Góp ý về Dự thảo Nghị định về phát triển thương mại miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc
Đánh giá dự thảo nghị định
Miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc là những địa bàn kém phát triển, giao thông khó khăn, thu nhập của người dân thấp, hàng hóa khan hiếm. Do đó, Chính phủ đã sớm có chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển thương mại đối với những khu vực này.
Theo các Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31/03/1998 và Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 03/01/2002 về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc đang có hiệu lực pháp luật, Chính phủ khuyến khích phát triển thương mại bằng các hình thức như: Miễn giảm tiền thuê đất để khuyến khích xây dựng chợ; Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thương nhân; Giảm lãi suất vay ngân hàng đối với thương nhân mua các mặt hàng thiết yếu, mua nông lâm sản tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc để dự trữ, bán lẻ một số mặt hàng thiết yếu được Chính phủ trợ giá, trợ cước để bán cho đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc. Trong đó, có một số mặt hàng được trợ cước (phân bón, dầu hoả thắp sáng, một số xuất bản phẩm) và một số mặt hàng được trợ giá và trợ cước (muối i ốt, giống cây trồng, giống thuỷ sản). Ngoài ra, Chính phủ còn thực hiện chính sách trợ cước vận chuyển theo kết quả thu mua của những thương nhân trực tiếp mua một số sản phẩm hàng hóa thuộc mặt hàng nông, lâm sản và sản phẩm chế biến từ nông, lâm sản của các tổ chức, cá nhân ở các xã đặc biệt khó khăn; Ưu tiên mua hàng nông, lâm sản tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực III và cấp ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại tại các địa bàn trên.
Sau một thời gian thực hiện, sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, phát triển thương mại và thị trường miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc nói riêng đã khiến cho những quy định hiện hành bộc lộ một số điểm không phù hợp. Vì vậy, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tiến hành soạn thảo Nghị định mới về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc (sau đây gọi tắt là “Dự thảo”).
Nội dung Dự thảo có sự thay đổi căn bản so với các quy định trước đây. Theo đó, hai ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, về giảm lãi suất vay vốn được thay thế bằng quy định về hỗ trợ thương nhân theo kết quả nộp thuế giá trị gia tăng của hoạt động kinh doanh ở khu vực II, III của thương nhân. Bên cạnh đó, đối với chính sách trợ giá, Dự thảo quy định một số chính sách mới như: (i) Phân cấp mạnh hơn cho tỉnh để mở rộng quyền chủ động quyết định của cấp tỉnh về địa bàn, đối tượng, mặt hàng, kinh phí thực hiện trợ giá, trợ cước và thống nhất đầu mối giúp tỉnh thực hiện chính sách; (ii) Đối với mặt hàng bán ở miền núi, Dự thảo đã thu hẹp địa bàn hỗ trợ để tập trung cho vùng khó khăn ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc (vùng cao, vùng sâu kém phát triển về kinh tế- xã hội, khó khăn về giao thông, v.v..) thực sự cần phải hỗ trợ để giảm giá một số mặt hàng thiết yếu, nhằm ổn định đời sống của đồng bào và thúc đẩy sản xuất phát triển; Chuyển trợ giá đến trung tâm cụm xã sang thực hiện trợ giá đến tất cả các điểm bán hàng hoá, mua nông sản do Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh quy định, nhằm vừa tăng mức hỗ trợ đối với đồng bào, vừa tạo điều kiện để thương nhân có thể mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hoá ở vùng cao, vùng sâu; (iii) Đối với nông sản sản xuất ở miền núi, Dự thảo quy định chính sách trợ giá mua nông sản.
Mặt khác, xuất phát từ thực tế thực hiện các văn bản trước đây, và tránh trùng lặp, Dự thảo không còn đưa vào các quy định về khuyến khích phát triển chợ, ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi tín dụng với thương nhân, chính sách trợ cước vận chuyển hàng hóa, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại.
Nhìn chung, quy định trong Dự thảo có tính khả thi, ngắn gọn, không trùng lặp với các quy định pháp luật trong các văn bản khác.
Tuy nhiên, một số quy định trong Dự thảo vẫn cần được quy định chi tiết và chặt chẽ hơn.
Thứ nhất, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc hỗ trợ 50% thuế GTGT thực nộp của thương nhân. Thực tế cho thấy, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT để khai khống và kinh doanh hóa đơn chiếm đoạt tiền thuế và gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Bởi vậy, nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ thì quy định trên có thể tạo thành kẽ hở để thương nhân rút tiền nhà nước.
Thứ hai, việc trợ giá đối với một số mặt hàng thiết yếu cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để không khuyến khích việc buôn lậu hàng hóa trợ giá của Việt Nam sang các nước láng giềng, điển hình như thực trạng buôn lậu xăng dầu của Việt Nam bán sang Campuchia.
Thứ ba, việc quy định kinh phí trợ giá do ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách cấp tỉnh có thể dẫn tới sự tùy tiện trong việc chi tiêu khoản kinh phí với mục đích trợ giá hoặc phục vụ các mục đích khác. Do đó, khoản kinh phí này nên được quy định là “kinh phí ủy quyền” và cũng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ.
Thứ tư, việc lựa chọn thương nhân được phép bán hàng trợ giá thông qua hình thức chỉ định thầu có thể dẫn tới sự thông đồng giữa cơ quan có nhà nước có thẩm quyền và thương nhân thắng thầu hoặc tình trạng độc quyền phân phối hàng hóa.
Tóm lại, tuy còn tồn tại một số vấn đề cần lưu ý nhưng quy định tại Dự thảo hoàn toàn có tính khả thi trên thực tế.