Góp ý của đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo – Kiên Giang

Thứ Tư 14:23 28-10-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tiếp theo ý kiến của đại biểu Trần Thế Vượng và đại biểu Nguyễn Văn Thuận, tôi muốn trao đổi thêm về hai nội dung mà hai đại biểu vừa phát biểu vì nếu không thì đây là nội dung mà ta cứ lặp đi, lặp lại nhiều trong các dự án luật, nó liên quan đến tổ chức bộ máy cũng như quản lý hành chính của các bộ.

Về khái niệm cơ quan quản lý chuyên ngành, tôi hoàn toàn đồng tình như ý kiến của đại biểu Vượng và đại biểu Thuận. Chúng ta thành lập các bộ và xác định bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nghĩa là dưới thẩm quyền của Bộ trưởng có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực được giao cho Bộ trưởng quản lý. Mỗi khi liên quan đến một lĩnh vực, mỗi lĩnh vực sẽ có một luật riêng, mỗi lĩnh vực riêng đó lại giao cho một cơ quan quản lý chuyên ngành mà quy định vào trong luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội như thế không phù hợp. Thẩm quyền đó là thẩm quyền của Thủ tướng, của Chính phủ, cho nên chúng ta nên xem xét lại. Tất cả các luật theo tôi không nên quy định dưới Bộ có cơ quan quản lý chuyên ngành.

Thứ hai, về thanh tra, như ý kiến đại biểu Trần Thế Vượng hoàn toàn đúng luật hiện hành, đúng như Luật thanh tra hiện nay. Trong triển khai trên thực tế thì vướng cho các bộ, bởi vì nếu nói đơn thuần chuyển thanh tra chuyên ngành đang nằm ở các Cục lên thành thanh tra Bộ để thực hiện 2 chức năng là thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành thì rất khó thực hiện, kể cả thẩm quyền của Cục trưởng chuyên ngành với Chánh thanh tra, nó không đơn thuần dễ dàng nói chúng tôi khi xây dựng vấn đề này ở ngành đã tính đến việc một phòng thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ nằm ở Cục nhưng cũng không được, nó rất vướng và nó tạo ra một khoảng trống. Bây giờ trong một số lĩnh vực hiệu lực về quản lý Nhà nước bị hạn chế cũng do tổ chức thanh tra này, cho nên tôi kiến nghị phải xem xét để sớm sửa ngay Luật thanh tra. Tinh thần của Luật thanh tra hiện hành trước đây Quốc hội khóa XI thông qua với một mục tiêu rất tốt, rất muốn thanh tra Bộ làm cả thanh tra chuyên ngành mang tính chất hiệu lực của nó là thực hiện thanh tra mọi lĩnh vực đó trên toàn quốc từ Trung ương đến địa phương.

Nhưng trong thực tế triển khai nó vướng, khó thực hiện, bây giờ nên sửa như Chính phủ và các Bộ hiện nay muốn thanh tra chuyên ngành trả lại về cho các Cục quản lý chuyên ngành, hướng đó trên thực tiễn nó phù hợp. Cho nên điều này chúng tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu cho Chính phủ trình sớm để sửa luật về thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên hiện nay trong lúc luật chưa sửa mà chúng ta phải làm đúng luật, có nghĩa là quy định ở đây cũng như các luật đã bàn hôm trước và luật này thì không nên đặt ra ngay về thanh tra chuyên ngành nằm ở các Cục chuyên ngành, như thế nó lại trái luật, Quốc hội chúng ta lại thảo luận và chấp nhận một điều nó trái với luật hiện hành, như thế là không được. Cứ phải giữ nguyên nó thuộc về thanh tra Bộ đã, nhưng nó phải có một lực lượng để sẵn sàng sau này nếu được sửa luật thì tách ra và trả về thanh tra chuyên ngành. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan