Góp ý của bà Đặng Hoàng Mai – Đại học Xây dựng

Thứ Ba 15:43 16-07-2013

BÌNH LUẬN
DỰ THẢO LUẬT XÂY DỰNG ( SỬA ĐỔI )

        Đặng Hoàng Mai

Hội thảo VCCI, 16/7/2013

Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) (Dự thảo 18 – 6 – 2013) do Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ trì soạn thảo, về cơ bản theo người bình luận, đã đảm bảo được nguyên tắc đề ra là “ kế thừa những nội dung, những quy định của Luật Xây dựng đã đi vào cuộc sống, có hiệu quả, còn phù hợp với hiện tại và tương lai; thay thế, sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, không thống nhất với các luật khác”.

Do thời gian nhận được yêu cầu bình luận khá gấp rút nên trong bài bình luật này, người bình luận chỉ đưa ra những ý kiến mang tính chất bao quát nhiều hơn.

Như trên đã nói, dự thảo đã chỉ ra được những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng gây vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời những đề xuất về việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số quy định là phù hợp và cần thiết với thực tiễn điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng hiện nay. Về tên gọi và bố cục của dự thảo, theo người đọc là hợp lý.

Bên cạnh đó, người đọc cũng có một số ý kiến đóng góp đối với Ban soạn thảo về các vấn đề sau:

1.     Về quy hoạch xây dựng: Theo như dự thảo thì đây vẫn là một chương quan trọng trong Luật Xây dựng (sửa đổi). Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau và Bộ Xây dựng đã có giải trình về việc giữ nguyên phần quy định về quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng (sửa đổi), nhưng theo ý kiến của người đọc thì đây là nội dung cần được cân nhắc thêm vì lý do sau:Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình soạn thảo Luật Quy hoạch xây dựng. Vì vậy, việc đưa nội dung về quy hoạch xây dựng vào Luật Xây dựng (sửa đổi) mặc dù là cần thiết vì quy hoạch là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu của hoạt động xây dựng; nhưng phải tính đến tính ổn định của Luật – Khi Luật Quy hoạch xây dựng được ban hành thì phần nội dung này trong Luật Xây dựng (sửa đổi) lại gây nên chồng chéo. Vì thế, nội dung về quy hoạch xây dựng chỉ nên quy định có tính nguyên tắc và dẫn chiếu đến Luật Quy hoạch xây dựng là đủ. Còn tạm thời, có thể dùng nghị định để điều chỉnh hoạt động này.

2.     Về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng:  Theo ý kiến của người đọc, khác với nội dung về quy hoạch xây dựng, nội dung liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng lại cần được quy định trong Luật Xây dựng (sửa đổi) vì lý do sau: Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng có tính đặc thù riêng so với việc lựa chọn nhà thầu trong các hoạt động khác. Hơn nữa, Luật Đấu thầu cũng đang trong quá trình soạn thảo sửa đổi nên việc hai luật này có thể đối chiếu để tránh trùng lặp, chồng chéo trong quy định là hoàn toàn khả thi. Theo đó, Luật Đấu thầu đưa ra những quy định chung đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu, còn Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ quy định trực tiếp về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng. Có thể nói việc lựa chọn nhà thầu xây dựng là hoạt động cốt lõi và có những đặc thù riêng mà không thể tách khỏi quy định của Luật điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là bỏ phần quy định về lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng trong Luật Xây dựng (sửa đổi) mà là cần nghiên cứu để đưa ra những quy định vừa điều chỉnh trực tiếp, hiệu quả hoạt động lựa chọn nhà thầu xây dựng phù hợp với đặc thù của hoạt động này, vừa không chồng chéo với quy định trong Luật Đấu thầu (sửa đổi).

3.     Về quy định tại chương IX (Trách nhiệm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của các cơ quan nhà nước) trong Luật Xây dựng (sửa đổi) thay thế cho chương Quản lý nhà nước về xây dựng trong Luật Xây dựng, người đọc có một số ý kiến sau:

-         Về tên gọi của chương nên thay đổi là “Quản lý hoạt động đầu tư xây dựng” sẽ bao quát hơn. Chương này hiện nay trong Dự thảo chỉ gồm 2 điều (Đ.128 và Đ.129) là chưa hợp lý về kết cấu chương.

-         Cùng với việc thay đổi tên gọi như vậy thì nội dung của chương cũng sẽ bao quát hơn. Theo đó, ngoài nội dung về trách nhiệm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của các cơ quan nhà nước như trong Dự thảo, thì chương này cần đề cập đến hai nội dung khác đó là: Một là, nội dung về Giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng. Nội dung này đang được quy định tại chương I, Điều 10 của Dự thảo. Đây là nội dung mới được đưa vào Luật Xây dựng (sửa đổi) rất cần thiết để nghiên cứu quy định cụ thể hơn. Và theongười đọc nên chuyển Điều 10, Chương I vào quy định tại Chương “Quản lý hoạt động đầu tư xây dựng”. Hai là, nội dung về vi phạm và trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể vi phạm pháp luật khi tham gia  hoạt động đầu tư xây dựng. Nội dung này không được đề cập đến trong Luật Xây dựng (sửa đổi).

4.     Về quy định tại Chương VIII (Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng) trong Dự thảo: Việc tách quy định điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng thành một chương trong Luật Xây dựng (sửa đổi) là hết sức hợp lý so với quy định của Luật Xây dựng trước đây. Bên cạnh đó, trong chương này, quy định về việc đăng ký và quản lý thông tin năng lực hoạt động xây dựng là một nội dung mới. Đây là quy định rất cần thiết nhằm giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý và giám sát năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, theo người đọc, nội dung này cần được quy định là: “Giám sát và quản lý năng lực hoạt động xây dựng” thay cho quy định “Đăng ký và quản lý thông tin năng lực hoạt động xây dựng” như đang được quy định tại Điều 127 của Dự thảo vì quy định như vậy sẽ làm rõ được mục đích của quy định là nhằm giám sát và quản lý năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng. Theo đó, ngoài nội dung quy định về đăng ký thông tin năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân như trong Dự thảo thì còn cần quy định thẩm quyền, cách thức giám sát và quản lý năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chẳng hạn thông qua kiểm tra năng lực hàng năm và các hình thức giám sát, kiểm tra khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể nắm được những biến động về năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân, từ đó có những điều chỉnh tương ứng về cấp bậc năng lực, phạm vi nhận thầu công trình.

Trên đây là một số nội dung mà trong lượng thời gian hạn hẹp, người đọc đưa ra để Ban soạn thảo xem xét cũng như các thành viên thảo luận thêm tại hội thảo. Chúc Hội thảo thành công và có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng cho Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi)!

Cảm ơn sự lắng nghe của quý vị!

Các văn bản liên quan