Góp ý của đại biểu Quốc hội Lê Văn Học – Lâm Đồng

Thứ Tư 15:49 25-11-2009

Kính thưa Đoàn Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội.

Sau khi nghiên cứu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp mà Chính phủ trình. Tôi xin được nêu một vài ý kiến ra như sau.

Thứ nhất, có thể nói đây là dự án Luật được trình bày rất ngắn gọn kể cả Tờ trình của Chính phủ cũng như nội dung của dự án. Sau khi nghiên cứu kỹ và nghiên cứu cả Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách về dự án Luật này tôi cho đây không chỉ là sửa đổi luật đơn thuần mà là cả chính sách lớn của Đảng và Nhà nước thể hiện tính ưu việt của chế độ, thể hiện việc đặt mục tiêu chăm lo cho con người lên trên hết, đặc biệt là đối với sinh viên thế hệ tương lai, nhân tài và nguồn nhân lực có chất lượng cao sau khi được đào tạo. Còn đối với công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao là những người trực tiếp làm ra của cải vật chất, trực tiếp tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có thu nhập thấp và còn khó khăn thì đúng là cần xã hội chăm lo hơn.

Tôi cho rằng từ nay đến năm 2020 đặt mục tiêu nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì nhà ở cho 3 đối tượng trên phải nói là vấn đề rất bức xúc mà cần phải được chăm lo, cần phải được chỉ đạo rất quyết liệt mà Nhà nước dành đầu tư một khoản kinh phí như là các doanh nghiệp. Ngoài ra vấn đề xã hội hóa trong việc xây dựng ký túc xá cho sinh viên, xây nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, người nghèo v v...

Ý thứ hai, tôi muốn nêu ở đây, trong dự án Luật này chúng ta xét về bản chất thì đây chính là Nhà nước muốn hỗ trợ các đối tượng, ví dụ như học sinh, sinh viên, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp. Vậy thì chúng ta có thể có rất nhiều cách hỗ trợ khác nhau ví dụ như cấp tiền trực tiếp gọi là hỗ trợ tiền để thuê nhà ở, tất nhiên điều này là khó không đơn giản, học phí thấp, Nhà nước không chăm lo nổi bây giờ còn hỗ trợ tiền cho các em sinh viên dài hạn tập trung để có nhà ở thì chắc không phải dễ.

Thứ hai, Nhà nước cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước để xây dựng ký túc xá trong các trường đại học, cao đẳng, thời bao cấp thì có nhưng trong những năm gần đây việc này rất khó, không đáng kể bao nhiêu so với số lượng học sinh, sinh viên của chúng ta, việc này lúc nữa tôi sẽ nói thêm hoặc là xây nhà tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất dành cho công nhân lao động ở v.v.... Một giải pháp nữa có thể cho thuê với giá quy định Nhà nước xây nhà, hoặc là các doanh nghiệp sau đó cho thuê với giá quy định theo chỉ đạo của Nhà nước và Chính phủ, cho thuê đúng đối tượng, đúng luật. Hoặc một giải pháp nữa là các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà được phép vay tiền của Nhà nước được giảm thuế và nhà đó chỉ phục vụ sinh viên, chỉ phục vụ cho công nhân, người có thu nhập thấp. Tôi cho là có rất nhiều giải pháp, trong này theo ý kiến của tôi giải pháp tốt nhất và đúng mục đích dễ kiểm soát nhất chính là trước mắt giải quyết cho một số đối tượng cũng rất quan trọng, cũng rất đông đảo đó là học sinh, sinh viên Nhà nước cấp kinh phí cho các trường đại học, cao đẳng xây ký túc xá trong các khu vực ở trường mình hoặc thêm nữa là cũng coi ký túc xá như nhà ở tập thể cho các đối tượng được nêu trong dự án thì có lẽ khả thi nhất.

Thứ ba, về mặt sinh viên, kỳ họp trước thì đề án về tài chính trong giáo dục cũng như vừa qua về Luật giáo dục cho thấy hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ quyết định năm 2005 đến hết năm 2010 thì sẽ đảm bảo khoảng 60% nhà ở cho sinh viên, tức là ký túc xá cho sinh viên tập trung dài hạn và mỗi em trung bình là 3m2/một sinh viên. Như các đồng chí biết bây giờ là tháng 9 năm 2009 theo báo cáo của Bộ giáo dục và đào tạo, chúng ta có khoảng 1,7 triệu sinh viên hệ chính quy dài hạn, tăng 13 lần so với năm 1997 mà mới chỉ có 15 - 20% sinh viên được ở trong ký túc xá, đấy là ký túc xá ở giường hai tầng với phòng ở 20 -24 m2 ở 12 em, tức là cứ 2 m2. Còn tính theo tiêu chuẩn Chính phủ đưa ra quyết tâm lần này trong dự án luật ghi đến năm 2010 có được 60%, bây giờ nếu tính theo tiêu chuẩn chung đó mà nhà rất xuống cấp cũng chỉ khoảng độ 2 m2, thì không biết đến bao giờ chúng ta có thể làm được, cho nên việc phấn đấu này có thể nói cũng rất cam go.

Ngoài ra nữa có thể nói về đối tượng, theo tôi không chỉ có học sinh, sinh viên chính qui dài hạn, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp mà hai đối tượng này cũng cực kỳ quan trọng khi mà cần phải đi học, tiếp đó là hiện nay có khoảng độ 30.600 học viên cao học và 2.500 nghiên cứu sinh. Chúng ta vừa mới thảo luận Luật giáo dục hôm trước thì trong luật dự kiến lần này bắt nghiên cứu sinh và học viên cao học phải 1 năm tập trung ở trường để đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu không ưu tiên đối tượng này thì họ sẽ ở đâu, lại đi thuê nhà ở các nhà cấp 4 trong khu dân cư rất đông đúc hoặc là ở các vùng ven đô thì cực kỳ khó khăn. Cho nên về đối tượng tôi nghĩ dù luật có được thông qua hay không, dù có nghị định chi tiết hơn, hay dù có chủ trương nào đó thì cũng phải nghiên cứu xem xét thêm cho cả đối tượng nghiên cứu sinh và học viên cao học.

Ý thứ tư, trong sửa đổi luật lần này có một số điều trong này nêu tôi cho là cũng chưa được cụ thể lắm, ví dụ như ngay cả định nghĩa thế nào là người khó khăn, thế nào là người thu nhập thấp thì không rõ lắm, vấn đề này phải được chi tiết hóa thêm.

Thứ hai, trong điều luật có ghi các doanh nghiệp hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên v.v... thì ở đây có thể hiểu đầu tư một phần thôi, chưa chắc có phải là làm tất cả nhà ở cho sinh viên hoặc làm nhà ở cho công nhân v.v... Cho nên thực ra trong những điều luật rất ngắn gọn không rõ ràng và đọc nghị định cũng thấy không có rõ hơn được bao nhiêu cả, có thể nói đối với dự thảo như thế này thì việc thực thi rất khó khăn, doanh nghiệp chắc chắn được hưởng lợi nhưng đối tượng ưu tiên thì chưa chắc đã được hưởng, như vậy sẽ xảy ra thất thu ngân sách Nhà nước, dễ phát sinh tiêu cực, các doanh nghiệp sẽ lách luật để hoàn thuế giá trị gia tăng. Chính vì vậy trong này nếu các điều luật được ghi cụ thể hơn. Ví dụ chỉ ưu đãi phần thuế, giảm thuế cho các dự án trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở và ký túc xá sinh viên, nhà ở cho công nhân hoặc người có thu nhập thấp, đầu tư trực tiếp như vậy mới được hưởng, còn nếu hoạt động trong lĩnh vực này thì rất nhiều, không thể biết thế nào mà lần.

Ý kiến cuối cùng của tôi, tôi cho rằng đúng là việc soạn thảo Nghị định chưa được chi tiết cho nên cần phải chi tiết hơn, thảo luận dễ hơn và để chúng tôi xem dễ hơn. Còn những kiến nghị nữa trong luật này, nếu được trong Nghị định của Chính phủ thì tôi cho rằng cần phải ghi thêm. Bây giờ rất nhiều trường đại học đất không ít lắm, khi Ủy ban đi khảo sát, đi giám sát thì có những trường có gần 300 ha. Nhưng đề nghị nhà nước cho đầu tư xây dựng ký túc xá. Ví dụ đại học Vinh có 286 ha, đất rất rộng rãi, vừa qua có gói kích cầu của Chính phủ thì Bộ Xây dựng đứng ra tổ chức xây, sau đó sẽ cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng đến ở với vị trí rất xa. Chúng tôi cho rằng khi thực hiện dự án đó cần phải hỏi ý kiến Bộ Giáo dục và đào tạo cũng như bàn với các trường trong phạm vi đất họ có thể có được, để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong quản lý, sử dụng và đúng mục tiêu, mục đích. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan