Góp ý ChVII: ĐẦU TƯ – KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Thứ Sáu 14:41 26-05-2006
GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ
CHƯƠNG VII: ĐẦU TƯ - KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC


Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký VAFI

Bài viết này tập trung góp ý Chương VII về Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước - Đây là tồn tại lớn nhất của Dự Luật và có thể là 1 trở ngại cực kỳ lớn đối với bất kỳ dự án đầu tư nào của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá nếu như Ban soạn thảo không tiếp thu ý kiến.

I/ Bình luận chi tiết từng điều khoản chương này:

1/ Điều 67. Yêu cầu quản lý đầu tư - kinh doanh vốn nhà nước

- Khoản 2 Điểm 2 “ Các dự án nhà nước có vốn góp chi phối, cổ phần chi phối sau khi được chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư phải tổ chức thẩm định để quyết định đầu tư” - Qui định này có những mâu thuẫn sau:

+ Thế nào là dự án nhà nước có vốn góp chi phối, cổ phần chi phối ? Phải chăng là 1 dự án đầu tư gắn với việc thành lập doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp này. Cũng có thể hiểu là 1 dự án đầu tư được hình thành từ việc hợp tác giữa công ty tư nhân và công ty nhà nước, trong đó vốn góp nhà nước là chi phối. Đọc hết chương này thì ý của Ban soạn thảo muốn đề cập tới tất cả những dự án đầu tư không phân biệt qui mô vốn tại các doanh nghiệp mà cổ phần nhà nước ở mức chi phối. Tuy nhiên qui định này hết sức mập mờ, khó hiểu và rắc rối.

+ Thế nào là cổ phần chi phối ? Doanh nghiệp càng lớn thì càng có nhiều cổ đông, vì vậy tỷ lệ cổ phần của các nhà đầu tư lớn thường giảm tương ứng với qui mô doanh nghiệp. Tại các tập đoàn đa quốc gia có vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đô la, thì 1 nhà đầu tư nắm giữ tỷ lệ 5% trở lên được coi là nắm giữ cổ phần chi phối. Tại VN, đối với những công ty đại chúng, nhà đầu tư nắm trên 20% đã được coi là chi phối, vì vậy không nên dùng khái niệm cổ phần chi phối mà nên qui định “ nhà nước nắm giữ 51% cổ phần trở nên”.

+ Khi doanh nghiệp muốn đầu tư, họ phải lập phương án đầu tư và Dự án đầu tư này phải được thẩm định tại các cấp của doanh nghiệp : Phòng Ban, Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị và có thể là Đại hội cổ đông ( theo điều lệ công ty). Tại các doanh nghiệp mà nhà nước có nắm giữ cổ phần ( không phân biệt tỷ lệ cổ phần), đại diện vốn nhà nước tiến hành góp ý và biểu quyết theo số phiếu . Trong công ty cổ phần, kể cả nhà nước nắm giữ cổ phần đa số thì vai trò của nhà nước chỉ là 1 cổ đông. Quan hệ giữa người trực tiếp quản lý vốn nhà nước và cơ quan đại diện cổ phần nhà nước theo Qui chế quản lý vốn nhà nước tại công ty cổ phần. Trở lại khái niệm ở trên, Khi đã có quyết định đầu tư, họ mới tiến hành làm các thủ tục đầu tư , trong đó có lấy giấy đăng ký/ chấp thuận đầu tư. Nếu như theo qui định trên thì doanh nghiệp lại tiến hành thẩm định nữa hay sao ?

- Điểm 3 qui định “báo cáo quyết toán vốn đầu tư của dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước phải được kiểm toán “, nếu vậy thì có những dự án chỉ vài trăm triệu cũng phải kiểm toán sao ? Trong khi có thể doanh nghiệp có 51% nhà nước không chịu nghĩa vụ kiểm toán. Cần qui định doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 51% cổ phần phải thực hiện kiểm toán hàng năm, với những dự án đầu tư trên 5 tỷ đồng thì phải tiến hành kiểm toán” .

2/ Điều 68. Thẩm định dự án để quyết định đầu tư:

- Tại điểm 1 “ Đối với dự án mà nhà nước có vốn góp chi phối, cổ phần chi phối, người có thảm quyền quyết định đầu tư tổ chức thẩm định dự án và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình “ Qui định này xung đột với Luật Doanh nghiệp, văn bản về quản lý vốn nhà nước trong công ty cổ phần:

+ Ai là “ người có thẩm quyền quyết định đầu tư” ? Theo điểm 2 Điều 72 thì tổ chức được giao làm đại diện cổ phần chi phối nhà nước sẽ là người có thẩm quyền quyết định đầu tư sẽ quyết định chủ đầu tư và tổ chức thẩm định... Qui định như vậy là quay trở về cách quản lý DNNN, không có gì mới mà chỉ khuyến khích quan liêu tham nhũng. Cho dù nhà nước có nắm cổ phần đa số, thì vốn trong doanh nghiệp là vốn của các cổ đông ( của người lao động, của nhà đầu tư, của nhà nước). Mọi cổ đông phải có quyền bàn bạc ( trong đại hội cổ đông ), trong Hội đồng quản trị. Trường hợp nhà nước nắm giữ 40% / vốn điều lệ, khi biểu quyết tại Đại hội cổ đông, chưa chắc tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ được quyền biểu quyết. Cho nên theo Luật Doanh nghiệp, người có thẩm quyền quyết định đầu tư là Hội đồng quản trị ( theo phân cấp) hoặc Đại hội cổ đông.

