VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá

Thứ Hai 14:38 01-04-2024

Kính gửi:  Bộ Tài chính

Trả lời công văn số 13076/BTC-QLG ngày 28/11/2023 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, có ý kiến góp ý ban đầu với Dự thảo như sau:

  1. Thủ tục kê khai giá

Điều 4.14 của Luật Giá 2023 quy định: “Kê khai giá là việc tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc trường hợp phải kê khai giá quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này gửi thông báo mức giá sau khi định giá, điều chỉnh giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

Luật Giá năm 2012 cũng quy định: “Kê khai giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá.

Như vậy, Luật Giá năm 2012 đã quy định rõ là thủ tục kê khai giá chỉ mang tính thông báo về mức giá, không phải là thủ tục xin phép hay cần sự đồng ý của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp phản ánh một số cơ quan tiếp nhận hồ sơ kê khai giá đã lạm dụng thủ tục này, gây khó khăn cho doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình yếu tố cấu thành giá thì mới đồng ý cho điều chỉnh giá.

Điều 15 của Dự thảo quy định theo hướng doanh nghiệp có quyền tự điều chỉnh giá, sau đó phải nộp hồ sơ kê khai giá cho cơ quan nhà nước trong vòng 5 ngày. Đây là bước tiến lớn trong việc trao thêm quyền tự do quyết định giá cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Điều 15.3.b vẫn quy định theo hướng cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, giải trình hồ sơ. Theo Dự thảo, hồ sơ chỉ gồm duy nhất một tài liệu là Văn bản kê khai giá theo mẫu do doanh nghiệp tự khai tự chịu trách nhiệm, không cần nộp kèm bất kỳ tài liệu gì. Do đó, không rõ các trường hợp cơ quan nhà nước yêu cầu bổ sung và giải trình hồ sơ ở đây là những trường hợp nào?

Nếu việc yêu cầu bổ sung, giải trình này chỉ là việc điền không đầy đủ các thông tin trong mẫu Văn bản thì hoàn toàn có thể xử lý ngay khi nhận hồ sơ. Theo đó, nếu nộp hồ sơ trực tiếp thì cán bộ tiếp nhận có thể kiểm tra ngay và yêu cầu doanh nghiệp điền thêm nội dung. Trường hợp nộp hồ sơ qua hình thức điện tử thì có thể thiết lập hệ theo hướng chỉ có thể nộp khi đã điền đầy đủ các trường thông tin.

Nếu việc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ này bao gồm cả việc trả lời các câu hỏi về nội dung kê khai thì thủ tục này sẽ không còn mang bản chất là thủ tục thông báo nữa. Quy định này sẽ dẫn đến tình trạng một số nơi, một vài trường hợp bị biến tướng thành cơ chế xin cho như trước đây.

Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cơ quan nhà nước chỉ tiếp nhận hồ sơ một cách thuần tuý và tự động, không được phép yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hay giải trình gì thêm. Trong trường hợp doanh nghiệp kê khai thiếu thông tin thì cơ quan nhà nước có quyền thực hiện việc thanh tra, kiểm tra sau đó và xử phạt doanh nghiệp với lý do bán hàng không đúng nội dung đã kê khai.

  1. Chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu

Điều 28.3 của Luật giá quy định: “Nội dung kê khai giá gồm mức giá gắn với tên, chủng loại, xuất xứ (nếu có), chỉ tiêu chất lượng (nếu có)nguyên nhân điều chỉnh giá bán giữa các lần kê khai.” Tuy nhiên, tại Phụ lục 6 của Dự thảo về Mẫu văn bản kê khai giá đã yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai thêm cả nội dung về chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu: “Ghi rõ các chính sách và mức khuyến mại, giảm giá hoặc chiết khấu đối với các đối tượng khách hàng, các điều kiện vận chuyển, giao hàng, bán hàng kèm theo mức giá kê khai (nếu có).”

Đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ nội dung này tại Phụ lục, vì các lý do sau:

  • Thứ nhất, việc Phụ lục yêu cầu thêm nội dung này trái với Điều 28.3 của Luật giá.
  • Thứ hai, không phải trường hợp nào doanh nghiệp cũng chuẩn bị chính sách khuyến mại, giảm giá, chiết khấu. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể đưa ra biện pháp khuyến mại, giảm giá, chiết khấu cho khách hàng ngay trong quá trình đàm phán từng giao dịch với từng khách hàng. Điều này không nhất thiết cần được lập thành chính sách bán hàng chung, mà sẽ được quyết định từng thời điểm, từng trường hợp. Nếu yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai sau mỗi giao dịch như vậy sẽ là không cần thiết và không khả thi.
  • Thứ ba, quy định này có thể sẽ khiến doanh nghiệp ngại khuyến mại, giảm giá, chiết khấu cho khách hàng, và có thể dẫn đến không đạt được thoả thuận bán hàng, kết quả là làm tăng chi phí và thời gian giao dịch, làm chậm tốc độ lưu thông hàng hoá, dịch vụ, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
  1. Nguyên nhân điều chỉnh giá

Điều 28.3 của Luật Giá quy định doanh nghiệp phải kê khai nguyên nhân điều chỉnh giá. Theo đó, được hiểu rằng doanh nghiệp có thể kê khai bất kỳ nguyên nhân nào. Tuy nhiên, đến Phụ lục 06 lại quy định doanh nghiệp phải “Phân tích nguyên nhân, nêu rõ biến động của các yếu tố hình thành giá tác động làm tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá giữa lần kê khai giá hiện hành so với kỳ liền kề trước.” Như vậy, quy định này đã giới hạn lại các nguyên nhân được phép thay đổi giá, tức là chỉ có sự biến động yếu tố hình thành giá mới được coi là nguyên nhân hợp pháp, các nguyên nhân khác không được chấp nhận. Quy định này không chỉ không phù hợp với Luật Giá, vì đã giới hạn các trường hợp được điều chỉnh giá, mà còn trái quy luật kinh tế thị trường.

Theo quy luật cung cầu, giá cả của hàng hoá phụ thuộc vào cung và cầu trên thị trường. Yếu tố hình thành giá (giá thành) có thể là một trong những nguyên nhân để thay đổi cung, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất và càng không thể thay đổi cầu. Theo quy luật cung cầu, giá có thể biến đổi mà yếu tố hình thành giá không đổi, ví dụ một số tường hợp như sau:

  • Khi nhu cầu tăng và cung không đổi. Ví dụ sự thay đổi về số lượng, thị hiếu, khả năng chi trả của người mua. Theo quy luật cung cầu, trong trường hợp này, giá cả của hàng hoá sẽ tăng. Tuy nhiên, do các yếu tố hình thành giá của doanh nghiệp không thay đổi nên theo quy định trên, doanh nghiệp không được tăng giá bán. Điều này trái quy luật kinh tế.
  • Khi nguồn cung của đối thủ cạnh tranh giảm thì giá có xu hướng tăng. Ví dụ, trên thị trường có ba doanh nghiệp cạnh tranh nhau cung ứng cùng một loại mặt hàng, vì một nguyên nhân nào đó, một doanh nghiệp gặp sự cố, buộc phải dừng bán hàng. Tương tự như trên, theo quy luật kinh tế thì giá sẽ tăng, nhưng theo quy định của tại dự thảo thì hai doanh nghiệp này không được phép tăng giá do yếu tố hình thành giá của họ không có biến động.

Việc không cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh giá vì các lý do khác biến động yếu tố hình thành giá sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Trong hai ví dụ trên, khi doanh nghiệp không được tăng giá dù cung lớn hơn cầu, họ sẽ không có động lực đầu tư mở rộng sản xuất, tăng sản lượng. Các doanh nghiệp khác cũng không có động lực nhảy vào thị trường này để bù đắp sự thiếu hụt cung hoặc sự gia tăng của cầu. Kết quả là thị trường mất nhiều thời gian hơn để quay trở lại điểm cân bằng khi cung cầu gặp nhau. Điều này gây thiệt hại cho nền kinh tế, làm chậm tốc độ tăng trưởng.

Với các lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Phụ lục 06 theo hướng doanh nghiệp phải kê khai nguyên nhân thay đổi giá nhưng có thể nêu bất kỳ nguyên nhân nào, không nhất thiết phải là sự thay đổi của yếu tố hình thành giá.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.