Để chống tiêu cực trong đấu thầu

Thứ Hai 10:56 22-05-2006
Để chống tiêu cực trong đấu thầu

Quang Chung - Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn số 44 ngày 27/10/2005

Dự luật Đấu thầu sẽ được xem xét và thông qua trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI đang diễn ra. Liệu dự luật này có đáp ứng được sự kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường bình đẳng trong đấu thầu, loại bỏ được hiện tượng tiêu cực diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua?

Làm khó để tư lợi

Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, từng nói: “Tình trạng đấu thầu khép kín diễn ra khá phổ biến hiện nay là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực”. Nhưng để giải quyết thực trạng này không hề đơn giản. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho rằng đây là vấn đề liên quan đến cả cơ chế, bộ máy điều hành của Nhà nước.

Hầu hết các dự án có vốn đầu tư của Nhà nước hiện nay được quản lý đầu tư theo quy trình khép kín. Bộ, ban ngành, địa phương nào cũng có dự án và cũng có doanh nghiệp trực thuộc, doanh nghiệp “thân quen”. Vì thế, việc xảy ra tiêu cực trong đấu thầu để giành dự án cho công ty thân quen là không thể tránh khỏi.

Theo Tiến sĩ Hồ Hoàng Đức, phụ trách pháp chế của Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư PETEC, với cơ chế đầu tư và xây dựng hiện nay, các dự án, công trình của các bộ thường do các ban quản lý dự án quản lý mà các ban quản lý này thường do các công ty trực thuộc bộ hoặc do chính bộ lập nên (ở các ban ngành, địa phương cũng thế). Do đó, từ khâu gọi thầu khảo sát, thiết kế cho đến gọi thầu mua sắm thiết bị, rồi gọi thầu xây lắp… các ban quản lý thường nhắm đến các doanh nghiệp trong ngành, các công ty “ruột”.

Để làm được điều này, người ta có nhiều cách, nhưng phổ biến nhất là tạo ra một “hàng rào kỹ thuật”. Đó là khi xây dựng hồ sơ mời thầu, người ta đưa ra những điều kiện, tiêu chuẩn ngặt nghèo để các doanh nghiệp “ngoài luồng” không có cơ hội tham gia thầu. Nếu vẫn có doanh nghiệp đáp ứng được, thì khi xét chọn thầu, người ta đưa ra phương pháp chấm điểm “không giống ai” để làm nản lòng những doanh nghiệp “ngoài tầm ngắm”.

Điển hình cho hiện tượng này là vụ điện kế điện tử ở Công ty Điện lực TPHCM. Có gần mười đơn vị mua hồ sơ mời thầu điện kế điện tử một pha của Công ty Điện lực, nhưng khi nộp hồ sơ chỉ còn lại ba đơn vị, trong đó có Công ty Linkton. Và vì Linkton là công ty “người nhà” của một vài lãnh đạo của Công ty Điện lực nên doanh nghiệp bên ngoài tham gia thầu bám đến cùng rốt cuộc cũng phải chịu thua.

Theo hồ sơ dự thầu, yêu cầu đầu tiên của Công ty Điện lực là đơn vị dự thầu phải có hàng mẫu trong vòng một tháng. Thế nhưng, hàng mẫu không phải dễ làm, vì Công ty Điện lực đã mua sẵn hộp nhựa buộc phần đế điện kế điện tử của nhà dự thầu phải làm cho khớp với phần đế này. Với điều kiện ngặt ngèo này, nhiều doanh nghiệp dự thầu phải bỏ cuộc, nhưng có một nhà thầu Trung Quốc (cùng với Linkton) vẫn chấp nhận cuộc chơi.

Tuy nhiên, Công ty Điện lực lại yêu cầu nhà thầu Trung Quốc phải cung cấp giấy chứng nhận của người tiêu dùng- đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp dự thầu hoàn hảo, chứng minh tối thiểu 50% số lượng sản phẩm dự thầu có chứng nhận chất lượng của các công ty điện lực và được công ty này sử dụng ít nhất là sáu tháng tính đến thời hạn chót nộp hồ sơ dự thầu… Những điều kiện như vậy đã buộc nhà dự thầu Trung Quốc phải nhường bước cho Linkton.
Chống bằng cách nào?

Hiện tượng “người nhà” trong đấu thầu không chỉ diễn ra dưới hình thức người nhà quan chức thành lập công ty (và quan chức hỗ trợ công ty này để trục lợi), mà công ty “người nhà có thể là công ty nào đó tặng, biếu cổ phần cho người nhà của quan chức; tặng đất, tặng nhà hay “lại quả” cho quan chức… để trục lợi trong các gói thầu.

Theo Tiến sĩ Hồ Hoàng Đức, việc dàn xếp cho các công ty “người nhà” trúng thầu, đấu giá chỉ là một trong nhiều hình thức lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thiết lập quan hệ bên ngoài nhằm mục đích trục lợi, làm thiệt hại vốn đầu tư của Nhà nước. Vì thế, mục tiêu đặt ra cho công tác xây dựng Luật Đấu thầu là làm sao hạn chế được sự lạm dụng này. Muốn vậy, theo ông Đức, các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ đấu thầu phải cụ thể, minh bạch, nhất là các quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan phải được xây dựng hoàn thiện hơn để đảm bảo việc xác định và quy trách nhiệm cá nhân một cách chính xác. Song song đó cũng cần hoàn thiện các biện pháp chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu.

Ông Đức còn đưa ra một số giải pháp: 1. xóa bỏ cơ chế đấu thầu khép kín, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu; 2. thiết lập mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng mang tính chuyên nghiệp (hiện nay nhân sự ban quản lý các dự án thường lấy từ nhiều cơ quan khác nhau, khi xong dự án những người này lại trở về cơ quan cũ; vì tính “mùa vụ” như thế nên rất dễ phát sinh tiêu cực), nhằm nâng cao năng lực hoạt động và trách nhiệm của các tổ chức quản lý thực hiện dự án; tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư xây dựng; 3. chú trọng đến biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật trong hoạt động đấu thầu. Cụ thể là xây dựng đội ngũ làm công tác quản lý có chuyên môn và phẩm chất đạo đức bằng một kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, chế độ lương hợp lý; tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực đấu thầu; xử phạt nghiêm minh và kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật.

Tuy dự luật Đấu thầu có phần cụ thể hơn so với Pháp lệnh đấu thầu trong một số nội dung (như đưa ra các hành vi nghiêm cấm nhằm hạn chế tiêu cực; công khai thông tin về gói thầu, kế hoạch thầu; quy định rõ ràng hơn các trường hợp chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế; trình tự thực hiện thầu rõ ràng hơn…) nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, các quy định này sẽ khó áp dụng vào thực tiễn vì vẫn còn quá chung chung hoặc chưa mạnh dạn.

Chẳng hạn, dự luật Đấu thầu đã có những quy định xóa bỏ cơ chế thực hiện dự án đấu tư xây dựng theo quy trình khép kín; đảm bảo môi trường đấu thầu xây dựng có tính cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh (điều 11). Thế nhưng, dường như lường trước những khó khăn khi điều luật này được áp dụng nên Ban soạn thảo đã đưa vào luật một lộ trình thực hiện là ba năm. Mục d, khoản 1, điều 11, quy định “chủ đầu tư của dự án và nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc dự án phải độc lập về tổ chức, về tài chính và không cùng phụ thuộc vào một cơ quan quản lý”. nhưng khoản 2, điều 11, lại viết “các quy định tại khoản 1 phải được thực hiện chậm nhất là ba năm kể từ khi luật này có hiệu lực”.



Các văn bản liên quan