Góp ý của Cty tư vấn công nghệ thiết bị và ki

Thứ Hai 16:49 22-05-2006
GÓP Ý VỀ LUẬT PHÁ SẢN (SỬA ĐỔI)

Công ty Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng về cơ bản nhất trí với Dự thảo của luật. Ngoài ra, Công ty có một số ý kiến đóng góp tổng hợp trong Dự thảo như sau:

[b]I/ Về đối tượng và tên gọi của Luật Phá sản (sửa đổi):

1.1 Luật Phá sản (sửa đổi) dự kiến được áp dụng cho doanh nghiệp và hợp tác xã. Nên mở rộng đối tượng áp dụng là các Hộ kinh doanh cá thể với những lý do sau:
- Trong nền kinh tế thị trường, mọi loại hình kinh doanh đều bình đẳng trong hoạt động và cạnh tranh. Do đó, khi hoạt động kinh doanh mất khả năng thanh toán đều phải được xử lý phá sản như nhau.
- Việc áp dụng Luật Phá sản (sửa đổi) cho Hộ kinh doanh cá thể là sự bổ sung phù hợp và giải quyết được sự mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật kinh tế của nước ta. Vì Luật Thương mại đã quy định: Thương nhân (pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác) đều có quyền tuyên bố phá sản.
- Việc áp dụng Luật Phá sản (sửa đổi) cho Hộ kinh doanh cá thể là phù hợp với xu hướng hội nhập nền kinh tế và luật pháp quốc tế.

1.2 Không nên có quy định riêng về phá sản doanh nghiệp nhà nước.
Lý do: DNNN cũng phải được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác ( Công ty cổ phần, Công ty TNHH...). Chỉ cần quy định cụ thể về phá sản các DNNN hoạt động phục vụ công cộng và trong lĩnh vực an ninh quốc phòng (giống như việc quy định những doanh nghiệp không được phép đình công).

1.3 Nên coi Hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp vì đây là một tổ chức kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tính chất xã hội và hợp tác cao. Hợp tác xã có đầy đủ quyền và nghĩa vụ cơ bản của một doanh nghiệp (tự do chủ động kinh doanh, vay và huy động vốn theo quy định của pháp luật, quyền thuê lao động, nghĩa vụ nộp thuế, thực hiện và chấp hành chế độ kế toán, kiểm toán của Nhà nước...).
Để có tên gọi chung nhất nên đặt tên là Luật Phá sản để bao quát được hết những đối tượng áp dụng của luật.

1.4 Đối với DNNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Công ty TNHH và Công ty cổ phần, sau khi thanh lý tài sản của doanh nghiệp, về nguyên tắc thì chủ doanh nghiệp được miễn mọi trách nhiệm trả nợ. Cách quy định tại Điều 94 của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi): Không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh và “hộ kinh doanh cá thể” là điều hợp lý vì tính chất của các tổ chức này đã được pháp luật quy định là chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ, do vậy chủ nợ vẫn có thể đòi nợ chủ doanh nghiệp sau khi đã phá sản.

1.5 Cần bổ sung quy định: trong trường hợp chủ doanh nghiệp bị chết, mất tích thì người thừa kế hợp pháp của doanh nghiệp phải có trách nhiệm tham gia giải quyết thủ tục phá sản của doanh nghiệp. Đây nên là điều kiện bắt buộc tránh tình trạng khi chủ doanh nghiệp chết, mất tích thì các khoản nợ không có khả năng thu hồi.

[b]II/ Về dấu hiệu doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, quyền nộp đơn và thụ lý đơn:


2.1 Nếu phá sản là một thủ tục đòi nợ tập thể, thì điều kiện để xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán phải được cụ thể hoá bằng việc quy định thời gian bao nhiêu lâu sau khi doanh nghiệp đó đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn và khi có yêu cầu phá sản của các chủ nợ. Như vậy quy định của điều 3 dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) là điều kiện cần và đủ để xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.

2.2 Việc yêu cầu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản phải có kết quả kiểm toán độc lập xác nhận là không khả thi vì trong trường hợp doanh nghiệp không có tiền thuê kiểm toán thì giải quyết như thế nào ? Nên thay kiểm toán bằng báo cáo quyết toán công nợ của doanh nghiệp.

2.3 Việc dự thảo luật quy định Quyền nộp đơn yêu cầu phá sản của chủ sở hữu Doanh nghiệp Nhà nước, thành viên hợp danh và các cổ đông (Điều 19,20,21) là hợp lý tránh tình trạng khi “phát hiện doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì toà án thông báo cho các chủ nợ doanh nghiệp đó biết để nộp đơn yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp” (điều 10 Luật Phá sản doanh nghiệp) nhưng chủ nợ vẫn không nộp đơn yêu cầu phá sản.

III/ Về thẩm quyền của toà án và quản tài viên:

3.1 Quy định về thẩm quyền của toàn án (Điều 7,8 dự thảo luật) phù hợp với xu thế tăng cường thẩm quyền cho cấp huyện. Nhưng cũng cần có văn bản quy định toà án cấp huyện ra quyết định phá sản của Hợp tác xã có quy mô vốn, số lao động, các khoản nợ....là bao nhiêu.

3.2 Quy định về thành viên của Tổ quản lý tài sản tại Điều 10 dự thảo luật cần đưa thêm thành viên đại diện của doanh nghiệp mắc nợ nhằm đảo bảo tính công bằng.

3.3 Quy định về Các biện pháp bảo toàn tài sản tại chương IV Điều 47 dự thảo luật là chưa thực tế vì: các giao dịch của doanh nghiệp trong khoảng thời gian 03 tháng trước ngày Toà thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản liệu có tồn tại và thu hồi được không? Nếu không thu hồi được thì giải quyết thế nào, ai chịu trách nhiệm? Vì 03 tháng trước ngày Toà thụ lý đơn, doanh nghiệp làm sao biết mình bị chủ nợ đưa đơn yêu cầu tuyên bố phá sản.

IV/ Thủ tục thanh toán:

4.1 Điều 82 dự thảo luật nên có các quy định chặt chẽ về điều kiện, loại hình doanh nghiệp nào, chủ nợ nào là đối tượng của Quyết định mở thủ tục thanh toán tài sản trong trường hợp đặc biệt.

4.2 Nhất thiết phải có thủ tục phục hồi vì phá sản là hiện tượng mà cả chủ nợ và con nợ đều không mong muốn xảy ra. Vì vậy, việc tạo ra cơ hội cũng như ra các biện pháp để ngăn chặn phá sản là điều rất cần thiết.

4.3 Việc quy định tuyên bố phá sản doanh nghiệp nên tiến hành sau khi thanh toán tài sản vì đây là khâu cuối cùng và đúng nghĩa của quá trình phá sản doanh nghiệp.

Trên đây là toàn bộ những ý kiến đóng góp của Công ty Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng với mong muốn góp phần để luật pháp thực sự có hiệu quả trong quá trình phát triển của nền kinh tế.

Công ty tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định Bộ Xây dựng

Các văn bản liên quan