Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lương Phan Cừ – Đắk Nông

Thứ Năm 11:10 17-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi bày tỏ và đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, Ban soạn thảo và Ủy ban Pháp luật trong việc chuẩn bị tài liệu xây dựng dự án Luật thanh tra (sửa đổi) cũng như tiến hành hoạt động thẩm tra dự án luật này. Qua nghiên cứu các tài liệu, tôi đồng tình với nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật nêu trong Báo cáo thẩm tra cũng như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ và tại Hội trường. Theo sự gợi ý của Đoàn thư ký, tôi xin tham gia một số ý kiến sau đây:

Thứ nhất, theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật thanh tra năm 2004 và thực tiễn hoạt động thanh tra trong thời gian vừa qua đã chỉ ra rất nhiều bất cập. Do đó, tôi nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật thanh tra để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Thứ hai, về đối tượng, phạm vi điều chỉnh và địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra. Tôi cho đây là một vấn đề hết sức quan trọng, nhưng đang còn có nhiều ý kiến trái ngược nhau cần phải được làm rõ khi bắt tay vào xây dựng dự án luật này. Theo dự thảo thì cơ quan thanh tra như là một cơ quan giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ hoặc thủ trưởng cơ quan. Điều này chỉ phù hợp với thanh tra Chính phủ hay chúng ta còn gọi là thanh tra nội bộ. Dự thảo chưa làm rõ được ranh giới giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan, chưa làm rõ được đối tượng phạm vi điều chỉnh cũng như địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra cũng như hệ thống, mối quan hệ giữa các cơ quan thanh tra, thanh tra chuyên ngành với thanh tra hành chính. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và giải trình rõ về những vấn đề này để xây dựng các chế định, cơ chế tổ chức thanh tra phù hợp đặc thù của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành nhằm đảm bảo hoạt động thanh tra có hiệu quả.

Thứ ba, thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành là rất khác nhau. Theo tôi thanh tra hành chính là công cụ trong tay của người đứng đầu các cơ quan hành chính, có 4 đặc điểm. Một là giúp thủ trưởng thanh tra một vụ việc, một cơ quan, cá nhân dưới quyền trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Hai là giúp thủ trưởng chỉ ra những điều được, chưa được trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan, cá nhân được thanh tra và từ đó các cơ quan này điều chỉnh hành vi để thực hiện cho đúng quy định và sự chỉ đạo của Thủ trưởng cấp trên.

Ba là giúp thủ trưởng cơ quan phát hiện sự bất hợp lý trong việc chỉ đạo, điều hành của mình cũng như các quy định, cơ chế đặt ra và kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung, quy định hoặc hủy bỏ các quyết định chỉ đạo điều hành của mình, kiến nghị xử lý người tổ chức dưới quyền có vi phạm.

Thứ tư, kết luận của thanh tra hành chính không phải là quyết định phải thi hành đối với đối tượng bị thanh tra, việc quyết định thế nào còn phụ thuộc vào thủ trưởng cơ quan. Thanh tra chuyên ngành là công cụ quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về từng lĩnh vực gắn chặt với quyền lực của Nhà nước, thay mặt Nhà nước quan hệ trực tiếp đến các chủ thể trong xã hội, thanh tra chuyên ngành có 4 đặc điểm:

Một, khi tiến hành hoạt động thanh tra chuyên ngành hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào người đứng đầu, người thủ trưởng, không mang tính chất nội bộ như thanh tra hành chính.

Hai, kết luận quyết định thanh tra chuyên ngành là quyết định buộc đối tượng thanh tra phải thi hành, không phải là kiến nghị chờ ý kiến của Thủ trưởng, thanh tra viên, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định thanh tra của mình.

Ba, phạm vi nội dung thanh tra chuyên ngành thường là những vấn đề cụ thể, rõ ràng, không phức tạp như nội dung thanh tra hành chính.

Bốn, thanh tra viên, đoàn thanh tra khi được bổ nhiệm và thực thi nhiệm vụ phải được giao quyền phạt, đình chỉ một số hoạt động của chủ thể bị thanh tra theo phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định. Ở đây có rất nhiều chuyên ngành rất sâu, cho nên các thanh tra viên phải có quyết định ngay mới xử lý được.

Theo đó chúng tôi có 4 kiến nghị:

Thứ nhất, đối tượng phạm vi điều chỉnh của dự án luật này chỉ nên điều chỉnh quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động thanh tra hành chính.

Thứ hai, ban hành riêng một văn bản về thanh tra chuyên ngành.

Thứ ba, cơ quan thanh tra hành chính không tổ chức theo một hệ thống mà nên tổ chức theo hệ thống cơ quan hành chính và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Thủ tướng và các thủ trưởng cơ quan của các cơ quan đó.

Thứ tư, không nên tổ chức cơ quan thanh tra mang tính độc lập với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như trong dự thảo. Ở đây cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trên cơ sở cán bộ quản lý được bổ nhiệm là các chức danh thanh tra, khi tiến hành thanh tra thì các cán bộ này trở thành thanh tra viên và thực thi nhiệm vụ thanh tra, như vậy mới có kết quả. Xin hết.

Các văn bản liên quan