Đại diện Ban soạn thảo – Ông Trần Văn Truyền phát biểu

Thứ Sáu 10:28 19-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thấy nội dung dự thảo Luật tố cáo hôm nay được đại biểu Quốc hội phát biểu đóng góp rất nhiều ý kiến, ở nhiều khía cạnh khác nhau, thể hiện sự phong phú, sinh động, sâu sắc. Chúng tôi sẽ cùng các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội xem lại tất cả các điều mà dự thảo đã nêu, đại biểu Quốc hội góp ý trong buổi thảo luận hôm nay.

Tuy nhiên còn vài vấn đề  do ý kiến còn khác nhau, chúng tôi muốn nói lại ý tưởng của Ban soạn cũng như trong thảo luận của Chính phủ về những vấn đề đã nêu ở đây. Có mấy vấn đề đáng quan tâm như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, như đại biểu Hồng và đại biểu Trọng Ngũ nói ở đây chỉ tập trung vào lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt điều chỉnh đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính có vi phạm pháp luật. Khi công dân tố cáo về các lĩnh vực này thì chúng ta đưa vào điều chỉnh để thụ lý, xử lý việc này.

Hiện nay cũng có ý kiến nêu rằng như vậy ta mới nói đến công chức, còn viên chức thì như thế nào, đặc biệt là ngoài phạm vi gọi là quyết định hành chính, hành vi hành chính thì còn cả đạo đức, cả lối sống sinh hoạt nữa như thế nào thì trong quá trình soạn thảo chúng tôi đã bàn, đã có tranh luận rất cụ thể về việc này, nhưng quan điểm chung cho rằng có một số lĩnh vực khác không phải ở phạm vi hành chính này, tức là vi phạm pháp luật trong phạm vi hành chính này thì để điều chỉnh ở những quy định khác, ví dụ như đạo đức, lối sống, sinh hoạt sẽ được điều chỉnh bằng những điều lệ, quy định của các tổ chức quản lý đối với cán bộ, công chức. Riêng ở trong lĩnh vực cụ thể như lao động hoặc tố tụng thì chủ yếu được điều chỉnh bằng luật chuyên ngành. Do đó không đưa tất cả các phạm vi đó vào đây. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai là về chủ thể tố cáo là công dân, tổ chức. Báo cáo với các đại biểu Quốc hội là việc này đã được thảo luận và tranh luận rất kỹ. Như nhiều đại biểu đã nói ta xây dựng luật ở đây trước nhất là phải thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, tổng kết thực tiễn, nhất là khắc phục cho được những bất cập trong việc thi hành luật vừa qua, trên cơ sở kế thừa những quy định còn hợp lý. Chúng tôi cũng thấy rằng chủ thể trước đây tuy có xuất hiện tình hình đối với tổ chức cũng xảy ra trường hợp ký tên đông người, ký tên lấy danh nghĩa là tổ chức nhưng thực ra các trường hợp này cũng không phải là nhiều. Những nội dung tố cáo như vậy phần nhiều các tổ chức thiên về việc phản ảnh và kiến nghị là chính chứ không phải là tố cáo. Nếu đã là tố cáo thì thường được thể hiện dưới quyền và trách nhiệm của cá nhân, cá nhân sẽ thể hiện nội dung này, nhất là công dân, kể cả cán bộ, công chức trong quá trình thực thi pháp luật thể hiện qua hình thức tố cáo. Đối với tổ chức thì như một số đại biểu đã nói là chỉ thông qua dưới hình thức phản ánh hoặc kiến nghị.

Thứ hai, trong việc cá thể hóa trách nhiệm chúng ta chưa có quy định về truy cứu trách nhiệm đối với tổ chức, như đại biểu Vượng có nói nếu một số tổ chức mà vi phạm thì cũng có vi phạm của người đứng đầu và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về mặt xử lý, không đưa cả tổ chức đó ra để xử lý. Do vậy, cho nên trong quy định này nếu như chúng ta chấp nhận tổ chức cùng ký tên nhiều người thì khi đó cá thể hóa trách nhiệm để xử lý là rất khó khăn, chúng ta không thể thực hiện được việc này. Vả lại hiện nay quy định của Đảng cũng nhất quán là chúng ta không đặt vấn đề xem xét đối với tổ chức.

Tương tự như vậy đi đến nội dung thứ ba về hình thức tố cáo như thế nào, trong dự thảo luật của chúng ta cũng chỉ tập trung vào việc thừa nhận tố cáo có danh. Tố cáo có danh ở đây cũng được thể hiện dưới nhiều hình thức, ví dụ như trực tiếp tố cáo, viết đơn tố cáo có ghi rõ họ tên, địa chỉ và phản ánh một cách trách nhiệm, rõ ràng đối với các cơ quan có thẩm quyền. Còn thực tế hiện nay chúng ta cũng biết có một số hình thức trong quản lý Nhà nước chúng ta cũng thừa nhận và đưa vào để chúng ta pháp lý hóa trong quản lý Nhà nước, ví dụ như thông tin qua hộp thư điện tử, thông qua điện thoại hoặc qua fax.

Trong quá trình soạn thảo cơ quan soạn thảo cũng thấy đây là một hình thức thực tế và cũng dễ kiểm tra chứ không phải đến mức chúng ta không kiểm tra được. Bởi vì hiện nay một số thông tin mà họ lợi dụng, họ sử dụng sim rác họ nhắn thường họ không nói địa chỉ và chúng ta không xem được địa chỉ. Nhưng nếu sử dụng bằng hình thức điện thoại nói rõ ai đã tố cáo và nội dung gì và tôi ở đâu tôi tố cáo việc này, chúng ta kiểm tra lại thấy rõ nội dung này thì chúng ta cũng coi như một hình thức tố cáo có danh, có địa chỉ. Do vậy, phần này trong phần viết của dự thảo sẽ làm rõ và chặt chẽ lại việc này. Nhưng nói chung chúng tôi thấy nó cần thiết và bảo đảm được tiện lợi cho công dân, tiện lợi cho người tố cáo có khi phải đi mất thời gian hoặc trong điều kiện nhất định người ta không thể viết được một đơn hoàn chỉnh để người ta tố cáo. Cho nên đây chính là hình thức mở ra để phù hợp với thực tế.

Riêng về thư tố cáo không có danh chúng tôi cũng bàn và thấy việc này rất phức tạp. Bởi lẽ bên cạnh một số người sợ không dám để lộ danh tính của mình vì bị trả thù thì còn có rất nhiều trường hợp lợi dụng để đưa những thông tin rất phức tạp trong những thời điểm phức tạp, thường việc đó là gây rối tổ chức. Hiện nay trong nhiều tổ chức chúng ta cũng đang quá rối rắm về việc này. Tức là cứ có thư nặc danh nói về một việc gì đó mà nói không có chịu trách nhiệm, thậm chí nói nghe rất cụ thể, nhưng thẩm tra, thẩm định lại cũng không có sự việc cụ thể như vậy nhưng người ta cứ đưa ra buộc các cơ quan chức năng phải giải quyết, đã giải quyết như vậy có khi làm lỡ việc giải quyết các vấn đề về cán bộ thường trong các kỳ đại hội. Vừa rồi lấy ý kiến của rất nhiều địa phương thì chúng tôi thấy ý kiến của các địa phương là không đồng tình với việc này. Do vậy, hôm nay cũng báo cáo lại với Quốc hội để biết việc này chúng ta cũng đã rất cân nhắc.

Liên quan đến việc này có ý nói chúng ta sẽ sử dụng các thông tin ở đây để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng tham khảo. Chúng tôi coi đây như là một dạng tin báo, tin báo này có thể chính xác, có thể sử dụng được có thể là không thì chúng ta sẽ áp dụng việc này như một loại tin báo để tham khảo mà không cần phải qui định vào luật này. Bởi vì qui định vào luật này, chúng ta sẽ ghi nhận là chúng ta có thừa nhận cái này là đúng pháp luật không; Thứ hai nữa là phải thụ lý, xử lý như thế nào? Khi chúng ta không thừa nhận thì chúng ta không nên qui định vào luật chỗ này.

Điểm cuối cùng, về bảo vệ người tố cáo. Thực ra trong quá trình thông qua luật thì Ủy ban pháp luật đã trao đổi với chúng tôi, chúng tôi cũng đã có báo cáo, cũng có giải trình việc này. Nói chung tinh thần lần này chúng ta cố gắng sẽ đưa ra được một chương bao gồm nhiều điều để qui định về việc bảo vệ đối với người tố cáo và xem đây như là một hình thức vừa đảm bảo an toàn, vừa khuyến khích đối với những người tố cáo có trách nhiệm tố cáo là có nội dung tốt, tích cực để phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, cũng như công tác quản lý Nhà nước.

Chúng tôi cho rằng ở đây vì là luật cho nên chúng ta chỉ đưa ra một là phạm vi để mà bảo vệ, ví dụ như bảo vệ về bí mật, bảo vệ về nhân phẩm, về công ăn việc làm, hay về các quyền lợi hợp pháp chính đáng, không bị đe dọa, không bị ảnh hưởng thì xác định rõ các phạm vi bảo vệ đó.

Thứ hai nữa là xác định nguyên tắc bảo vệ, tức là ai bảo vệ thì có thể khẳng định ở trong này đó chính là tất cả các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ cái này vì đây là qui định pháp luật, cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm thi hành các qui định này, đặc biệt ở đây muốn nhấn mạnh vai trò cơ quan chính quyền ở tại cơ sở, tại nơi người mà công dân tố cáo có trách nhiệm chủ yếu. Còn trong những trường hợp khẩn cấp, những trường hợp đặc biệt thì mới đến lực lượng công an hoặc các cơ quan chức năng khác thực hiện quyền, trách nhiệm bảo vệ của mình.

Quy định như vậy chúng tôi thấy để đảm bảo việc thực hiện tốt có nêu một ý là Chính phủ sẽ quy định cụ thể về bảo vệ ai, bảo vệ cái gì, bảo vệ như thế nào, ai chịu trách nhiệm, bảo vệ trong những trường hợp nào thì việc này sẽ quy định cụ thể. Bởi vì để Chính phủ quy định cụ thể sẽ phù hợp với những diễn biến trong các thời điểm cụ thể, các lĩnh vực cụ thể, nếu chúng ta đưa vào luật thì chúng ta không thể quy định hết các chi tiết về việc bảo vệ này như thế nào.

Ở đây cũng đề phòng trường hợp người tố cáo nhiều khi họ nghĩ bị ám ảnh gì đó đe dọa, người ta chưa có dấu hiệu hoặc biểu hiện gì của việc bị trả thù, bị trù dập hoặc bị nguy hiểm đến tính mạng của mình thì người ta đã báo ngay. Nếu chúng ta đặt ra là chỉ cần có đơn tố cáo là phải bảo vệ, chúng ta đặt ra vấn đề như thế thì không làm được. Trong những trường hợp người ta báo nhưng không có cơ sở gì để chúng ta có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ thì chúng ta cũng khó có thể làm được việc này. Bởi vì như đại biểu biết là một năm chúng ta có đến vào chục ngàn trường hợp này. Do vậy nếu đưa ra những biện pháp như vậy thật cụ thể và thật rõ ràng thì đương nhiên nó có mặt thuận cho việc thực hiện nhưng trong đó tính khả thi để thực hiện vẫn rất khó khăn. Cho nên, phần này chúng tôi cũng báo cáo lại với các đại biểu Quốc hội để chúng ta có thể nghiên cứu và cân nhắc thêm. Xung quanh tất cả những vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận để nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội để có sự tiếp thu cụ thể.

Các văn bản liên quan