Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vi Thị Hương – Điện Biên

Thứ Ba 10:59 22-06-2010

Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa các vị đại biểu.

Sau khi nghiên cứu dự án Luật tố tụng hành chính và Báo cáo thẩm tra dự án luật, sau khi thảo luận tại tổ, tôi xin tham gia một số ý kiến vào dự án luật như sau:

Thứ nhất, không có sự thống nhất trong dự án luật về quyết định hành chính và hành vi hành chính. Khoản 2, Điều 2 giải thích từ ngữ: quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính Nhà nước, hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước. Nhưng tại Khoản 1, Điều 27 lại có quy định thẩm quyền của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tòa án nhân dân tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của thủ trưởng các cơ quan đó. Như vậy quyết định hành chính, hành vi hành chính không chỉ là của các cơ quan Nhà nước mà còn của các cơ quan Nhà nước khác đó là Tòa án, cơ quan tư pháp. Như vậy khái niệm chưa bao quát hết nội hàm hoặc cách hiểu chưa thống nhất dẫn đến coi quyết định hành chính, hành vi hành chính của Tòa án, các cơ quan tư pháp cũng là quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Thứ hai, về các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, tôi đồng ý với quan điểm quy định thẩm quyền của Tòa án theo phương pháp loại trừ. Vì quy định theo phương pháp loại trừ sẽ tránh được tình trạng bỏ sót, giải quyết được nhược điểm của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện nay là bỏ sót những loại việc lẽ ra cần phải được giải quyết tại Tòa án. Từ đó đón đầu sự phát triển của xã hội chứ không phải chạy theo sự phát triển của xã hội. Quy định như vậy sẽ giúp cho tuổi thọ của luật cao hơn.

Hơn nữa tôi đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo việc quy định theo phương án liệt kê cụ thể các khiếu kiện hành chính hay quy định theo phương án loại trừ trong luật không làm tăng nhiều công việc cho Tòa án mà việc có tăng thêm nhiều công việc cho Tòa án hay không phụ thuộc vào điều kiện khởi kiện tại Tòa án.

Thứ ba, về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, tôi đồng ý với quan điểm đối với các khiếu kiện về hành vi hành chính, khiếu kiện về một số loại việc có tính chất chuyên môn sâu, lĩnh vực mà Luật chuyên ngành quy định phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện ra Tòa án, khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện tại Tòa án. Còn đối với các khiếu kiện khác thì có thể khởi kiện ngay ra tại Tòa án.

Kính thưa chủ tọa, kính thưa các vị đại biểu thực tế hiện nay án hành chính chủ yếu tập trung tại Tòa án, tại Tòa hành chính thuộc Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, sau khi dự luật này được ban hành, mở rộng các khiếu kiện hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Tòa án thì lượng án hành chính sẽ tăng lên, án hành chính tại Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh cũng tăng lên nhất là các khiếu kiện hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai. Nếu dự án Luật quy định theo hướng tổ chức, cá nhân nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án, không đặt ra điều kiện về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra Tòa án thì sẽ rất nặng việc cho Tòa án trong tình hình hiện nay khi mà trung bình một Tòa án huyện chỉ có từ 3 - 4 thẩm phán, Tòa án nào nhiều thì cũng chỉ có 7 - 8 thẩm phán. Đội ngũ thẩm phán thiếu, bên cạnh đó hiện nay công việc của Tòa án sau khi tăng thẩm quyền rất nhiều, trong khi cơ sở vật chất con người vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do tăng thẩm quyền, chế độ đãi ngộ, điều động luân chuyển cán bộ chưa tương xứng dẫn đến nơi khó khăn thì thiếu thẩm phán. Ở các trung tâm thành phố lớn thì thư ký đã qua đào tạo không muốn về nơi khó khăn làm thẩm phán, công việc của Tòa án huyện hiện nay đang rất nhiều nếu tất cả các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính khởi kiện ngay ra Tòa án mà không qua thủ tục khiếu nại thì sẽ làm cho công việc của Tòa án đã nhiều càng quá tải, tức là trong thực tiễn hiện nay nhận thức của người dân chưa đều giữa các vùng miền, sẽ không tránh khỏi tình trạng khiếu kiện tràn lan mục tiêu mà dự luật này ban hành ra không đạt được như mong đợi.

Thứ tư, về thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính, tôi đồng ý với quan điểm không nên quy định thủ tục thỏa thuận nhưng nên quy định việc đối thoại giữa người khởi kiện và bên bị kiện trong tố tụng hành chính. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định việc đối thoại cụ thể hơn và mang tính bắt buộc bởi lẽ người khởi kiện thường là cá nhân khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đó mang tính quyền lực Nhà nước, là quan hệ giữa một bên là chủ thể điều hành và một bên là chủ thể phải chấp hành, do đó người khởi kiện luôn là người yếu thế hơn mặc dù Điều 9 của dự thảo luật quy định nguyên tắc các đương sự đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, vì các lẽ đó mà dự thảo luật cần quy định đối thoại là một quy định bắt buộc để tạo điều kiện cho người khởi kiện và người bị kiện ngồi lại đối thoại với nhau, quy định bắt buộc đối với thủ tục khiếu nại khiến cho tổ chức ra quyết định hành chính phải ngồi lại đối thoại để xem xét lại quyết định của mình, việc quy định bắt buộc trong luật sẽ tránh được việc tùy tiện trong áp dụng pháp luật nơi thì thực hiện, nơi không thực hiện khi có khiếu kiện xảy ra, tôi thiết nghĩ đây là bênh vực quyền lợi cho người yếu thế hơn không thể có hai luật, tức một hệ thống tòa án hành chính hoàn thiện bởi những tư tưởng, nhận thức và tài phán hành chính và tổ chức tòa án hành chính hiện nay. Luật tố tụng hành chính ra đời phải đi đôi với việc củng cố tăng cường cơ sở vật chất, năng lực cho ngành tòa án mới đổi mới mạnh mẽ được thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan