Góp ý của Cty TNHH DV xuyên Thái Bình Dương

Thứ Sáu 10:30 26-05-2006
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT DOANH NGHIỆP THỐNG NHẤT

Trước hết với tư cách là một Chủ Doanh nghiệp (DN) tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của cá nhân tôi đối với ban soạn thảo "Luật DN thống nhất" trong dự án VIE/01/025 đã có ý chí xây dựng "Luật DN thống nhất " một cách toàn diện. Tuy nhiên, song song với sửa đổi "Luật DN thống nhất" tôi tha thiết mong mỏi ban soạn thảo kiến nghị với Quốc hội cho sửa đổi một số Luật kinh tế khác có liên quan tới môi trường sản xuất kinh doanh và đầu tư của các DN theo hướng xem như Luật DN là Luật cơ bản hay còn gọi là Luật gốc nhằm mục đích đồng bộ các Luật để nâng cao hiệu quả tác dụng của Luật DN thống nhất.

1. Nhận xét chung về "Luật DN thống nhất"
"Luật DN thống nhất" lần này tiến bộ hơn rất nhiều so với Luật Công ty và Luật DN trước đó và dần tiến tới một sự công bằng trong kinh doanh, đưa tất cả các DN ở mọi thành phần kinh tế cùng tiệm cận với sự bình đẳng trước pháp luật. Với kết cấu 10 chương, 124 điều đã đề cập khá đầy đủ các khía cạnh trong các mối quan hệ của DN.

2. Kiến nghị ban soạn thảo "Luật DN thống nhất" bổ sung thêm hai chương quy định về:- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng LĐ với người lao động. Quan hệ giữa chủ DN và NLĐ. Mối quan hệ này mặc dù đã được thể hiện trong Luật LĐ tuy nhiên Luật DN cần phải có những biện pháp bảo vệ người sử dung LĐ, người chủ DN.
- Quyền hạn và gnhĩa vụ đối với Chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của DN tại các thành phố. Điều kiện thành lập Chi nhánh ngay trong cùng một địa bàn (một tỉnh) hoạt động. Trách nhiệm pháp lí của Chi nhánh trước pháp luật.

Hai chương này tôi cho rằng đang là vấn đề nổi cộm trong mối quan hệ giữa người chủ DN và các chủ thể là cá nhân hoặc pháp nhân khác. Hiện nay đang tồn tại một tình trạng các chủ DN không dám mở rộng hoạt động của DN mình (nhất là những DN là dịch vụ) sang những địa bàn khác theo phương thức thành lập chi nhánh vì không có một điều Luật nào điều chỉnh mối quan hệ này. Bổ sung thêm một chương như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý cho chủ DN kiểm soát được hoạt dộng của các chi nhánh cả về vấn đề tài chính lẫn vấn đề thực hiện pháp luật. Thực tế cho thấy rằng: sau một thời gian dựa vào uy tín, dựa vào vốn của DN, Giám đốc chi nhánh được công ty bổ nhiệm đã tự tìm cách tách ra khỏi DN và chiếm đoạt chi nhánh biến tài sản của chi nhánh thành sở hữu riêng của cá nhân Giám đốc chi nhánh cho dù người đại diện pháp luật của DN đã có quyết định đình chỉ hoạt động của giám đốc chi nhánh nhưng DN không thu hồi được con dấu và về pháp lý thì giám đốc chi nhánh đã đăng ký làm chủ tài khoản của chi nhánh. Trong Luật DN thống nhất chưa tạo một hành lang pháp lý để DN kiểm soát các hoạt động của chi nhánh hoặc văn phòng đại diện nên khó có thể kiểm soát được giám đốc chi nhánh hoặc trưởng văn phòng đại diện khi họ trực tiếp quản lý cả tài chính lẫn tư cách pháp nhân (con dấu) của chi nhánh. Trong khi đó, chủ DN vẫn liên đới trách nhiệm pháp lí và các khoản nợ của chi nhánh khi giám đốc chi nhánh toàn quyền ký tên, đong dấu vay Ngân hàng, ký tên đóng dấu trong các giao dịch kinh doanh.

3. Kiến nghị một số điều khoản cụ thể trong bản Dự thảo
Điều 23 cần bổ sung thêm một khoản:
- Xử lí các DN đặt trùng tên (bao gồm tên tiếng Việt, tên tiếng Anh và tên viết tắt trong giao dịch) ở các địa phương khác nhau từ trước khi có Luật DN thống nhất cần thực hiện theo hướng dẫn căn cú vào thời điểm đăng ký kinh doanh để quyết định cho phép tồn tại tên thương hiệu của DN

Điều 25 khoản 3 cần bổ sung thêm:
- Người đại diện pháp luật của DN có quyền lập và quyền chấm dứt hoạt động bãi miễn chức vụ Giám đốc chi nhánh
- Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và cơ quan Công an có trách nhiệm thu hồi con dấu và giấy phép đăng ký kinh doanh khi DN có văn bản đề nghị giải thể chi nhánh. Chi phí cho việc tổ chức thu hồi sẽ do DN xin giải thể chi nhánh thanh toán cho các cơ quan tổ chức quản lý nhà nước trực tiếp thu hồi.

Điều 33 xử lý phần vốn góp trong các trường hợp khác cần bổ sung thêm khoản:
Cần bổ sung thêm điều khoản thừa kế. Đây là vấn đề không nên chỉ đề cập trong Luật Dân sự mà ngay cả Luật DN cũng cần phải được đề cập đến việc phân chia tài sản của người chồng hoặc người vợ trong Công ty sau li hôn trong các trường hợp:
Người vợ có tên tham gia công ty với tư cách là thành viên trong công ty, đại diện cho một tỷ lệ cổ phần hợp pháp và trường hợp người vợ không có tên là thành viên trong công ty không đại diện cho một tỷ lệ cổ phần hợp pháp nào.

Chương IV về Công ty cổ phần
Đây là một chương cần phải có sự quan tâm đặc biệt.
Điều 52 các loại công ty cổ phần- Nên bổ sung thêm một mô hình công ty cổ phần có sự tham gia của 3 loại hình công ty (Công ty TNHH là DNDD + Công ty là DNNN + cá nhân hoặc tổ chức kinh tế có yếu tố nước ngoài)

Điều 67 trả cổ tức
Cần bổ sung thêm một điều khoản về việc trả cổ tức cho người thừa kế:
- Người thừa kế theo di chúc của người sở hữu cổ tức nhằm tôn trọng tâm nguyện của người chủ sở hữu cổ tức.
- Trong trường hợp không có di chúc của người chủ sở hữu thì tuân thủ chia theo các hàng thừa kế huyết thống
- Trong trường hợp nếu chủ sở hữu cổ tức là một pháp nhân thì chia cho pháp nhân, nếu pháp nhân đó đã giải thể thì chia cho các thành viên góp vốn của pháp nhân tại thời điểm giải thể

Chương VII về tổ chức lại, giải thể và phá sản DN

Chương này cần đưa ra tình huống tên gọi của DN mới sau khi chia tách
- Nếu có một DN vẫn sử dụng thương hiệu của DN cũ thì thương hiệu này cũng phải được xem như là một tài sản vô hình và có giá. Giá trị của thương hiệu DN cũ nếu như một chủ sở hữu mới vẫn sử dụng thì nhất thiết phải được thoả thuận của các thành viên góp vốn tại thời điểm chia tách DN

Kết luận: Vì nhận được bản Dự thảo với thời gian chỉ có 2 ngày nên tôi chưa có thời gian nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có lẽ còn nhiều điểm cần bổ sung mà tôi chưa nhận thấy. Tuy nhiên những ý kiến trên đây của tôi cũng là một thực tế xuất phát từ đời sống kinh doanh thường gặp, cần các nhà làm luật xem xét và đưa vào để cho "Luật DN thống nhất" có tính bao quát tất cả các vấn đề sẽ nảy sinh.

Nguyễn Minh Phú
Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương

Các văn bản liên quan