Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Dung – Thái Bình

Thứ Tư 13:58 26-05-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa Quốc hội,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi rất nhất trí với nhiều ý kiến các đại biểu đã phát biểu, đặc biệt tôi rất đồng tình ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch. Tôi thấy dự thảo luật này cần phải rà lại xem mục tiêu của dự án luật với nội hàm của luật và yêu cầu thực tiễn của nước ta hiện nay để chúng ta xác định phạm vi dự án luật này nó phù hợp hay không? Và sau khi ban hành nó sẽ tác động vào thực tiễn như thế nào, đánh giá tác động vào dự án luật như thế nào.

Tôi thấy một vấn đề trong giải trình cũng có mâu thuẫn. Bởi vì nếu như mục tiêu của chúng ta là để thu ngân sách không thôi thì tôi đồng tình, chỉ cần sửa và bổ sung Pháp lệnh về thuế đất là đủ rồi và chúng ta thu tất cả thuế đất đối với từng hộ gia đình trở lên là được rồi. Nhưng mục tiêu của chúng ta còn lớn và yêu cầu thực tiễn của chúng ta còn lớn hơn hiện nay là không chỉ thu ngân sách, mà chúng ta còn phải chống đầu cơ, đặc biệt phải hạ giá đất xuống. Nền kinh tế của chúng ta không hạ được giá đất này xuống chúng ta sẽ còn phải chi phí rất nhiều vốn trong cơ cấu đầu tư của Nhà nước trong các chi phí của xã hội về đất và đặc biệt là điều tiết các thu nhập. Nếu chúng ta muốn cho người dân bình thường có đất và nhà ở thì phải hạ giá. Nhưng trong nội hàm của luật này thì chúng tôi thấy nó chưa đảm bảo mục tiêu đó, mặc dù trong giải trình có nói chống đầu cơ. Tôi rất tiếc đã bỏ nội dung về nhà ra ngoài. Trong nhà hiện nay cũng không kém gì tình trạng đầu cơ, hiện nay chúng ta có rất nhiều hàng hóa về đất đai và nhà ở chưa đưa vào lưu thông. Nếu có nhiều người sử dụng nhà và đất thì người ta cho thuê, trong khi người dân chúng ta không có nhà ở. Cho nên chúng tôi rất băn khoăn về việc này.

Chúng tôi đề nghị nếu vì mục tiêu thu ngân sách thì chỉ cần sửa lại pháp lệnh. Nếu đánh thuế này để chúng ta chống đầu cơ, điều tiết thu nhập và hạ giá nhà đất thì chúng tôi đề nghị đối tượng là những người có một nhà, một đất, một chỗ ở là không đánh thuế thì chúng ta mới giải quyết được. Cho nên trong giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chúng tôi thấy xin ý kiến dân mà nhiều người dân không đồng tình là đúng, bởi vì người ta thấy nhà nào cũng bị đánh thuế đất cả. Hay là có một ý là một trong những mục tiêu áp dụng chống đầu cơ giá trị xây nhà trên đất, chống đầu cơ tập trung vào đất thì chúng tôi cho rằng nó chưa rõ. Khi luật ban hành chúng tôi cho rằng cũng không chống được đầu cơ, không điều tiết được thu nhập nhiều, không hạ giá được đất. Chúng tôi cho rằng như vậy mục tiêu của chúng ta chưa đạt được. Cho nên chúng tôi đề nghị là phải rà soát lại mục tiêu để chúng ta bám lấy mục tiêu, chứ không thì luật chúng ta là hình thức. Mà một bộ luật ra như thế này chúng ta chỉ giải quyết được một vấn đề về ngân sách thôi. Như lần trước chúng tôi phát biểu lẽ ra bộ luật này đang xây dựng hoặc khi ban hành xong thì giá nhà đất bên ngoài người ta phải nín thở để người ta nghe điều tiết tác động của dự án luật như thế nào. Nhưng trong khi chúng ta làm luật như thế này bên ngoài giá đất vẫn tăng, đầu cơ vẫn tăng. Tôi nghĩ rằng tác động của dự án luật đối với vấn đề đó không được. Chúng tôi đề nghị để sau này sửa một cách cơ bản dự án luật này, chúng tôi nhất trí nên cân nhắc lại theo hướng đó.

Ý thứ hai, trong dự thảo luật Điều 2, Khoản 2 có một đối tượng chịu thuế nói chung là bao gồm đất xây dựng khu công nghiệp, chúng tôi thấy là nếu nói chung khu công nghiệp hiện nay thì chưa được. Bởi vì trên thực tiễn chúng tôi thấy có mấy loại khu công nghiệp, một là khu công nghiệp do các nhà doanh nghiệp tư nhân hoặc nước ngoài người ta đầu tư, hoặc người ta thuê lại toàn bộ khu đất, người ta xây hạ tầng giao thông cho đến nhà xưởng cho thuê, thì cái đó đánh thuế theo doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp chịu thuế toán bộ nhưng mà có những khu doanh nghiệp của các địa phương mà thu hút đầu tư, ta đã làm hạ tầng cả khu công nghiệp đó, cho thuê từng doanh nghiệp thì thuế đó chỉ thu được từ việc cho thuê từng doanh nghiệp chứ không thu được diện tích hạ tầng mà nhà nước giao cho ban quản lý làm. Cho nên nếu nói chung về đối tượng chịu thuế là khu công nghiệp thì nó sẽ bị vướng nhau ở 2 loại khu công nghiệp như thế. Chúng tôi thấy một số đại biểu địa phương phát biểu như thế này nhưng thực tế tôi thấy đặt ra như thế, đấy là vấn đề chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem lại đối tượng chịu thuế đó.

Thứ ba, trong Khoản 2, Điều 7 nói về hạn mức chịu thuế đối với đất ở, trong điều này tôi được hiểu theo tinh thần của Ban soạn thảo cũng như dự án luật là hiện nay trên thực tế có những loại đất mà có những hạn mức của từng thời kỳ khác nhau và có những loại đất ở chưa có hạn mức, ví dụ như đất người ta mua hay đất gốc người ta ở lại đã có sổ đỏ được công nhận. Bây giờ theo tinh thần luật này quy định sau khi luật có hiệu lực thì Ủy ban tỉnh sẽ quy định hạn mức đất ở để đánh theo ba khung thuế suất đó, thế thì hạn mức đối với những trước đây quy định so với luật này mà nó thấp hơn thì lấy quy định hạn mức trước đây. Còn đối với những quy định hạn mức đất ở mà nó cao hơn theo luật này thì cũng sẽ lấy hạn mức theo luật này để đảm bảo lợi ích cho người nộp thuế. Nhưng mà thực tế nó có những cái trong này có nói một ý là gì? có một câu nói là giao, tức là hạn mức đất làm căn cứ tính thuế là hạn mức đất giao đất ở mới, nếu theo từ hiểu "giao đất ở mới" là hạn mức để tính thuế, thì nó lại làm một cách khác, là từ sau luật này có hiệu lực mà quy định giao đất ở mới thì mới là hạn mức, còn những cái mà chưa có hạn mức trước đây chưa đề cập. Cho nên chúng tôi đề nghị là xem lại nếu từ "giao đất ở mới" mà hiểu theo tinh thần như tôi nói thì nó sẽ lạc đi tinh thần đó, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem lại, tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan