Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Dung – Thái Bình

Thứ Sáu 15:41 18-06-2010

Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin phát biểu thêm một chút về vấn đề quy hoạch khoáng sản. Trong hệ thống các công cụ quản lý Nhà nước về khoáng sản hiện nay chúng ta có rất nhiều nhưng nó chưa hoàn thiện, trong đó quy hoạch là công cụ quản lý về khoáng sản là quan trọng nhất. Luật hiện hành hiện nay và trong dự thảo vẫn giữ nguyên như luật hiện hành hiện nay nó có 2 loại quy hoạch mà chúng tôi thấy nó bất cập như sau. Tức là quy hoạch quản lý về điều tra cơ bản địa chất tài nguyên khoáng sản điều này rõ rồi do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập, đúng rồi. Nhưng loại quy hoạch khoáng sản về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng thì đây là quy hoạch nặng về sản xuất và nó lại giao cho Bộ Công thương và Bộ xây dựng lập theo 2 lĩnh vực.

Ở đây có vấn đề là hệ thống lập quy hoạch, tức là công cụ quản lý khoáng sản hiện nay chúng tôi thấy bao gồm từ điều tra cơ bản địa chất khoáng sản, khoanh định khu vực và công bố khu vực khoáng sản, lập chiến lược về khoáng sản, cấp phép về khoáng sản, thanh tra, điều tra về khoáng sản thì giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường. Nhưng riêng về quy hoạch chung quản lý khoáng sản thì lại giao cho 2 Bộ sản xuất thì nó có vấn đề đặt ra là mục tiêu quy hoạch của 2 Bộ làm theo mục tiêu sản xuất, không theo mục tiêu quản lý Nhà nước về khoáng sản. Cho nên như chúng tôi ví dụ trước đây lĩnh vực than thì rất quan trọng hiện nay mà các bộ không lập quy hoạch cho nên xuất khẩu không theo sự quản lý của Nhà nước, chúng ta bị thất thoát rất lớn ở chỗ này. Vậy thì bây giờ mới xây dựng một quy hoạch quản lý chung về khoáng sản của Nhà nước thì giao cho Bộ Tài nguyên và môi trường như đề xuất của Ủy ban Kinh tế thì nó sẽ hệ thống được toàn bộ các công cụ này do một đầu mối là Bộ Tài nguyên và môi trường lập và Bộ Tài nguyên và môi trường rất có thuận lợi là nắm được tình hình điều tra tài nguyên, khoáng sản, nắm được các khu vực và công bố tài nguyên khoáng sản và cấp phép khoáng sản và thanh tra, kiểm tra về khoáng sản, lập chiến lược về khoáng sản. Thế thì Bộ Tài nguyên và môi trường có đủ các thông tin, tư liệu, nghiệp vụ và con người như vậy thì lập quy hoạch khoáng sản chung của cả nước là rất đúng, rất thuận lợi chứ không có gì khó khăn cả. Trình độ bây giờ bắt buộc phải nên như thế chứ không nên dùng như cách ngày xưa.

Còn về quy hoạch sản xuất thì ở đây bao gồm sản xuất thì lấy tài nguyên, khoáng sản trong nước để lập quy hoạch sản xuất là một, nhưng còn phải lấy khoáng sản, tài nguyên ở nước ngoài để nó sản xuất nữa thì khoáng sản, tài nguyên ở nước ngoài thì quy hoạch của Bộ Tài nguyên và môi trường lập thì không bao gồm cái đó mà chỉ bao gồm quản lý tài nguyên ở trong nước thôi. Do đó bộ sản xuất mà lập quy hoạch sản xuất thì phải bao gồm cả tài nguyên, khoáng sản có yếu tố nước ngoài, vì anh khai thác, anh nhập của nước ngoài để đảm bảo sản xuất. Cho nên nếu lấy quy hoạch của bộ sản xuất mà lập thì nó khác cả về mục tiêu và nó không đảm bảo đầy đủ và nó không đảm bảo một đầu mối hệ thống và không thuận lợi. Do đó Ủy ban kinh tế, trong báo cáo thẩm tra là bây giờ sẽ lập lại một đầu mối và quy hoạch chung quản lý khoáng sản do Bộ Tài nguyên môi trường lập lại đầu mối và quy hoạch chung quản lý khoáng sản do Bộ Tài nguyên và môi trường lập thì phù hợp và thuận. Chúng ta quản lý khoáng sản sẽ tốt hơn và chặt chẽ hơn, không theo mục tiêu sản xuất. Báo cáo với các đồng chí, các vị đại biểu chúng tôi muốn làm rõ để Quốc hội quyết vấn đề này.

Vấn đề thứ hai, về nguồn thu về tài chính khoáng sản chúng tôi muốn làm rõ thêm thì luật hiện hành hiện nay nguồn thu về khoáng sản bao gồm phí thu, phí về điều tra, chi phí về thăm dò, hiện nay thu còn rất thấp và chưa đủ. Thứ hai là các loại thuế theo doanh nghiệp sản xuất thông thường theo quy định của luật. Thứ ba là riêng những doanh nghiệp hoạt động khoáng sản thì luật hiện hành có thu về thuế tài nguyên và khoáng sản, đây là loại thuế mà chúng ta thu chung và mức còn rất thấp.

Trong dự thảo mới Ban soạn thảo đề nghị bên cạnh thuế tài nguyên khoáng sản sẽ thu phí đền bù tài nguyên khoáng sản, việc này khi chúng tôi thẩm tra thì hỏi rằng căn cứ nào, cơ sở nào để thu phí đền bù tài nguyên khoán sản. Ban soạn thảo nói là không rõ việc này và thấy Trung Quốc làm thì mình cũng làm, chúng tôi cho rằng việc đó chưa có căn cứ. Tại sao phải thu phí đền bù tài nguyên khoáng sản cũng không căn cứ.

Thứ hai là thu đấu giá quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, hiện nay trong luật hiện hành có quy định các mỏ khi giao quyền khai thác tài nguyên khoáng sản thì phải đấu giá, nhưng 5 năm qua Chính phủ không hướng dẫn quy chế đấu giá cho nên chúng ta không đấu giá được mỏ nào và thực hiện theo kiểu cấp giấy quyền khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp mà không thu một đồng nào. Chúng ta cấp trong 5 năm 3800 giấy phép không thu một đồng nào, đó là thất thoát lớn.

Bây giờ dự thảo luật hiện hành cho rằng phải đấu giá, nhưng chỉ có một số khu vực đấu giá. Chúng tôi thấy Ủy ban Kinh tế thẩm tra thấy rằng nếu chỉ có một số khu vực đấu giá thì còn một số khu vực không đấu giá thì thu bằng gì. Nếu khu vực đấu giá mà đấu giá thì chúng ta thu được, các doanh nghiệp đấu giá thì phải nộp tiền đấu giá đó. Còn các khu vực khác không đấu giá thì doanh nghiệp không phải nộp gì lại là một tồn tại 2 cơ chế: Một là đấu giá tức là anh phải nộp tiền đấu giá, còn nơi cấp giấy phép không đấu giá thì anh lại xin cho. Như vậy chúng ta tồn tại 2 cơ chế, rất mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp, chúng ta sẽ thất thoát rất nhiều bởi vì đấu giá sẽ không có nhiều cơ hội, không có nhiều chỗ để đấu giá được.

Hiện nay một mỏ đá nếu chúng ta làm tốt có thể thu được từ 3 – 5 tỷ; Một mỏ titan tùy theo diện tích cũng có thể thu được 10 – 20 tỷ. Vì vậy Ủy ban Kinh tế thẩm tra cho rằng bên cạnh đấu giá cần công bằng giữa các doanh nghiệp và đảm bảo quyền của người sở hữu, khi tôi giao cho anh quyền khai thác, quyền bán khoáng sản thì người sở hữu đó phải thu, cũng như tôi không đấu giá tôi cấp cho anh thì tôi phải thu tiền đó, như thế mới công bằng giữa các doanh nghiệp và mới đúng chủ sở hữu là quyền tôi thu tiền và lợi ích cho chung. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ phí đền bù tài nguyên và môi trường không có cơ sở và đưa ra một khoản thu bên cạnh đấu giá thì thu, giao quyền cấp phép về khai thác và bán khoáng sản ấy cho doanh nghiệp. Nếu anh đấu giá rồi thì thôi không phải thu, nếu anh không đấu giá mà cấp phép thì tôi phải thu cái đó, kể cả nguồn thu cho Nhà nước. Tôi xin có ý kiến như thế. Xin hết.

Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan