Đóng góp ý kiến của bà Đặng Bình An về luật hải quan sửa đổi ngày 16.04.2013

Thứ Tư 16:46 24-04-2013

CÔNG TY TNHH                             CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TƯ VẤN THUẾ C&A                                   Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

        -------------------                                                            ----------------C&A---------------

    Số:             /C&A                                                                        

V/v: Tham gia dự thảo                                         Hà nội, ngày 5 tháng 04 năm 2013

Luật hải quan(sửa đổi)

Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam.

Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A (C&A) nhận được đề nghị từ Quý phòng về việc tham gia ý kiến bản dự thảo Luật Hải quan(sửa đổi), C&A xin có ý kiến tham gia như sau:

Luật Hải quan được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2002 ; trong quá trình thực hiện được sửa đổi, bổ sung năm 2005.

Luật Hải quan đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc và đầy đủ cho việc thực hiện thủ tục hải quan và các quy định về quản lý hải quan; đã nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế về Hải quan ; Luật cũng đã tạo cơ chế áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra hải quan, giảm thời gian thông quan hàng hoá và chi phí cho doanh nghiệp ; Luật Hải quan đã đưa ra cơ chế quản lý hải quan trên cơ sở tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nâng cao vị thế, vai trò của doanh nghiệp.

Tuy nhiên,trong quá trình thực hiện do hoạt động thương mại quốc tế đã có nhiều biến động, những quy định của Luật có một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và chưa phù hợp những cam kết quốc tế mà VN đã tham gia ký kết. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu việc sửa đổi , bổ sung luật hải quan là cần thiết. Nhìn chung bản dự thảo Luật Hải Quan đã cơ bản giải quyết được những vấn đề của thực tiễn và yêu cầu của hội nhập quốc tế.Sau đây là những ý kiến tham gia cụ thể của C&A.

1.Điều 1 : Đề nghị bỏ vì giống lời mở đầu của luật và không có nội dung. Mặt khác tên của điều cũng không phù hợp với nội dung viết tại điều này.

2. Điều 3 : Đề nghị cần cân nhắc kỹ nội dung khoản 2 Điều 3 ; « các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu » nội hàm liên quan này không rõ ràng, không có giới hạn và phụ thuộc vào suy diễn của cơ quan quản lý. Đọc điều này, không rõ những đối tượng nào phải áp dụng Luật hoặc tất cả đều thuộc đối tượng áp dụng.

3.Điều 4 : Khoản 9 điều 4 đề nghị bổ sung cụm từ : Căn cứ nguyên tắc vào trước cụm từ căn cứ vào đặc điểm vì : Việc phân loại hàng hóa XNK trước hết phải căn cứ vào nguyên tắc phân loại được quy định sau đó mới căn cứ vào đặc điểm, cấu tạo..

Khoản 12 đề nghị sửa : Giám sát Hải quan là biện pháp nghiệp vụ của cơ quan Hải quan để quản lý hàng hóa XNK ; Phương tiện vận tải….theo đúng quy định.

Khoản 14 : Đề nghị làm rõ cụm từ « đã cơ bản hoàn thành thủ tục Hải quan để doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước biết và giám sát lẫn nhau. Nên viết lại khoản này như sau cho dễ hiểu : Giải phóng hàng là việc cơ quan Hải quan cho phép người khai Hải quan có quyền định đoạt đối với hàng hóa đang trong quá trình làm thủ tục thông quan với những điều kiện nhất định.

4.Điều 12 : Nhiệm vụ của cơ quan Hải Quan  đề nghị bổ sung vào điều 12 nhiệm vụ của cơ quan Hải quan tuyên truyền, hỗ trợ người khai Hải Quan trong quá trình thực hiện Luật HQ.

5.Điều 20 về đại lý Hải quan : Để đại lý Hải quan có căn cứ pháp luật đẩy mạnh hoạt động đề nghị bổ sung vào điều này Quyền và nghĩa vụ của đại lý hải quan trong việc thay mặt chủ hàng làm việc với cơ quan Hải quan như quyền được trực tiếp giải trình với cơ quan hải quan về nội dung, số liệu đã khai trên tờ khai ; Quyền được dự tham vấn giữa Hải quan và doanh nghiệp ; Quyền được nộp thuế thay cho DN…Hiện nay, đại lý Hải Quan hoạt đông đúng nghĩa rất ít, vì DN mất tiền thuê đại lý nhưng khi có vấn đề phát sinh cơ quan HQ đều yêu cầu DN giải trình, vai trò chức năng của Đại lý chưa được quy định rõ trong Luật nên DN không sử dụng đại lý vì không hiệu quả.

6. Điều 22 Địa điểm làm thủ tục HQ : Đề nghị chuyển khoản 4 về Điều 45 trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng sẽ phù hợp hơn

7.Điều 27 về xác định trước mã, xuất xứ, trị giá : Khoản 3 Điều 27 quy định việc sử dụng văn bản thông báo kết quả xác định trước nhưng chưa quy định thời gian có giá trị của văn bản thông báo (1 năm,5nam..) đặc biệt đối với xác định giá trước. Hiện nay, Luật quản lý thuế có quy định thỏa thuận giá trước, xác định giá trước đối với hàng nhập khẩu, theo chúng tôi được biết việc thỏa thuận giá trước đối với thuế nội địa sẽ có sự khác biệt rất lớn với xác định giá trước với hàng hóa xuất khẩu, để tránh việc hướng dẫn trùng và không thống nhất giữa các luật Bộ Tài chính nên phân định thống nhất để cơ quan thuế hoặc cơ quan HQuan hướng dẫn. Phương pháp thỏa thuận giá giữa cơ quan thuế và Hải Quan là khác nhau ( giá của HQ được xác định cho từng mặt hàng nhập khẩu- cơ quan thuế thỏa thuận giá trên cơ sở tổng thể-lợi nhuận). Nếu Bộ Tài Chính giao Hải Quan hướng dẫn thỏa thuận giá thì hướng dẫn như điều 27 là sơ sài vì không rõ : Những trường hợp nào được yêu cầu xác định giá trước. hồ sơ , quy trình, phương pháp xác định; thời giân áp dụng giá được xác định trước ; Giá nhập khẩu đã được cơ quan HQ chấp thuận, cơ quan thuế có thể sử dụng để tính chi phí khi tính thuế TN doanh nghiệp hay không ?

8.Điều 28 Khai Hải quan

Khoản 5 Điều 28 có nội dung tương tự như điều 34 Luật Quản lý thuế : Khai bổ sung trong trường hợp hồ sơ thuế có sai sót về thuế. Theo chúng tôi, Luật HQ nên hướng dẫn người khai Hải Quan phát hiện sai sót nhưng không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thì nên cho khai không hạn chế thời gian, việc khai đúng ảnh hưởng đến chính sách mặt hàng thì xử lý theo quy định của Pháp luật có liên quan. Phần thuế đã được hướng dẫn ở Luật quản lý thuế.

9. Điều 45 Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng : Chuyển khoản 4 Điều 22 về và đề nghị xem xét cân nhắc : chủ đầu tư hay cơ quan có thẩm quyền phải bố trí chỗ làm việc cho cơ quan HQ. Theo C&A nên sửa lại là chủ đầu tư. Về khoản này đề nghị ghi rõ địa điểm làm thủ tục Hải quan và các khu vực lưu giữ hàng hóa phải được sự thống nhất của cơ quan HQ. Và nên chăng cần bổ sung quy định các doanh nghiệp này phải trang bị điều kiện làm việc tối thiểu để HQ có thể tiến hành làm việc ngay khi khai trương - kết nối thông tin đến HQ, trang bị nơi làm việc, những máy móc , cổng thông tin có tính đặc thù HQ sẽ tự làm.

10.Điều 46 Kiểm tra, giám sát hàng hóa tạm nhập, tái xuất : Đề nghị xem lại điểm b khoản 2 : người khai HQ chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa tạm nhập tái xuất trong quá trình lưu giữ tại Việt Nam. Người khai HQ là Đại lý HQ thì họ không thể gữi nguyên hiện trạng hàng tạm nhập-tái xuất, hàng hóa nhập khẩu là xăng dầu cũng không thể giữ nguyên trạng hàng hóa lúc nhập khẩu ; Cần xem xét sửa lại cho phù hợp.

11.Điều 47. Kiểm tra, giám sát hàng tại cửa hàng miễn thuế : Nếu theo đúng từ ngữ được hiểu quy định tại điều 4 thì hàng hóa nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế sẽ phải để ở cửa hàng miễn thuế đến khi thanh khoản xong hồ sơ. Cần viết lại cho rõ cơ quan HQ giám sát hàng hóa từ đâu đến đâu và trách nhiệm kiểm tra hồ sơ của HQ.

12.Điều 59 Kiểm tra, giám sát HQ đối với hàng nhập khẩu để gia công và sản xuất hàng xuất khẩu : Khoản 1 và 2 của Điều 59 nên gộp vào cho dễ hiểu. Theo chúng tôi nên sửa lại : vật tư, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu hoặc gia công thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát của cơ quan HQ từ ..đến…

Đề nghị Ban soạn thảo nên tách việc kiểm tra giám sát đối với hàng nhập khẩu để gia công riêng và đối với hàng nhập để sản xuất hàng xuất khẩu riêng do Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định việc nộp thuế khác nhau đối với từng loại hình. Đối với nhập để sản xuất hàng xuất khẩu, hết thời gian ân hạn, DN nộp thuế, sau đó nếu sản phẩm sản xuất ra được XK thì DN được hoàn, nếu tiêu thụ trong nước thì không được hoàn như vậy khâu kiểm tra giám sát của HQ sẽ thực hiện đến lúc nào. Viết như dự thảo thì cơ quan HQ không thực hiện được và thực sự là không cần thiết - Phần dự thảo lại phù hợp với hình thức gia công.

13.Kết cấu Mục 5 của Luật chúng tôi nhận thấy chưa hợp lý : Theo chúng tôi nên kết cấu lại theo hướng: Điều kiện DN được nhập vật tư nguyên liệu để gia công (HĐ, Điều kiện cơ sở sản xuất, năng lực có cần phù hợp với Hợp đồng không ?- Dự thảo Điều 61, cơ quan HQ kiểm tra cơ sở và năng lực sản xuất , phải có điều kiện mới kiểm tra được..) Thủ tục nhập như thế nào ?, trong quá trình sản xuất, định kỳ báo cáo gì, nộp cho ai ; Thủ tục thanh khoản như thế nào ? ngày nào phải nộp…) Cơ quan kiểm tra, giám sát thế nào…

13.Điều 62,63,64. Quyền và nghĩa vụ kho bảo thuế.

Đề nghị xem xét lại thủ tục kho bảo thuế và nhập để sản xuất hàng xuất khẩu, kho bảo thuế thủ tục kiểm tra, giám sát HQ phải chặt chẽ hơn nhập để sản xuất hàng xuất khẩu, ở dự thảo chúng tôi thấy ngược lại. Mặt khác, quy định hàng trong kho bảo thuế chỉ được lưu giữ 12 tháng, nếu do quy trình cần kéo dài thì phải xin, quy định này ko hợp lý. Điều kiện để thành lập kho bảo thuế Luật không quy định, đề nghị bổ sung quy định điều kiện thành lập kho bảo thuế và tăng hoạt động kiểm tra, giám sát của HQ ; không nên khống chế thời gian lưu kho bảo thuế. Hướng dẫn xử lý hàng tồn kho bảo thuế khi kho bảo thuế ngừng hoạt động, thủ tục ngừng hoạt động như thế nào cần được quy định trong Luật.

15 Điều 81 Kiểm tra sau thông quan tại DN. Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan quy định ở điều này không rõ trong thẩm quyền của Tổng Cục trưởng và Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan ; Cục Trưởng và chi cục trưởng kiểm tra sau thông quan ; Chúng tôi đề nghị làm rõ.

Chúng tôi cũng đề nghị bổ sung vào điều nay : Trong một năm dương lịch chỉ tiến hành kiểm tra sau thông quan tại DN tối đa là 01 lần trừ trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

16.Điều 82 Quyền và trách nhiệm của cơ quan Hải quan Khoản 1 và 2 của điều này chỉ thể hiện quyền của của cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện được trách nhiệm đối với DN bị kiểm tra. Chúng tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan và trưởng đoàn kiểm tra: Có trách nhiệm giải thích cho đối tượng kiểm tra về kết quả kiểm tra ; Tạo cơ hội cho doanh nghiệp được giải trình và cung cấp các tài liệu liên quan đến các kết luận có ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng kiểm tra.

Trên đây là một số ý kiến của Công ty TNHH tư vấn thuế C&A về bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan, đề nghị quý phòng tổng hợp, tham gia với Bân soạn thảo.

          Xin trân trọng cám ơn.

Nơi gửi :                                                              GIÁM ĐỐC    

-Như trên

-Lưu: VP

Các văn bản liên quan