Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh – Quảng Nam

Thứ Tư 13:55 26-05-2010

Kính thưa Quốc hội!

Trước hết, tôi rất đồng tình với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo luật thuế này. Đây có thể nói là bước tiếp thu rất tốt, bởi vì tại kỳ họp trước hầu hết đại biểu Quốc hội chúng ta tán thành theo cách làm như thế này. Tôi xin tham gia 4 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, tại Điều 6 về giá tính thuế. Tôi thấy tại Điểm b, Khoản 1 có mâu thuẫn với Khoản 2 bởi vì như các đại biểu nói tính ổn định trong chu kỳ 5 năm, nhưng giá đất lại được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hàng năm. "Ổn định 5 năm" theo tôi hiểu ở đây là bắt đầu từ ngày luật này có hiệu lực vào năm 2012 thì 5 năm kế tiếp ấy ổn định giá tính thuế, nhưng có những trường hợp sau đó chúng ta mới cấp đất, giao đất, cho thuê đất v.v...bắt đầu từ đâu cho ổn định chu kỳ này. Tôi đề nghị chúng ta nên thiết kế và làm rõ hai khoản này cho cụ thể.

Vấn đề thứ hai, Điều 7 về thuế suất. Khoản 4 và Khoản 6 tôi thấy có hai trường hợp theo tôi hiểu được quy định tại luật này đều là những vi phạm pháp luật, đó là việc sử dụng đất không đúng mục đích, đất chưa sử dụng đúng quy định thì chúng ta áp dụng mức thuế suất 0,1% ở Khoản 4.

Ở Khoản 6, đất lấn chiếm chúng ta quy định là 0,15%. Tôi nghĩ như thế không thỏa đáng, ở Khoản 4 phải cao bằng, ít nhất là phải bằng trường hợp lấn chiếm này. Ở Khoản 6 nói như thế này chưa bao quát hết. Thực tế ở nông thôn hiện nay theo tôi được biết việc lấn chiếm còn trường hợp nữa là đất hồi xưa đội trưởng sản xuất chưa nói đến chủ nhiệm hợp tác xã cấp đất ở cho dân mình. Bây giờ diện tích này không phải lấn chiếm mặc nhiên người ta sử dụng, trong giấy chứng nhận là 200m2 nhưng có những trường hợp người ta đang sử dụng 400 m2 cả mấy chục năm nay. Chúng ta phải bổ sung vào nội dung này: "Đối với đất thực tế sử dụng vượt hạn mức" không phải cố tình lấn chiếm, trường hợp mặc nhiên có như thế do những lỗi tôi nói ở trên. Đối với đô thị phải áp dụng mức thuế suất cao hơn để đảm bảo quản lý đô thị thật tốt.

Điểm nữa, tới đây để tránh hiểu nhầm cho dân khi nộp thuế coi như đã chấp nhận hợp pháp của mảnh đất này, nhưng có cái chúng ta giải quyết chưa triệt để, giống như một số hành vi chúng ta xử phạt thường gọi là phạt cho tồn tại, không nên. Để giải quyết vấn đề này cho căn cơ hơn, tôi đề nghị thêm một đoạn nữa trong Khoản 6, đến đoạn: "tùy từng trường hợp cụ thể nếu không có tranh chấp, sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch, Chính phủ phải điều chỉnh theo quy định của Chính phủ" Tức là tùy từng trường hợp cụ thể điều chỉnh để sau đó không còn điều này trong luật này, vì đây là thực tế từ trước để giải quyết cho triệt để hơn.

Về miễn, giảm thuế ở Điều 9 và Điều 10, tôi đề nghị miễn đưa Khoản 3, Điều 10 lên Khoản 5 ở chỗ quy định là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ chồng và con liệt sĩ được giảm 50%. Tôi đề nghị nói chung đúng như đại biểu Liêu nói thân nhân liệt sĩ trong đó có con theo quy định hiện nay không được hưởng trợ cấp hàng tháng thì đưa luôn vào là miễn luôn, chế độ chúng ta miễn thế này. Nếu giảm 50%, các đồng chí biết là các người con của liệt sĩ hiện nay trên thực tế có những người thờ 3, 4 liệt sĩ, mẹ mất rồi, cha mất rồi không được hưởng chế độ gì cả bởi vì họ trên 18 tuổi theo quy định hiện hành. Cho nên tôi đề nghị đưa luôn trường hợp này từ Khoản 3 Điều 10 lên Khoản 5 Điều 10 được miễn như thế. Tôi cũng thống nhất ý kiến đưa anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào trong trường hợp miễn thuế chứ không phải giảm như trong quy định này.

Vấn đề nữa ở chỗ Khoản 8, tôi cũng đồng ý ý kiến thiệt hại 50% tổng giá trị chúng ta phải nói rõ không phải thiệt hại về đất đâu mà còn có tài sản trên đất nữa. Căn cứ để tính miễn giảm cũng giống như ở Khoản 4 Điều 10 hay Khoản 8, Điều 9 như tôi đang nói thì trường hợp này chúng ta phải tính đến thiệt hại đó.

Một ý nữa tôi cũng muốn đề nghị giống như một số quy định của pháp luật, như hôm qua chúng ta có giải trình Luật thi hành án dân sự, trường hợp bất khả kháng chúng ta cần phải nêu cụ thể một số trường hợp, chúng ta phải dẫn ra một số trường hợp ví dụ như là thiên tai, hạn hán, mất mùa hay hỏa hoạn để dẫn chứng cụ thể chừng nào tốt chừng ấy cho các trường hợp bất khả kháng này.

Vấn đề cuối cùng, xung quanh ý kiến của các đại biểu nói về chuyện chúng ta không đóng thuế nhà ở. Việc này tôi thấy với cơ chế quản lý và pháp luật của Việt Nam chúng ta như hiện nay thì có thể khó tính được giá nhà để tính thuế. Vì nhà ở thực chất do hai nhóm cấu thành đó là nền nhà và kiến trúc trên đó. Nền nhà chúng ta đang áp dụng thuế này, còn kiến trúc khi chúng ta mua vật liệu đã đánh thuế rồi, ít nhất là thuế giá trị gia tăng, sau đó đến nhà phải khấu hao, đến thời điểm tính thuế nó không còn giá trị thì thế nào, hơn nữa hiện nay chúng ta đang có chính sách thực hiện kiên cố hóa nhà ở, khuyến khích chính sách nhà xã hội v.v.... Tuy nhiên tôi cũng đề nghị phải áp dụng với những người có nhiều nhà mà cái này là khi chúng ta ra được luật này rồi thì căn cứ trên cơ sở luật này chúng ta có đủ cơ sở để chúng ta tính 2 nhà hay 3 nhà gì đó thì phải đánh thuế, bởi vì nói như đại biểu trước nói là chúng ta phải làm một cuộc tổng điều tra. Theo tôi nghĩ qua cách chúng ta áp dụng Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp này rồi không cần tổng điều tra nữa, bởi vì anh biết trên mảnh đất đó có nhà hay không rồi, của ông A, ông B, ông C mình biết hết rồi, cho nên căn cứ thực tế đó chúng ta điều chỉnh bằng luật tiếp theo đề nghị Quốc hội nghiên cứu để chúng ta làm luật để điều tiết về bất động sản trên đất này. Theo tôi theo hướng đấy là hợp lý hơn, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan