Góp ý của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Phước Long – Trà Vinh

Thứ Sáu 10:06 19-11-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Ở đây tôi xin tham gia ý kiến một số vấn đề cụ thể như sau:

Một là, về chủ thể có quyền tố cáo được quy định tại Điều 2 của dự thảo luật. Tôi tán thành với loại ý kiến thứ nhất như tờ trình của Chính phủ: "chủ thể tố cáo là công dân". Tôi cho rằng quy định như vậy vừa đúng với Hiến pháp, vừa phù hợp với chính sách hình sự của nước ta hiện nay là cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Mặt khác, trên thực tế, mặc dù vẫn có tổ chức đứng ra tố cáo, nhưng hiệu quả như thế nào cũng chưa được cơ quan chức năng đánh giá phân tích đầy đủ. Do đó, trước mắt khi chưa có đủ cơ sở và điều kiện cần thiết, tôi thống nhất như dự thảo luật chưa nên quy định tổ chức là chủ thể tố cáo, tuy nhiên về lâu dài theo tôi Chính phủ cũng cần chỉ đạo tổ chức nghiên cứu thực tiễn sâu hơn. Trên cơ sở đó có kiến nghị với Quốc hội sửa đổi bổ sung hoàn chỉnh trong quá trình thực hiện luật để phát huy cả dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong lĩnh vực tố cáo, nhằm góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Hai, về tố cáo và giải quyết tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo. Tôi tán thành với Khoản 2, Điều 23 của dự thảo luật là "người tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình, trình bày trung thực nội dung tố cáo, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được". Theo tôi dự thảo luật qui định như vậy là phù hợp, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo và các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo cũng thuận lợi trong việc xác minh, xem xét giải quyết tố cáo và điều này còn có sự ràng buộc về trách nhiệm công dân đối với người tố cáo trong trường hợp tùy tiện chủ quan cố ý tố cáo sai sự thật hoặc vu khống để làm mất uy tín, danh dự gây thiệt hại cho người bị tố cáo.

Theo tôi dự thảo luật không xem xét giải quyết tố cáo nặc danh, bởi tố cáo nặc danh là việc dám làm mà không dám chịu trách nhiệm, gây nhiều khó khăn cho người giải quyết,nếu giải quyết sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiêu tốn nhiều chi phí và hiệu quả mang lại không cao. Vì trên thực tế hiện nay ngay cả tố cáo có địa chỉ rõ ràng, tỷ lệ đơn tố cáo đúng chiếm tỷ lệ rất thấp, thể hiện rõ qua Báo cáo số 139 ngày 8/10/2010 của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2010. Điều này một lần nữa khẳng định cần phải có sự ràng buộc về trách nhiệm của người tố cáo được ghi trong dự thảo luật và không thể khuyến khích tố cáo nặc danh. Để hạn chế đơn thư tố cáo nặc danh theo tôi phải bằng nhiều giải pháp căn cơ, trong đó có việc thường xuyên nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về chính sách pháp luật trong đó có chính sách pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ và nhân dân. Đồng thời trong dự án luật phải có cơ chế cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết đảm bảo cho người dân an tâm trong tố cáo. Mặt khác, phải có chế tài xử lý nghiêm minh đối với những người cố ý tố cáo sai sự thật với động cơ không trong sáng, song song đó phải có cơ chế hình thức khen thưởng xứng đáng, phù hợp cho người tố cáo đúng.

Ba, về bảo vệ người tố cáo được quy định tại Chương V của dự thảo luật. Nói chung tôi rất đồng tình với việc trong dự thảo luật có một chương riêng nói về bảo vệ người tố cáo. Nếu so với Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành thì việc thiết kế các nội dung của chương này là một sự cố gắng rất lớn của Ban soạn thảo. Tôi cho rằng chương này rất cần thiết và nó đòi hỏi những điều khoản trong luật phải là những bảo đảm vững chắc, đáng tin cậy cho người tố cáo.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu từng điều khoản trong dự thảo luật tôi thấy còn nêu chung chung, nhìn tổng thể chương này chỉ có 4 điều nhưng đã có đến 3 điều: Điều 48, Điều 49 và Điều 50 giao Chính phủ quy định chi tiết thể hiện rõ tại quy định của Điều 71 về điều khoản thi hành. Điều này cho thấy tình trạng luật khung như các đại biểu Quốc hội thường đề cập ngay trong luật này cũng còn nhiều điều chưa được khắc phục.

Đi vào nội dung cụ thể, tại Điều 48 về bảo vệ bí mật của người tố cáo, tôi thấy luật cần khẳng định dứt khoát phải bảo vệ bí mật cho người tố cáo, dù họ có yêu cầu hay không có yêu cầu để đề phòng sự chủ quan, sơ xuất hoặc đổ lỗi cho nhau của cả người tố cáo và cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong giải quyết tố cáo. Mặt khác, việc bảo vệ bí mật của người tố cáo không chỉ liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong giải quyết tố cáo mà nó còn có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, nhất là những người được giao trách nhiệm trực tiếp theo dõi, xác minh, giải quyết vụ việc tố cáo, do đó tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể và đầy đủ hơn.

Tại Điều 49 và Điều 50 của dự thảo luật, cụ thể là ở Khoản 3, Điều 49 và Khoản 2, Điều 50 tôi thấy thẩm quyền của người giải quyết tố cáo nêu chưa rõ trong dự thảo luật, chỉ một vụ việc mà giao cho nhiều cơ quan nhưng không ai là đầu mối đóng vai trò chủ công, tôi thấy rất khó quy trách nhiệm, do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm.

Để mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không riêng người tố cáo được pháp luật bảo vệ mà đối với người bị tố cáo sai cũng cần phải có cơ chế bảo vệ minh bạch, rõ ràng, công khai được quy định trong dự thảo luật. Do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có quy định cụ thể về vấn đề này. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan