Góp ý của Chi nhánh VCCI tại TP.Đà Nẵng

Thứ Ba 00:27 30-05-2006
A/ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA CHI NHÁNH:

Ở điểm 1, mục II, phần C: Quy định "Cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục hải quan về thu thuế nhập khẩu khi kiểm hoá, tính thuế thấy không thể xác định rõ về mặt hàng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tình trạng cũ mới làm căn cứ tính thuế có quyền yêu cầu giám định đối với các trường hợp quy định tại điểm này, đồng thời phải thông báo lại cho đối tượng nộp thuế biết lý do phải giám định. Kết quả giám định theo yêu cầu của cơ quan hải quan là kết quả để làm căn cứ tính thuế và thu thuế nhập khẩu". Nên quy định ở điểm này thời gian thực hiện công tác giám định để có kết quả làm căn cứ tính thuế là bao lâu? nếu quá thời gian quy định thì hướng xử lý như thế nào? Nên chăng dùng biện pháp tạm tính thuế đối với những lô hàng nhập không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, môi trường... nhằm giảm chi phí lưu kho, lưu bãi và đánh mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp do chậm trễ trong giải phóng hàng. Bên cạnh đó, phải xác định rõ chi phí giám định, chi phí lưu kho, lưu bãi...ai chịu? Nhà nước nên dành khoảng ngân sách nhất định để giao cho cơ quan Hải quan thanh toán các chi phí giám định, chi phí lưu kho, lưu sách nhất định để giao cho cơ quan Hải quan thanh toán các chi phí giám định, chi phí lưu kho, lưu bãi...đối với hàng hoá cần giám định, xem đó như là khoản chi phí tác nghiệp của cơ quan Hải quan để chia sẻ chi phí cho doanh nghiệp khi hàng hoá XNK bị giám định.

Ở điểm 2, mục III, phần C: Quy định doanh nghiệp chậm nộp thuế nhập khẩu theo thời gian quy định thì bị phạt chậm nộp thuế. Nên quy định cụ thể mức phạt, hình thức phạt cụ thể để tạo cơ sở cho việc thực thi của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp.

Ở điểm 6, mục I, phần D: Quy định "Máy móc thiết bị trực tiếp phục vụ gia công được thoả thuận trong hợp đồng gia công. Hết hạn thực hiện hợp đồng gia công phải tái xuất, nếu không tái xuất thì phải kê khai nộp thuế". Nên quy định trong thông tư này thời gian tối đa sau khi hết hạn thực hiện hợp đồng gia công bao lâu thì phải tái xuất để doanh nghiệp chủ động trong thực thi và tạo cơ sở cho cơ quan Hải quan giám sát thực hiện.

Ở điểm 1 (1.4), mục I, phần E: Quy định nhập khẩu hàng hoá chưa phù hợp với chất lượng quy cách, phẩm cấp so với hợp đồng thương mại đã ký với phía nước ngoài, do phía nước ngoài gửi sai, có giấy giám định của cơ quan chức năng giám định nhà nước, có xác nhận của chủ hàng nước ngoài thì cục Hải quan tỉnh, thành phố căn cứ kết quả kiểm hoá hàng thực nhập khẩu và đối chiếu với các quy định hiện hành của Nhà nước để xem xét quyết định nhập hàng hoá hoặc bắt buộc tái xuất. Nên quy định thời gian cụ thể cho việc ra các quyết định cho nhập hoặc buộc tái xuất.

Ở điểm 1 (1.5), mục I, phần E: Quy định đối với trường hợp đối tượng nộp thuế nhầm lẫn trong kê khai thì được hoàn trả trên thuế nộp thuế trong thời hạn một năm (12 tháng) trở về trước (kể từ ngày nộp tờ khai hàng hoá xuất khẩu đến ngày phát hiện nhầm lẫn). Nên kéo dài thời gian được hoàn trả và phù hợp với thực tế của hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cũng tương ứng với các quy định khác như: Luật hải quan quy định thời gian truy thu thuế nếu phát hiện sai sót trong thời hạn 5 năm.

Ở điểm 1 (1.8), mục I, phần E: Quy định hàng đã xuất khẩu nhưng vì lý do nào đó buộc phải nhập khẩu trở về Việt Nam được xét hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu trong thời hạn tối đã 1 năm. Nên kéo dài thời hạn này lên 2 năm để phù hợp hơn với thực tế hoạt động XNK của doanh nghiệp và loại trừ trường hợp doanh nghiệp phải đóng thuế nhập khẩu cho lô hàng bị trả lại (nhập khẩu trở lại sao khi đã xuất đi) trong thời hạn quá 1 năm.

Ở điểm 3, mục I, phần E: Quy định thời hạn nộp hồ sơ xét hoàn thuế là 60 ngày. Chưa nêu chế tài xử phạt cho vi phạm quy định này? Nên đưa ra các chế tài cụ thể để xử phạt đối với việc vi phạm thời hạn nộp hồ sơ xét hoàn thuế để nâng cao tính chấp hàng của doanh nghiệp và chủ động trong công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp của các cơ quan hữu quan.

Ở điểm 1, mục II, phần E: Có nêu "Trường hợp có sự gian lận, trốn thuế (kể cả trường hợp khai sai mã số do khai sót tên hàng) thì phải truy thu tiền thuế, tiền phạt trong vòng 5 năm (tính tròn 60 tháng) trở về trước kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự gian lận, trốn thuế. Không nên xem xét việc khai sai mã số do khai sai tên hàng của doanh nghiệp là thuộc trường hợp gian lận, trốn thuế và phải nộp tiền phạt, vì thực tế mã hàng và tên hàng trên biểu thuế XNK cũng khá phức tạp và dễ nhầm lẫn, do vậy việc khia tên hàng cho đúng mã số là không đơn giản, doanh nghiệp rất dễ mắc phải lỗi này dù không cố ý, bên cạnh đó việc kiểm tra khai tên hàng, khai mã số của doanh nghiệp cho đúng là trách nhiệm của cơ quan Hải quan. Chỉ nên xử phạt đối với những trường hợp khai sai tên hàng, khai sai mã số để trốn thuế có dấu hiệu cố ý.


B/ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA DOANH NGHIỆP:

- Biểu thuế XNK trong đó mô tả hàng hoá và mã hàng kèm theo nên rõ ràng hơn để doanh nghiệp dễ đối chiếu và khai báo trong làm thủ tục Hải quan, kê khai tính thuế.

- Không nên truy thu thuế đối với những trường hợp thay đổi thuế suất đối với những mặt mà doanh nghiệp đã xuất khẩu, nhập khẩu trước khi có sự thay đổi về thuế xuất, vì doanh nghiệp khi nhập khẩu, xuất khẩu đã xác định giá bán bao gồm cả thuế và đã bán cho khách hàng nên khi có sự điều chỉnh tăng về thuế suẩ, doanh nghiệp không thể thực hiện việc thu thêm khoản tiền thuế này của người mua được.

- Đối với những trường hợp XNK những mặt hàng mới chưa có trên thị trường Việt Nam hoặc không có cơ sở để áp giá thì nên lấy giá mà doanh nghiệp xây dựng và có sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền để làm giá tính thuế nhằm tránh tình trạng dây dưa kéo dài thời hạn tính thuế cho doanh nghiệp.


Nguyễn Cường
Phó giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng

Các văn bản liên quan