DT LĐT:”cần dựa trên tư duy của người bỏ vốn”

Thứ Bảy 17:28 20-05-2006
Dự thảo Luật đầu tư: “Cần dựa trên tư duy của người bỏ vốn”

Tôi mà nói thì thành ra ngược với ý kiến bộ trưởng của tôi”, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khăng khăng từ chối đề nghị phỏng vấn của báo giới về dự thảo Luật Đầu tư như vậy.

Nhưng cuối cùng, ông cũng chấp nhận trao đổi để góp thêm cái nhìn căn cơ hơn về dự án luật có thể được Quốc hội thông qua vào cuối tháng này. Theo ông, đúng nghĩa Luật Đầu tư thì phải là luật khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Vì cái đó phục vụ cho mục tiêu phát triển của đất nước. Đấy là hai nhiệm vụ của luật, chứ không phải là quản lý đầu tư.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu việc đặt ra những thủ tục đăng ký, chứng nhận, thẩm tra dự án đầu tư là bất hợp lý...

Bởi những thủ tục đặt ra nhằm quản lý những lĩnh vực có tính chất chuyên ngành thì đã có những luật, văn bản pháp lý khác xử lý. Mà theo tôi thì không có khả năng đưa vào luật này để bỏ ở văn bản khác. Vì những quản lý đó đòi hỏi tính chuyên môn, chuyên nghiệp. Giả sử những văn bản đó chưa hiệu quả thì tăng cường nó để nó hiệu quả hơn, nếu chưa hợp lý thì bổ sung sửa đổi những luật đó.

Lâu nay có vướng mắc là luật ban hành, đến nghị định, văn bản dưới luật triển khai thực hiện lại tạo ra những bất cập, thậm chí đi ngược lại nội dung luật ban đầu?

Tôi cho rằng nguyên do là ngay ở luật. Do luật không rõ nên ở dưới muốn hiểu thế nào thì hiểu, mà thông thường cơ quan thực hiện sẽ chọn cái nào thuận lợi nhất cho mình.

Ví dụ, ngay trong dự thảo Luật Đầu tư Quốc hội đang thảo luận cũng không quy định rõ điều kiện, tiêu chí thế nào thì đăng ký dự án được chấp nhận. Hoặc dự án trên 300 tỉ có năm nội dung phải thẩm tra, nhưng không quy định tiêu chí của mỗi nội dung thế nào thì được thông qua...

Chính những cái không rõ như thế đặt cho cơ quan thực hiện tuỳ ý 100%. Bộ máy của mình đang có những chuyện tham ô, nhũng nhiễu, thì những quy định quan hệ giữa công dân với cơ quan nhà nước càng cần phải cụ thể, rõ ràng.

Lý lẽ phải có nghị định, văn bản dưới luật là vì nhiều người cho rằng đưa tất cả vào luật sẽ rất cồng kềnh?

Thì anh không đưa chỗ này cũng phải đưa chỗ khác chứ không phải làm giảm đi. Vấn đề là mình đạt được mục đích. Nếu văn bản đưa ra mà chưa cụ thể thì có nghĩa là mục đích chưa hoàn thành. Nếu dài, cồng kềnh mà đạt mục đích cụ thể, chi tiết, thống nhất thực hiện thì nên làm.

Từ lâu dư luận đã đặt vấn đề tính cụ thể ở văn bản luật, vì sao đến nay vẫn chưa thể cải thiện?

Có mấy nguyên nhân. Một là phương pháp luận đặt vấn đề để xử lý nó chưa rõ, nên không thể đặt quy định cụ thể được. Thứ hai, cơ quan soạn thảo tưởng như thế là cụ thể rồi mà không sát với thực tế. Cái thứ ba là người ta cài cắm để sau này hướng dẫn thực hiện theo hướng dành thuận lợi hơn về phần mình.

Cụ thể như trong dự thảo Luật Đầu tư đang thể hiện mục đích quản lý nhiều hơn là khuyến khích người dân làm ăn?

Trước tiên anh phải trả lời cho được mục đích quản là cái gì, từ đó anh mới thiết kế cơ chế, công cụ, điều kiện. Hoặc đặt ra quản lý theo ba quy mô dự án là không đúng. Tại sao anh lại quản quy mô?

Đáng lẽ ra họ đầu tư càng nhiều thì càng phải khuyến khích, đàng này anh lại càng đặt ra thủ tục. Anh đầu tư một tỉ mình phải khuyến khích, thì lại đặt ra quy định thẩm định, còn anh đầu tư 1 triệu thì không. Hoặc quản lý lĩnh vực đầu tư theo ngôn ngữ pháp lý là gì?

Nếu anh nói ngành nghề kinh doanh có thể gây phương hại đến bên thứ ba, thì can thiệp của Nhà nước phải nhiều hơn để bảo vệ lợi ích công cộng.

Có lập luận là phải quản lý lĩnh vực vì sợ lãng phí nguồn lực và mất cân đối thị trường như có lúc có quá nhiều nhà máy xi măng, hoặc xây nhà máy đường ở những nơi không có nguyên liệu?

Đó là do chủ đầu tư quyết định. Những trường hợp này chủ đầu tư là Nhà nước, và Nhà nước đã sai chứ không thể đổ cho điều gì được. Đừng lấy tư duy hành chính của Nhà nước áp đặt cho tư duy của những người thực sự bỏ vốn ra.

Vừa rồi cũng có nhiều người nói, không thể địa phương nào cũng có cảng biển. Đấy là tất nhiên. Tuỳ theo quy mô phát triển sẽ phát sinh nhu cầu mà ở đó anh không ngăn cản người ta được. Không thể lấy những sai sót thời gian qua của chủ sở hữu nhà nước để áp đặt cho các thành phần kinh tế khác. Những lập luận như thế theo tôi là nguỵ biện.

Theo Sài Gòn tiếp thị

Các văn bản liên quan