Đóng góp ý kiến của Ths Ngô Thanh Sơn về dự thảo luật Khoa học công nghệ sửa đổi ngày 23.04.2013

Thứ Hai 16:27 13-05-2013

Hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)

Hội trường lầu 10 VCCI HCM, 171 Võ Thị Sáu, Q.3, Tp.HCM, ngày 23/4/2013.

MỘT SỐ GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

LIÊN QUAN ĐẾN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

KHI THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

     ThS.Ngô Thanh Sơn

  GV.Bộ môn Pháp luật - T39 - BCA

Khoa học, công nghệ (KHCN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, điện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế nhằm phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định vị trí, vai trò của KHCN trong các cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết của Đảng với quan điểm “phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”[1]. Hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng là một trong những cơ sở để Nhà nước thể chế hóa thành các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KHCN được đầu tư, phát triển, mang lại hiệu quả.

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000 đến nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định, không khả thi, một số những nội dung không còn phù hợp với những định hướng của Đảng, sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, việc sửa đổi để Luật Khoa học và Công nghệ thực sự là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững, phát huy và tận dụng mọi cơ hội, nguồn lực trong và ngoài nước để tăng cường tiềm lực KHCN thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 là thật sự cần thiết.

Trước hết, chúng tôi cơ bản nhất trí với dự thảo về kết cấu, bố cục các chương, mục, điều và nội dung các điều luật đã nêu trong dự thảo. Dự thảo đã thể chế hóa nhiều nội dung về KHCN nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI và đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 6 Khóa XI; các quy định của dự thảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp và một số ngành luật có liên quan.

Chúng tôi cũng cơ bản nhất trí với các quy định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, về những chính sách ưu đãi, đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ, về các quỹ dành cho khoa học và công nghệ đã được thể hiện trong dự thảo. Nhìn chung, các quy định này đã bao quát được nhiều chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động khoa học công nghệ, thể hiện sự hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện của Nhà nước, và thể hiện sự xã hội hóa lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi có một số góp ý liên quan đến cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động KHCN để dự thảo hoàn thiện hơn, đồng thời khi áp dụng trong thực tiễn có thể huy động được nguồn lực to lớn từ cộng đồng các doanh nghiệp (doanh nghiệp khoa học và công nghệ và các doanh nghiệp khác) để phát triển KHCN.

Một là, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ.

- Khoản 6 Điều 6 đề nghị bổ sung thêm cụm từ “tài trợ” sau cụm từ “đầu tư” để đảm bảo tính thống nhất với các điều, khoản khác và thể hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước, ngoài việc đầu tư còn khuyến khích việc “tài trợ” cho KHCN bằng nhiều hình thức khác nhau.

Khoản 6 điều chỉnh thành “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, tài trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ”.

- Khoản 7 Điều 6 đề nghị bổ sung thêm nội dung “tiến hành các hoạt động” sau cụm từ “giám định”. Vì thực tế hiện nay, các hội khoa học và kỹ thuật, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đã và đang tiến hành các hoạt động KHCN trong lĩnh vực hoạt động của mình như: Thực hiện việc nghiên cứu các nhiệm vụ KHCN, ứng dụng KHCN… Điều này để đảm bảo điều khoản quy định về chính sách phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động KHCN.

Khoản 7 Điều 6 bổ sung, sửa đổi thành: “Khuyến khích, tạo điều kiện để các hội khoa học và kỹ thuật, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp tham gia tư vấn, phản biện, giám định và tiến hành các hoạt động về khoa học và công nghệ”.

Hai là, về các loại hình tổ chức khoa học và công nghệ.

Điểm a và c, Khoản 1 Điều 9 quy định “các hình thức khác”, song, chưa xác định loại hình “doanh nghiệp khoa học công nghệ”, dẫn đến có thể hiểu loại hình này thuộc “các hình thức khác”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần quy định rõ “doanh nghiệp khoa học và công nghệ” là một loại hình tổ chức khoa học và công nghệ như dự thảo lần đầu, cụ thể là bổ sung vào Điểm c Khoản 1 Điều 9 “Tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức trung tâm, văn phòng, phòng thử nghiệm, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và các hình thức khác”. Việc quy định này, tạo cơ sở cho quy định tại Điều 58 về phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Ba là, về việc hỗ trợ kinh phí nhà nước cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Chúng tôi nhận thấy, trong dự thảo nêu: “Hỗ trợ đến 30% vốn đầu tư cho dự án của doanh nghiệp ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ đến 50% đối với dự án ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn” (Điểm b Khoản 2 Điều 32).

Tuy nhiên, các quy định tại Chương IV “Đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học và công nghệ” đều nêu có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như “Hỗ trợ việc thực hiện nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm” (Khoản 5 Điều 52) hoặc các quỹ đầu tư của Nhà nước có thể cho vay không lãi suất, tài trợ cho KHCN.

Hoặc chỉ “Hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án khả thi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước”, không hỗ trợ đối với dự án không phải cấp quốc gia và không thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm.

Như vậy, dự thảo không quy định là hỗ trợ, đầu tư bao nhiều % cho dự án, chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phần “nghiên cứu triển khai” của các doanh nghiệp mà chủ yếu là hỗ trợ cho việc “ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm mới...”.

Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định Nhà nước có thể hỗ trợ 30% trở lên đối với các “nghiên cứu triển khai” của doanh nghiệp như là “ứng dụng kết quả” để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển “nghiên cứu triển khai”. Hiện nay, nghiên cứu triển khai được đầu tư rất ít, chủ yếu là đầu tư ứng dụng kết quả hoặc đổi mới công nghệ.

Bốn là, việc quy định về Hợp đồng khoa học và công nghệ.

Tại khoản 1 Điều 33 quy định “Nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ được thực hiện thông qua Hợp đồng khoa học và công nghệ” và tại khoản 2 xác định hợp đồng khoa học và công nghệ có 3 dạng: “Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”; “Hợp đồng chuyển giao công nghệ” và “Hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ”.

Như vậy, chưa tạo được sự thống nhất với các nội dung khác của dự thảo khi nhiệm vụ khoa học và công nghệ bao gồm nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai thực nghiệm khoa học, sản xuất thử nghiệm… Cho nên, cần phải bổ sung các dạng hợp đồng khác là: Hợp đồng triển khai thực nghiệm, hợp đồng sản xuất thử nghiệm để đảm bảo mặt pháp lý cho các dạng hợp đồng khoa học và công nghệ này.

Năm là, về đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ.

- Khoản 1 Điều 56, bổ sung thêm cụm từ “tạo điều kiện cho” sau cụm từ “khuyến khích” để đảm bảo thống nhất với các điều khoản khác của dự thảo.

Khoản 1 Điều 56 trở thành: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho khoa học và công nghệ nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm”.

- ­Khoản 1 Điều 57 quy định “Doanh nghiệp phải dành kinh phí đầu tư nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm”. Nhưng lại không có chế tài trong trường hợp doanh nghiệp không dành kinh phí đầu tư hoặc gian dối trong việc hợp thức hóa kinh phí đầu tư để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc hưởng các ưu đãi khác. Đề nghị cần phải bổ sung quy định chế tài cho vấn đề này để ràng buộc doanh nghiệp.

Cũng vấn đề này, chúng tôi đề nghị cần phải quy định cụ thể việc dành bao nhiêu % (dao động trong khoảng nhất định) thu nhập của doanh nghiệp trước thuế để đầu tư, nhằm định lượng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra về hoạt động của doanh nghiệp và có cơ chế ràng buộc doanh nghiệp. Việc quy định dao động để có hướng dẫn cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp (nên quy định mức cao đối với các tập đoàn, tổng công ty) và để doanh nghiệp lựa chọn phù hợp với tiềm lực của mình.

Sáu là, về ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

- Đề nghị bổ sung thêm vào Khoản 3 Điều 58 nội dung Được hưởng các dịch vụ tư vấn, đào tạo miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp do các cơ quan nhà nước thành lập”. Vì đây cũng là một nội dung quan trọng mà doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Nhà nước.

- Đề nghị bổ sung thêm cụ từ “với mức giá thấp nhất” và sau cụm từ “được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng” tại Điểm c Khỏa 3 Điều 58, trở thành: “Được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; được ưu tiên thuê đất, cơ sở hạ tầng với mức giá thấp nhất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao”. Hiện nay, vấn đề này đã được quy định tại Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ để nâng tính pháp lý lên cao hơn.

Trên đây là một số ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ trao đổi với các quý vị. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến trao đổi, phản hồi từ quý vị và các cơ quan chức năng.q



[1] Nghị quyết số 20/NQ-TW Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI.

Các văn bản liên quan