Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hứa Chu Khem – Sóc Trăng

Thứ Hai 09:45 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi xin tham gia trực tiếp một số điều khoản về Luật đo lường như sau:

Trước hết chúng tôi xin tham gia ở điều khoản về từ ngữ. Đúng là trong luật này nhiều từ ngữ còn mới và một số khái niệm chưa được nói rõ, cho nên cần phải rà soát lại để bổ sung vào Điều 3.

Thứ hai, chúng tôi xin tham gia về vấn đề chúng ta xác định đơn vị đo pháp định và phương tiện đo pháp định, nhiều khi chúng ta xác định từ ngữ không rõ, cho nên ý của các đại biểu nói là chưa rõ ràng. Đơn vị đo pháp định là đơn vị đã được nhà nước Việt Nam công nhận là đơn vị quản lý. Như vậy, trong Điều 7 có đưa ra 2 khoản là đơn vị đo cơ bản và đơn vị đo cơ bản này là đơn vị dẫn xuất từ đơn vị đo quốc tế SI, còn đơn vị không thuộc đơn vị đo quốc tế chúng ta vẫn đưa vào đơn vị điều chỉnh theo pháp định, như vậy đơn vị đo lường trong khoa học hay trong công nghiệp vẫn nằm trong hệ thống đơn vị pháp định. Cho nên chúng tôi đề nghị phải giải thích thêm điểm này trong luật cho rõ ràng, không phải là đơn vị đo khoa học, không phải là đơn vị đo pháp định mà ở đây không điều chỉnh. Có những đơn vị đo khoa học khi nói ra mọi người rất khó hiểu, chẳng hạn như đo những đơn vị rất nhỏ những vẫn là đơn vị pháp định, nơi quy chế từ đơn vị đo của hệ quốc tế chuyển sang thành nhưng đơn vị cực nhỏ như nano hay những đơn vị phải tính phần triệu, phần tỷ của milimet vẫn là những đơn vị mà chuyển từ hệ đo pháp định. Hiện nay không sử dụng nhiều và chỉ sử dụng trong những việc khoa học hoặc đo lường trong vũ trụ chẳng hạn, vẫn phải trên cơ sở hệ thống đo lường pháp định cơ bản của hệ quốc tế.

Về thực hiện quy định áp dụng đơn vị đo, chúng tôi thấy Khoản 3, Điều 8 có quy định: "Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ quy định chi tiết về đơn vị đo" Tôi đề nghị nói rõ thêm Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ công bố chi tiết đơn vị đo cơ bản chúng ta sẽ ứng dụng vào hệ SI quốc tế chấp nhận là đơn vị đo lường của mình.

Thứ hai, công bố danh mục đơn vị đo ngoài đơn vị đo quốc tế mà chúng ta sẽ chọn lựa để công nhận đó là đơn vị đo pháp định của Việt Nam. Phải nói rõ 2 việc này, chúng ta không quy định những chi tiết của đơn vị đo quốc tế được, mà chúng ta chỉ dẫn xuất áp dụng bộ ước của nó, bộ ước của đơn vị đo quốc tế để lấy làm đơn vị của mình, cho nên phải nói rõ điểm này.

Điều 29, về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng. Trong này chúng ta thấy có những khoản trùng lặp đối với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho nên chúng tôi đề nghị ở Khoản 1 bỏ Điểm d và ở Khoản 2 đề nghị bỏ Điểm a. Bởi vì trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có những nội dung tương tự rồi, cho nên đề nghị xem lại, đó không phải là riêng cho lĩnh vực đo lường không, trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nói thì trong này không cần thiết nữa.

Điều 37, chúng tôi đây là một dự thảo luật căn cứ vào thực tế rất nhiều, cho nên đã đưa vào đây để điều chỉnh. Như vậy người thực hiện công việc kiểm tra đo lường ở một cơ sở mà sử dụng phương tiện đo để kinh doanh buôn bán thì người đến sẽ xuất trình giấy tờ, sau đó tiến hành kiểm tra. Khi phát hiện sai thì đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản và trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên ký, cái đó vẫn có giá trị pháp lý. Tôi cho rằng đây là điều chỉnh của luật rất hợp lý để tránh trường hợp chủ phương tiện đo không công nhận rồi chúng ta không biết cách xử lý như thế nào. Gặp nhiều trường hợp như thế chúng tôi đã có kinh nghiệm trong việc này.

Tham gia về vấn đề chấp thuận phương tiện đo mà nơi đó đã vi phạm rồi thì được phép công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để tên và địa chỉ người đã sử dụng phương tiện đo. Bởi vì vấn đề này là rất quan trọng mà xưa nay chúng ta không dám làm việc này. Cho nên các anh em khi tiến hành xử lý vấn đề này thì hơi khó. Hiện nay theo Điều 43 thiết kế như thế này thì chúng tôi cho là có khả năng sẽ ngăn chặn rất nhiều hiệu quả đối với sử dụng sai về phương tiện đo.

Điều 47, tôi xin tham gia là ở Khoản 1 chúng ta nên bỏ chữ "tổ chức". Tổ chức thì cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đo lường thì vấn đề này chúng ta không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được mà chúng ta chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính mà thôi.

Ý cuối cùng là về mức phạt. Chúng tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí Võ Thị Dễ là mức phạt hiện nay về đo lường là phải phạt nặng thì người ta mới ngán. Chứ những đơn vị mà chúng ta phát hiện họ sai phạm thì họ thu lợi bất chính rất nhiều, nhưng mức xử phạt hành chính hiện nay là chưa đủ sức răn đe, nhất là những cột bơm xăng dầu.

Chúng tôi đề nghị trong luật này nên bổ sung một khoản, điều như sau: "những đơn vị sử dụng phương tiện đo lường để kinh doanh, buôn bán thì ở trong ngành đó không được làm công tác kiểm định". Bởi vì mình vừa đá bóng, vừa thổi còi thì không nên. Chẳng hạn tôi nói có một ngành trong đất nước chúng ta hiện nay là vừa sử dụng phương tiện đo này làm phương tiện đo với người dân, tính tiền với người dân nhưng ngành này lại tổ chức làm công việc kiểm định phương tiện đo. Vấn đề đó là không nên. Chúng tôi đề nghị thiết kế một khoản là tổ chức kiểm định đó phải ngoài ngành đó, chứ không thể là trong ngành đó thực hiện công việc này. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội .

Các văn bản liên quan