Đóng góp ý kiến của luật sư Phạm Thanh Khương về luật hải quan sửa đổi ngày 18.04.2013

Thứ Tư 16:54 24-04-2013

Một số ý kiến về quy định xác định trước mã số, xác nhận trước xuất xứ, xác định trước trị giá hải quan; giải phóng hàng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp theo Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi

Trước hết chúng tôi tán đồng việc đưa những quy định về xác định trước mã số, xác nhận trước xuất xứ, xác định trước trị giá hải quan; giải phóng hàng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp vào Dự thảo. Đây là sự thể hiện sự tiến bộ của Dự thảo Luật Hải quan lần này so với Luật Hải quan năm 2001 và sửa đổi năm 2005. Theo chúng tôi, đáng lẽ sửa đổi này nên thực hiện sớm vào lần sửa đổi trước (năm 2005) tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

1. Quy định về xác định trước mã số, xác nhận trước xuất xứ và xác định trước trị giá hải quan.

            Chúng tôi tán thành với tinh thần sửa đổi tiến bộ này theo quy định tại Điều 27 của Dự thảo bởi làm được điều này sẽ vừa giảm áp lực làm việc của cơ quan Hải quan vừa giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, không còn bị rơi vào tình trạng “ách tắc hàng hóa” khi có những bất đồng giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp trong việc xác định mã số, xuất xứ và trị giá Hải quan mà phần thiệt thực tế luôn thuộc về doanh nghiệp.

            Tuy vậy, chúng tôi quan tâm ở quy định tại khoản 4, Điều 27 của Dự thảo Luật:

“Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện xác định trước mã số, xác nhận trước xuất xứ, xác định trước trị giá hải quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 và trình tự, thủ tục thực hiện xác định trước, thời hạn hiệu lực của văn bản xác định trước tại Điều này”.

Dẫn chiếu đến Điểm b, Khoản 1, Điều 18 - Người khai Hải quan có quyền:

b) Đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số, xác nhận trước xuất xứ, xác định trước trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu khi có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Điều này thể hiện vẫn còn những điều kiện trong việc thực thi quyền của người khai hải quan và còn một số vấn đề phải quy định cụ thể ở cấp Nghị định.

Theo chúng tôi, đây là một quy định hết sức tiến bộ, đáp ứng được mong mỏi của mọi doanh nghiệp giúp họ chủ động trong sản xuất kinh doanh và cũng nhằm giảm áp lực công việc trong kiểm hóa, thông quan của cơ quan, công chức hải quan. Vì vậy, cần sửa lại quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 18 và Khoản 4 Điều 27 của Dự thảo: bỏ quy định “khi có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ”. Theo đó doanh nghiệp có quyền đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số, xác nhận trước xuất xứ, xác định trước trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu mà không có điều kiện ràng buộc nào khác.

Trong trường hợp cần phải đòi hỏi nghĩa vụ của người khai hải quan để hạn chế việc có doanh nghiệp thực hiện quyền này một cách tràn lan gây lãng phí và khó khăn cho cơ quan Hải quan, có thể tính toán thu phí đối với người khai Hải quản. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng kết quả xác định trước trong thời hạn hiệu lực của văn bản xác định trước để làm thủ tục nhập xuất hàng hóa thì Nhà nước nên hoàn trả lại phí này cho doanh nghiệp.

Cấp Nghị định của Chính phủ chỉ còn phải quy định về trình tự, thủ tục thực hiện xác định trước và thời hạn hiệu lực của văn bản xác định trước và phí (nếu có) mà thôi. Nhân đây, chúng tôi cũng đề nghị có sự thông thoáng trong quy định về trình tự thủ tục này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính như hiện nay.

2. Quy định về giải phóng hàng.

Chúng tôi cho rằng đây là một quy định được mong mỏi. Vì nếu hàng không được giải phóng, doanh nghiệp vô cùng khó khăn và có thể tiêu cực, nhũng nhiễu cũng bắt nguồn từ đây.

Tuy nhiên, theo quy định tại Dự thảo, nếu Khoản 2 Điều 35 quy định “số thuế chính thức phải nộp” thì Khoản 1 cần quy định “số thuế tạm phải nộp do cơ quan Hải quan xác định” và nếu Khoản 2 Điều 35 quy định “Thời hạn xác định số thuế chính thức phải nộp không quá 30 ngày kể từ ngày giải phóng hàng” thì Khoản 1 cũng phải quy định “thời hạn xác định số thuế tạm nộp là bao nhiều ngày kể từ ngày khai hải quan”. Theo tôi điều này hết sức quan trong và cần phải quy định thời hạn ngắn nhất vì khó khăn của doanh nghiệp tỉ lệ thuận với thời gian không được giải phóng hàng (đồng nghĩa với thời gian chưa được xác định số thuế tạm nộp) và kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy khác.

Chúng tôi đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 35 như sau:

“Đối với hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu nhưng phải xác định giá, trưng cầu giám định, phân tích, phân loại để xác định số thuế phải nộp thì được giải phóng hàng sau khi người khai hải quan đã nộp hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế tạm nộp do cơ quan hải quan xác định. Thời hạn xác định số thuế tạm nộp là bao nhiêu ngày kể từ ngày khai hải quan? (đề nghị Ban Soạn thảo tính toán thêm trên cơ sở thực tế làm việc của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp nhưng trên tinh thần là ngắn nhất).

3. Chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp.

Đây là quy định tiến bộ. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là sự minh bạch trong tổ chức thực hiện bởi một doanh nghiệp được ưu tiên sẽ thuận lợi hơn hẳn các doanh nghiệp, cạnh tranh hơn các doanh nghiệp khác và nếu không minh bạch lại sẽ dẫn đến tiêu cực. Đây là vấn đề mới, ta chưa từng làm. Mặt khác nếu tổ chức tốt, làm tốt công tác cải cách hành chính Hải quan để mọi doanh nghiệp đều được hưởng chế độ hải quan thông thoáng, minh bạch thì “ưu tiên” sẽ trở thành đại chúng đối với tất cả doanh nghiệp và mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật và trong kinh doanh.

Chính vì vậy, theo tôi trước hết nên làm thí điểm thực hiện chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp. Sau đó tổng kết và đưa vào Luật Hải quan trong lần sửa đổi lần đến.

Khi đã tiến hành thực hiện thì phải có Quy chế lựa chọn doanh nghiệp ưu tiên ban hành theo cấp Nghị định và phải cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia giám sát thực hiện việc lựa chọn này.

4. Kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế.

Chúng tôi được biết trong tháng 2/2013 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Tài chính có những báo cáo Tổng kết Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế, trong đó Bộ Tài chính đã có những đề xuất các biện pháp để tăng cường việc thực hiện giám sát hải quan chặt chẽ đối hàng hóa nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế để phòng chống các trường hợp gian lận về hải quan. Trong tinh thần đó, chúng tôi đề nghị nêu rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong giám sát loại hàng hóa này trong Dự thảo Luật Hải quan, cụ thể: Bổ sung điểm c vào Khoản 2 Điều 47:

c. Cơ quan Hải quan nơi có cửa hàng miễn thuế chịu trách nhiệm giám sát hải quan chặt chẽ đối với hàng hóa nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế.

Trên đây là một số ý kiến xin trao đổi tại Hội thảo với những mong được kiến góp, hoàn thiện Luật Hải quan. Xin trân trọng cảm ơn sự lắng nghe và mong nhận được sự trao đổi, góp ý của quý vị.

                                                            LUẬT SƯ PHẠM THANH KHƯƠNG

                                                            VPLS TRƯƠNG THỊ HÒA


Các văn bản liên quan