Đánh thuế thu nhập chứng khoán: Sẽ không có thay đổi?

Thứ Năm 10:04 06-09-2007

Đánh thuế thu nhập chứng khoán: Sẽ không có thay đổi?

(VietNamNet) - Thuế thu nhập cá nhân đánh vào các khoản thu nhập từ chứng khoán có thể sẽ không có nhiều thay đổi so với dự thảo. Thông tin từ các chuyên giá thành viên Ban soạn thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân cho biết, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế vẫn muốn bảo vệ quan điểm về đánh thuế thu nhập chứng khoán.

Theo dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), ngoài các khoản thu nhập của người dân như tiền công tiền lương còn mở rộng thêm nhiều khoản thu nhập khác đưa vào diện chịu thuế. Trong đó, thuế đánh vào thu nhập từ chứng khoán bao gồm 3 loại thu nhập: Thứ nhất, từ cổ tức (tức là lợi nhuận hàng năm) phải nộp thuế theo dự thảo là 5%. Thứ hai, thuế đánh vào thu nhập khi chuyển nhượng chứng khoán như đối với việc chuyển nhượng tài sản và thu thuế các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh chứng khoán không cư trú ở Việt Nam.

Không khó tính thuế?

Trao đổi với báo chí sau khi kết thúc quá trình lấy ý kiến toàn dân về Luật Thuế thu nhập, bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất có việc đưa thu nhập chứng khoán vào diện chịu thuế. 

Tuy nhiên, bước đầu tiếp nhận các ý kiến bà Cúc cho rằng có rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng vấn đề ở đây trước hết cần phải giải thích thêm cho rõ.

Có nhóm ý kiến phản đối việc đánh thuế vào lợi tức cổ phần vì cho rằng đánh thuế vào thu nhập từ lợi tức có thể bị trùng, thuế chồng lên thuế. Tuy nhiên, theo bà Cúc, vấn đề này không phải là trùng mà hai chủ thể nộp thuế khác nhau. Một bên là chủ thể DN phải chịu thuế thu nhập DN, một bên chủ thể cá nhân chịu thuế TNCN.

Một ví dụ được đưa ra để phân tích là, nếu DN đó không vay tiền cổ đông, nhà đầu tư mà vay ngân hàng thì khi chi phí họ vẫn hạch toán chi phí, nộp thuế TNDN và ngân hàng cho vay cũng hạch toán doanh thu, nộp thuế thu nhập. Thay vì ngân hàng cho vay, cá nhân đầu tư vào có lãi thì nộp thuế. Vì vậy, quan điểm của các chuyên gia soạn thảo ở đây  là hai chủ thế khác nhau nên không phải là trùng.

Một số ý kiến khác cho rằng, mức thuế đánh vào thu nhập chuyển nhượng vốn đầu tư chứng khoán 25% là cao và nhất là rất khó xác định cách tính thuế vì có lúc lỗ, lúc lãi. Tuy nhiên, theo giải thích của bà Cúc thì thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được lấy lỗ bù lãi và tính cho thu nhập cả năm nên sẽ không có chuyện nhầm lẫn. Cơ quan thuế sẽ khấu trừ tại nguồn và cuối năm tính lại cho nhà đầu tư.

Riêng về mức thuế 25% quan điểm của các nhà soạn thảo cho là phù hợp nếu so với mức thuế thu nhập DN hiện nay đang là 28% cũng sẽ được giảm xuống 25% trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình đóng góp ý kiến cũng xuất hiện một vấn đề là mức thuế chuyển nhượng chứng khoán đối với người không cư trú  ở Việt Nam là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng; trong khi đó người cư trú nộp thuế 25% trên lãi phát sinh. Như vậy có thể xẩy ra trường hợp người trong nước phải đóng thuế cao hơn. Có ý kiến là cho được chọn giữa hai hình thức để nộp thuế. Về vấn đề này, ban soạn thảo cho rằng có thể nghiên cứu, trình phương án tiếp thu. Tuy nhiên, nếu được lựa chọn 1 trong 2 phương pháp thì nhà đầu tư phải đăng ký từ đầu năm.

Một lo ngại lớn của nhiều người là rất khó xác định đúng và đầy đủ các khoản thu nhập tính thuế. Tuy nhiên, theo bà Cúc vấn đề không quá khó và không đáng lo. Hiện nay, theo quy định, một nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản tại cơ quan lưu ký. Tất cả các hoạt động mua bán sẽ thực hiện qua tài khoản này nên kết quả lãi lỗ trong năm cũng tính toán được. Trong khi đó, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn, cuối năm kê khai quyết toán. Đối với thu nhập từ cổ tức cũng được khấu trừ qua nhà trả cổ tức.

Vẫn còn phải chờ...

Nhìn lại quá trình xây dựng Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thì vấn đề đánh thuế thu nhập chứng khoán luôn có tranh cãi lớn nhưng chưa có nhiều thay đổi và dường như Bộ Tài chính đã thể hiện quan điểm sẽ đánh thuế vào chứng khoán như đề xuất. Theo dự thảo ban đầu có hai loại thu nhập mới là thu nhập từ lãi suất tiết kiệm và thu nhập từ chứng khoán gây ra nhiều ý kiến phản đối nhất. Tuy nhiên, sau nhiều lần chỉnh sửa, thì thuế đánh vào thu nhập chứng khoán vẫn được giữ cho đến bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến toàn dân. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cũng đã từng cho rằng, khi đưa ra đề xuất thu thuế chứng khoán có nhiều ý kiến phản đối do chưa hiểu đúng. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán trong thời gian qua thì đánh thuế vào thị trường này là phù hợp.

Tuy nhiên, theo quy trình tiếp thu ý kiến, sau khi tập hợp đầy đủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cùng các ủy ban trên từng lĩnh vực của mình phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Ban soạn thảo... sẽ bàn bạc và thống nhất nhóm ý kiến nào cần phải tiếp tục giải trình, ý kiến nào sẽ tiếp thu chỉnh sửa. Những thay đổi sẽ được thể hiện trong báo cáo tiếp thu giải trình của cơ quan soạn thảo, gửi lên Thủ tướng Chính phủ, UBTVQH xin ý kiến rồi sẽ chỉnh lại dự luật và đề án triển khai. 

Như vậy, có thể quan điểm của cơ quan soạn thảo muốn giữ nguyên thuế đánh vào chứng khoán nhưng kết quả cuối cùng vẫn còn phải chờ quá trình tiếp nhận, giải trình và tiếp thu ý kiến cũng như khi trình ra Quốc hội của dự thảo Luật này. Vì vậy, các nhà đầu tư vẫn sẽ phải chờ đợi.

Phước Hà - Theo VietNam net ngày 05/9/2007

Các văn bản liên quan