+ Qui định này nên bỏ vì nó không phục vụ lợi ích của nhà nước hay bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư mà chỉ làm phức tạp về Luật lệ mà thôi, vô hiệu hoá các Luật hiện hành

- Điểm 3 Điều 68 “ Người có thẩm quyền quyết định đầu tư được thuê tổ chức tư vấn độc lập, chuyên gia có đủ năng lực chuyên môn thực hiện thẩm định..... “, qui định này rất bất cập, không cần thiết và không tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp vì:

+ Ý tưởng kinh doanh, bí quyết kinh doanh cần giữ bí mật, là sự sáng tạo và công sức của đội ngũ doanh nghiệp, không thể phơi bày rộng rãi để bị lộ ý tưởng hình thành những dự án đầu tư mới.

+ Lực lượng tư vấn của VN còn non yếu, không đủ trình độ thẩm định và cũng không có quyền hoặc thẩm quyền để thẩm định. Nếu đặt ra việc thẩm định thì chỉ là hình thức quan liêu, rất tốn tiền.

+ Hơn ai hết những người quản lý trong doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về thực thi các Dự án đầu tư.

- Điều 68 nên bỏ toàn bộ. Nếu muốn điều chỉnh cho DNNN thì đã có Qui chế quản lý tài chính trong DNNN, Qui chế hoạt động của Tổng công ty nhà nước....

3/ Điều 72. Tổ chức được giao quản lý dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước:

- Tại điểm 2 “ Đối với các dự án mà nhà nước nắm cổ phần chi phối, tổ chức được giao đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước quyết định chủ đầu tư. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm xác định nhiệm vụ và tổ chức tuyển chọn tư vấn....Chủ đầu tư quyết định thành lập Ban quản lý dự án....” Qui định này trái với Luật Doanh nghiệp, trái với Qui chế quản lý phần vốn nhà nước trong công ty cổ phần vì:

+ Trong công ty cổ phần, nhà nước chỉ là 1 cổ đông, cho dù là cổ đông đa số. Mọi hoạt động trong công ty cổ phần phải tuân thủ Điều lệ công ty, phải có sự bàn bạc dân chủ tại Đại hội cổ đông cũng như trong Hội đồng quản trị

+ Về pháp lý thì cơ quan đại diện cổ phần chi phối của nhà nước không thể là chủ đầu tư được, cũng như quyết định toàn bộ dự án đầu tư được. Chủ đầu tư của CT cổ phần chính là các cổ đông trong công ty cổ phần ( thuộc công ty cổ phần). Mọi vấn đề về góp ý, giám sát đầu tư, thẩm định do Điều lệ doanh nghiệp qui định. Cơ quan đại diện cổ phần nhà nước muốn can thiệp thì phải thông qua người đại diện của mình trong công ty cổ phần

- Toàn bộ điều này nên bỏ vì thừa.

4/ Điều 74. Lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án

- Điều này qui định “ Đối với dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên thì phải đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ...Qui trình và thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện theo qui định của pháp luật về đầu thầu” Qui định này chưa chính xác và quá áp đặt về quyền quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, trái với Luật Doanh nghiệp vì:

+ Khi nói “ dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên “ có thể hiểu là trong 1 dự án, nhà nước sẽ góp cùng doanh nghiệp tư nhân 30% vốn góp.

+ Nghiên cứu về hậu cổ phần hoá, đã có rất nhiều DN cổ phần hoá thực hiện đấu thầu hơn trước kia và họ phải tuân theo Qui chế tài chính hoặc điều lệ doanh nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phương thức đấu thầu theo thông lệ quốc tế, chứ các cổ đông không chấp nhận qui chế đấu thầu do nhà nước qui định.

+ Trong đời sống doanh nghiệp, không phải dịch vụ nào, dự án nào cũng thực hiện phương thức đấu thầu, mà để linh hoạt thì phương thức chọn thầu hoạc chỉ định thầu phù hợp với qui mô hình thức dự án hơn.

+ Nếu qui định nhà nước nắm trên 30% mà buộc phải đấu thầu theo qui định của nhà nước là trái với Luật Doanh nghiệp. Cổ phần nhà nước nắm trên 30% không có nghĩa là nhà nước nắm quyền biểu quyết tuyệt đối.

- Điều này nên được sửa lại là khuyến khích doanh nghiệp áp dụng đấu thầu dịch vụ theo thông lệ quốc tế hoặc theo qui định của nhà nước

II/ Góp ý sửa đổi các điều khoản

- Cách tốt nhất là nên bỏ chương này vì không đem lại 1 lợi ích gì cho công tác quản lý nhà nước cũng như lợi ích doanh nghiệp.

- Những vấn đề nêu ra tại chương này không có gì là mới, chúng ta đã có Luật Ngân sách nhà nước, Qui chế tài chính cho DNNN, Qui chế quản lý vốn tại các công ty cổ phần, Tông công ty đầu tư vốn nhà nước đã ra đời và có cơ sở pháp lý...

- Qua phân tích trên, nhân thấy chỉ toàn gặp điều phức tạp, luật phải dễ hiểu. Một nguy cơ là các văn bản dưới Luật sẽ ra sao ? Ngay những qui định trong Luật thôi có thê tác động tới hàng ngàn doanh nghiệp cổ phần hoá đang ở tình trạng cổ phần nhà nước nắm giữ trên 30% sẽ phải chịu thêm nhiều giấy phép đầu tư khi toàn bộ các dự án đầu tư của DN cổ phần hoá phải trình Tổng công ty, Bộ, UBND tỉnh để ra quyết định thẩm định, đồng thời họ còn phải mất những khoàn tiền phi lý để thuê những tổ chức “ chân gỗ” đóng vai trò thẩm định.

- Cách thứ nhất không được, sẽ làm theo cách thứ hai. Xin sửa đổi các điều của Chương 7 như sau :

CHƯƠNG VII: ĐẦU TƯ - KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Điều 67. Yêu cầu quản lý đầu tư - kinh doanh vốn nhà nước

1. Các dự án đầu tư vốn nhà nước phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

2. Việc đầu tư - kinh doanh vốn nhà nước phải đúng mục tiêu và có hiệu quả, quản lý phù hợp đối với từng nguồn vốn, đảm bảo quá trình đầu tư thực hiện công khai, minh bạch.

3. Báo cáo quyết toán vốn đầu tư của dự án đầu tư trên 5 tỷ đồng của doanh nghiệp mà nhà nước nắm trên 51% / vốn điều lệ phải được kiểm toán theo quy định của pháp luật về kiểm toán.

4. Phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong từng khâu của quá trình đầu tư; thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

5. Thưc hiện đầu tư đúng pháp luật, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; chống dàn trải, lãng phí, thất thoát, khép kín.

Chính phủ quy định việc tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư và quản lý đầu tư - kinh doanh từ nguồn vốn nhà nước.

Điều 68. Thẩm định dự án để quyết định đầu tư. Bỏ điều này

Điều 69. Đầu tư - kinh doanh vốn nhà nước

1. Vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước vào tổ chức kinh tế được thực hiện thông qua Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

2. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước và các luật khác có liên quan, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các công ty trách nhiệm hữu hạn.

3. Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và phạm vi hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Điều 70. Đầu tư của nhà nước vào hoạt động công ích.

1. Nhà nước đầu tư vào sản xuất, cung ứng những sản phẩm, dịch vụ công ích thông qua hình thức giao kế hoạch, đặt hàng hoặc đấu thầu


2. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng tham gia sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các hoạt động công ích và danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều 71. Đầu tư bằng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước

1. Đối tuợng sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là những dự án đầu tư thuộc một số ngành, lĩnh vực quan trọng, chương trình kinh tế lớn có hiệu quả kinh tế - xã hội, có khả năng hoàn trả vốn vay.

Dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước phải được tổ chức cho vay thẩm định và chấp thuận phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay truớc khi quyết định đầu tư.

2. Chính phủ quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước, danh mục các đối tượng được vay vốn và các điều kiện tín dụng trong từng thời kỳ.

Điều 72. Tổ chức được giao quản lý dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước

1. Tổ chức được giao đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chịu trách nhiệm bảo toàn, phát triển và sử dụng vốn có hiệu quả.

2. Tổ chức đại diện cổ phần nhà nước hoạt động theo Qui chế quản lý cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp khác và theo Luật Doanh nghiệp.

Điều 73. Thay đổi nội dung, hoãn, đình chỉ dự án đầu tư

Bỏ vì 1 phần trùng lắp với Điều 51, phần khác can thiệp vào hoạt động của Hội đòng quản trị

Điều 74. Lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án:

Phương án 1: Khuyến khích thực hiện đấu thầu

Phương án 2:

Đối với dự án đầu tư của những doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ từ 51%/ vốn điều lệ (trừ dự án thuộc bí mật quốc gia), phải đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp cho dự án.
Quy trình và thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Các văn bản liên quan