thì làm sao yên tâm làm việc được. Khi Nhà nước có tiền, Nhà nước bỏ ngân sách ra đầu tư, tôi cho việc đó không phải bàn nữa nhưng năm vừa rồi mới bỏ ra được một ít thì không thấm vào đâu cả.

Mục tiêu của dự án này là để huy động, khuyến khích được các thành phần kinh tế khác bỏ tiền vào đây để đầu tư, tạo ra một quỹ nhà ở lớn hơn hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ cho công nhân, hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, ta hỗ trợ bằng cách nào. Rất nhiều các đồng chí có ý kiến, tôi cho có 3 cách:

Thứ nhất, là về đất đai, ta hỗ trợ tạo điều kiện cho người ta có một quỹ đất hoặc có chính sách về tiền thuê đất đó.

Thứ hai, về mặt thuế, rõ ràng phải có một mức thuế thật hấp dẫn để khi người ta bỏ tiền ra đầu tư người ta thu được vốn.

Thứ ba, là chính sách tín dụng.

Tôi cho chỉ có 3 cách đó, về chính sách đất đai hiện nay đã nằm trong Luật đất đai, một lúc ta không thể sửa được cả 3 luật, về tín dụng thì nằm trong một kênh khác, ở đây còn việc miễn giảm thuế một phần. Thực ra việc miễn giảm thuế này xin báo cáo Quốc hội cũng giảm giá thành được rất ít, từ thuế 10% ta giảm xuống còn 5%. Thực ra là không đáng kể lắm, cũng góp phần làm sao để doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư, một là người ta giảm được giá thành để người ta bán cho các đối tượng này, hai là cũng tạo điều kiện để người ta thu hồi vốn. Như vậy đưa ra việc miễn, giảm thuế tôi cho là một việc hết sức sáng suốt thì đó là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ, bởi vì biết được điều kiện khó khăn hỗ trợ cho ba đối tượng này. Hơn nữa việc này về chính sách an sinh xã hội từ năm 2008 từ Kỳ họp thứ 5 thì chúng ta đã đưa rồi, đây là hỗ trợ cho những thành phần này, cho những đối tượng này giảm bớt khó khăn thì ta cũng đã đưa rồi mà ta đang thực hiện rồi. Việc đó cũng rất hiệu quả, chính vì thế cho nên tôi bày tỏ hoàn toàn ủng hộ việc thông qua luật này vào một kỳ họp, thể hiện chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đã góp phần hỗ trợ để cho các doanh nghiệp bỏ kinh phí đầu tư vào lĩnh vực nhà ở. Nếu có điều kiện chúng ta thống kê được thì bao nhiêu doanh nghiệp người ta bỏ tiền vào đây, tôi cho là không dễ gì mà người ta bỏ tiền vào đây để đầu tư cho khâu nhà ở để cho đối tượng thu nhập thấp này, rõ ràng người ta đầu tư nhà ở người ta nhằm đến những đối tượng thu nhập cao, người ta không nhằm đến đối tượng thu nhập thấp. Rõ ràng Đảng, Nhà nước đang nghĩ cách để thu hút người ta vào thì đưa ra chính sách này, tôi cho đó là cách hỗ trợ.

Thứ nhất, tôi nhắc lại một lần nữa là tôi hoàn toàn bày tỏ ủng hộ việc chúng ta nên thông qua để hỗ trợ.

Thứ hai đi vào cụ thể của luật này thì tôi chỉ một đề nghị: đối với lực lượng công nhân bây giờ là khó khăn chung kể cả doanh nghiệp ở trong công nghiệp cũng như ngoài công nghiệp, bức xúc về nhà ở là chung, trong dự án này mới đề cập đến việc ta hỗ trợ cho các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất và khu công nghệ cao. Tôi đề nghị là trong dự án này ta bỏ điều đấy đi, ta bỏ cụm từ là "làm việc tại khu công nghiệp, khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao". Ở Điểm d, Khoản 2 của Điều 23 và Khoản 1 a của Điều 4 như vậy là cứ doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân là ta hỗ trợ thì mới tạo được sự bình đẳng, thì mới khuyến khích. Mà ngay cho bản thân doanh nghiệp bỏ tiền ra người ta đầu tư để làm nhà ở cho công nhân, đồng thời cũng khuyến khích cho cả các thành phần kinh tế khác hỗ trợ bỏ tiền vào làm nhà ở chung, chứ không phải chỉ có riêng khu công nghiệp. Mà rõ ràng bây giờ các doanh nghiệp của ta nằm ngoài khu công nghiệp rất lớn, nằm trong khu công nghiệp là một phần nhỏ thôi. Đấy là vấn đề thứ hai.

Vấn đề thứ ba, cũng như nhiều đại biểu cũng đã có ý kiến, để có tính chất lâu dài tôi cũng đề nghị ở Quốc hội hay là Chính phủ cũng nên ban hành một chính sách tín dụng ưu đãi để cho 2 đối tượng công nhân và người thu nhập thấp được mua nhà. Việc này tôi cho là ở các nước ngoài người ta cũng làm rất nhiều rồi. Bây giờ một công nhân vào làm việc thì được ký hợp đồng mua một cái nhà trả dần trong thời gian 30 năm thông qua công ty mà người ta ký hợp đồng lao động, tùy theo mức thu nhập của người ta để tính toán mức trả nợ nhà có khả năng trả nợ được như nào thì mua với một diện tích là như thế. Việc này chúng ta cũng đã đi nước ngoài, ngay như Singapore hay tất cả các nước khác thì người ta cũng đã thực hiện là đã có chuyện mua nhà trả dần trong thời gian 30 - 40 năm. Tôi đề nghị Chính phủ cũng nên nghiên cứu tiếp một chế độ chính sách tín dụng nữa, qua chính sách về đất đai, chính sách về thuế, chính sách tín dụng thì 3 chính sách này ra rõ ràng sẽ khuyến khích được các thành phần kinh tế sẽ bỏ tiền vào đầu tư để làm nhà ở, để phục vụ cho 3 đối tượng trên. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan