Góp ý của Đại biểu Quốc hội Dương Kim Anh – Trà Vinh

Thứ Tư 09:29 17-11-2010

Kính thưa Quốc hội.

Về dự thảo luật khiếu nại thì tôi tham gia một số ý kiến như sau:

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng thì tôi tán thành với những quy định trong dự thảo luật theo hướng Luật khiếu nại chỉ nên điều chỉnh khiếu nại với quyết định hành chính, hành vi hành chính, vì trong thực tế khiếu nại của đa số người dân chỉ phát sinh đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính, do đó tôi thấy quy định như dự thảo là phù hợp.

Về quyết định giải quyết khiếu nại, theo tôi không nên dùng một số hình thức văn bản khác mà trong đó có chứa nội dung liên quan trực tiếp đến việc giải quyết khiếu nại cũng như quyền lợi của người dân như công văn thông báo ý kiến của Ủy ban nhân dân, các lịch cuộc họp hướng dẫn việc thực hiện, v.v. để làm căn cứ khởi kiện mà phải là quyết định hành chính. Vì thực tế vừa qua có tới 52,80% vụ việc giải quyết bằng hình thức công văn, thông báo. Điều đó đã gây trở ngại cho người khiếu nại khi thực hiện quyền khiếu nại tiếp hoặc kiện ra tòa. Đó là chưa nói đến nhiều quyết định giải quyết khiếu nại thiếu các nội dung theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Do đó tôi đề nghị căn cứ khởi kiện phải là quyết định hành chính, nhưng luật cũng cần phải quy định rõ trong thời hạn ban hành quyết định hành chính, cơ quan, tổ chức người có thẩm quyền không ban hành quyết định hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện hành vi hành chính với việc không ban hành quyết định hành chính đó hoặc khởi kiện ra tòa án hành chính. Tôi thấy việc bổ sung quy định này nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, đồng thời cũng nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Về thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc giải quyết khiếu nại, tại Khoản 3, Điều 23 dự thảo luật cũng quy định: giải quyết tranh chấp về thẩm quyền, giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình. Quy định trên là đúng nhưng theo tôi chưa đủ, dự luật cần quy định thêm cho rõ hơn là: quyết định giải quyết tranh chấp về thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có hiệu lực như thế nào, các bên tranh chấp thẩm quyền có quyền khiếu nại nữa hay không, hay là quyết định có hiệu lực thi hành ngay. Tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định cho rõ chứ quy định như thế này thì rất khó thực hiện.

Điều 30 quy định: việc xác minh, kết luật, ra quyết định việc giải quyết khiếu nại, tôi đề nghị quy định bổ sung thêm vào Điểm h, Khoản 2 về thời hạn khiếu nại, nơi khiếu nại ở phần quy định quyền khiếu nại tiếp, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Mặc dù Điều 32 đã có quy định thời hạn khiếu nại tiếp là 30 ngày và 45 ngày, nhưng tôi nghĩ có quy định cụ thể rõ ràng về thời gian và địa điểm trong quyết định giải quyết khiếu nại thì những người tham gia giải quyết khiếu nại căn cứ vào đó để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình giống như quy định kháng cáo bản án là 15 ngày và tòa án nơi xét xử sẽ xét xử tiếp theo vụ án sau khi có kháng cáo. Mặc dù Bộ luật tố tụng dân sự cũng đã có quy định thời hạn kháng cáo là 15 ngày nhưng bản án vẫn phải ghi rõ mốc thời gian này.

Về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, Điều 33 dự thảo luật quy định: trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13 của luật này, người giải quyết khiếu nại lần 2 phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết, trường hợp không thụ lý thì phải nêu rõ lý do.

Tương tự ở Khoản 1, Điều 29 cũng vậy, tôi đề nghị không nên quy định trường hợp không thụ lý thì phải nêu rõ lý do và phải quy định rõ là trường hợp không thụ lý thì phải ra quyết định không thụ lý và nêu rõ lý do người khiếu nại có quyền khiếu nại quyết định không thụ lý lên cơ quan cấp trên hoặc khởi kiện ra Tòa án hành chính. Tôi nghĩ quy định cụ thể chặt chẽ như thế để cơ quan thụ lý lần 2 không viện lý do là văn bản không hợp lý để từ chối thụ lý và người khiếu nại có thẩm quyền là được khiếu nại tiếp.

Về việc thụ lý khiếu nại thì thực tế hiện nay tình trạng để quá thời hạn khiếu nại giải quyết kiểm tra là khá phổ biến như năm 2009, chỉ có 33,4% vụ việc được giải quyết đúng hạn, đồng nghĩa với 66,6% vụ việc đã vi phạm tới thời hạn giải quyết, tương tự năm 2010 có 53,3% được giải quyết đúng hạn, tuy có khá hơn năm 2009 nhưng vẫn còn 46,7% vi phạm về thời hạn giải quyết. Nhưng ở Điều 29, dự thảo luật quy định thời gian thụ lý chỉ có 3 ngày, theo quy định cũ là 10 ngày, thời gian giải quyết lần đầu là 10 ngày đó là chưa tính đến ngày làm việc. Nếu nhận đơn khiếu nại vào ngày thứ 6 thì thứ hai có thông báo kịp bằng văn bản cho người khiếu nại biết hay không? Tôi thấy quy định này là không khả thi, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quyền cho hợp lý. Tôi cũng đề nghị dự thảo luật nên có những quy định xử lý thật nghiêm đối với những hành vi vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại một số quy định ở Điều 41 như hành vi làm sai lệch hồ sơ trong quá trình giải quyết khiếu nại, đây là một tội cố ý có thể là bị truy cứu trách nhiệm hình sự chứ sao lại chỉ bị kỷ luật khiển trách thôi, tôi thấy quy định này quá nhẹ.

Điều 36 quy định việc tổ chức gặp gỡ đối thoại, Khoản 1 có quy định trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2 người giải quyết khiếu nại tổ chức gặp gỡ đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích có liên quan thì tôi đề nghị bổ sung từ "phải" vào sau cụm từ "người giải quyết khiếu nại", câu này sẽ là: trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức gặp gỡ đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có quyền và lợi ích liên quan. Quy định như vậy để minh thị và khẳng định sự bắt buộc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tổ chức gặp gỡ đối thoại trước khi ra quyết định giải quyết. Vì việc tổ chức gặp gỡ đối thoại giữa các bên sẽ bảo đảm sự bình đẳng giữa người khiếu nại với người bị khiếu nại, đồng thời qua đó sẽ giúp cho việc giải quyết khiếu nại được nhanh chóng và chính xác hơn. Xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan