Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thành phố Hồ Chí Minh góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 15:28 26-11-2014

Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có mấy ý kiến như sau:

Thứ nhất, Điều 4, lúc nãy ra giải lao cũng có tranh luận của một số đại biểu là chúng ta cần xác định rằng hoạt động công chứng vốn dĩ trước đây nó là dịch vụ công, bây giờ đang chuyển sang nửa công, nửa tư nhưng bản chất của nó vẫn là dịch vụ công. Những công chứng viên hiện nay tư nhân đang làm được ủy quyền để thực hiện dịch vụ công hay là trong tương lai chúng ta từng bước sẽ tiến tới hoạt động công chứng là một dịch vụ tư như luật sư, một số dịch vụ khác.

Ở nhiều nước, đặc biệt bên Pháp, Canada, ở nhiều quốc gia châu Âu ta có gọi là chưởng khế, tức là những người làm hoạt động công chứng giống như luật sư nhưng chuyên về công chứng và cũng kết nạp vào đoàn và cũng có tổ chức xã hội nghề nghiệp. Chỗ này chúng ta phải xác định cho rõ hướng đi này để quy định trong luật này. Nếu như trong tương lai chúng ta tiến tới một đoàn công chứng theo kiểu đoàn luật sư thì việc quy định không vì mục đích lợi nhuận là không cần thiết. Tôi ủng hộ hướng là chúng ta không nên quy định không vì mục đích lợi nhuận, vì trong tương lai tôi nghĩ sẽ tiến tới chúng ta có đoàn công chứng như hoạt động chưởng khế trước đây. Thứ hai, nhà nước đã khống chế mức trần thù lao. Thứ ba, lợi nhuận hợp pháp là tốt và nhờ có lợi nhuận mà người ta đóng thuế lợi tức và người ta mở rộng hoạt động, người ta thuê, mướn nhiều nguồn nhân lực tốt cho xã hội, ngân sách có nguồn thu. Nếu  như hoạt động này sinh lợi  như vậy, chúng ta đã khống chế mức trần thù lao rồi thì tại sao chúng ta lại xóa bỏ điều này, tôi thấy nó không hợp lý.

Điều 5, chỗ này tôi cho có một ý nghĩa về mặt lý luận hết sức quan trọng cần được xác định, ở đây quy định: văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu, hợp đồng giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên có liên quan v.v... trong số các văn bản được công chứng có hai loại: Một loại luật định như các văn bản hiện nay là các văn bản bất động sản môt số ít nói rằng văn bản này phải có công chứng thì mới có hiệu lực và hợp đồng ấy, giao dịch ấy có hiệu lực kể từ ngày được công chứng. Những loại còn lại là những giao dịch dân sự hợp pháp giữa các cá nhân hoặc giữa các công ty v.v... không cần phải đợi đến công chứng mới hợp pháp, hai công ty ký với nhau thì đâu có cần gì phải đợi đến công chứng mới hợp pháp. Hay hai cá nhân A và B, thậm chí người ta nói miệng với nhau, bởi vì hợp đồng theo Bộ Luật dân sự người ta được thỏa thuận bằng miệng, hợp đồng miệng và nếu như có đủ chứng cứ là anh A ngày hôm đó mượn của anh B 1 triệu đồng, hứa ngày đó sẽ trả, cuối cùng anh ấy không trả, tôi kiện ra tòa và có đủ nhân chứng, chứng tỏ tất cả những điều này có sự thật. Tất cả những giao dịch này vẫn có hiệu lực và tòa án vẫn xử được, không cần phải có công chứng gì, vì hợp đồng miệng làm sao có công chứng.

Ngay trong thương mại hiện nay chúng ta vẫn chấp nhận hợp đồng miệng, thậm chí chấp nhận hợp đồng bằng hành vi thực tế mà không cần có văn bản gì hết. Chúng ta phải phân biệt không khéo dẫn đến chỗ một bên nếu theo Hiến pháp và pháp luật về dân sự, những hành vi dân sự bình thường hợp pháp, tự nguyện, không trái pháp luật, có hiệu lực ngay từ thời điểm giao kết thì câu chúng ta quy định ở Điều 5 này sẽ dẫn đến chỗ sau này tranh chấp thì lại là mâu thuẫn.

Như vậy, tại sao vẫn công chứng? Tôi công chứng là vì tôi muốn sau này có tranh chấp thì có chứng, có những người người ta không cần như vậy. Bây giờ giữa anh em ruột với nhau, có khi không cần phải công chứng gì cả hay hai công ty có hai giám đốc ký có hai con dấu có hiệu lực từ thời điểm ký kết.

Một điểm nữa hiện nay có những hợp đồng ký là xuyên quốc gia, xuyên biên giới, thậm chí người ta ký qua chữ ký điện tử thì các bên giao ước với nhau có những hợp đồng hàng trăm triệu đô la giao ước với nhau là có hiệu lực kể từ thời điểm này theo quy tắc của hợp đồng quốc tế và chuyện công chứng phải in ra tờ giấy rồi đem đóng con dấu vào mới có hiệu lực. Nếu chúng ta quy định không khéo thì chúng ta lại xâm phạm quyền bình thường hợp pháp, giao dịch bình thường hợp pháp, quyền dân sự của các cá nhân và các tổ chức. Điều 5 này tôi cho là phải quy định lại, nếu như luật định phải có công chứng mới hiệu lực thì văn bản đó có hiệu lực từ lúc có công chứng. Nếu luật không định thì có công chứng theo Bộ Luật dân sự. Ngày công chứng chỉ có tác dụng, có ý nghĩa có chứng cứ thôi.

Thứ ba, Điều 61 về phiên dịch, các công chứng viên rất băn khoăn, vì khi phiên dịch có nhiều ngôn ngữ người ta không biết chỉ dựa vào cam kết của cộng tác viên, nhưng lại phải chịu trách nhiệm tính chính xác của bản dịch. Tôi xin báo cáo có băn khoăn như vậy thì xử lý thế nào vì sẽ dẫn đến có thể các công chứng viên từ chối công chứng, vì họ sợ trách nhiệm ở điều này. Chịu trách nhiệm chứng nhận không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, có nhiều văn bản, nhiều giao kết ở nước ngoài với nhau dịch sang tiếng việt công chứng viên không thể biết nội dung này có vi phạm pháp luật của nước sở tại hay không? Thỏa thuận đó đối chiếu với luật Việt Nam cũng không thể nói có vi phạm pháp luật hay không. Do đó, trách nhiệm sẽ rất nặng, khi nặng như vậy dẫn đến họ có thể từ chối công chứng và gây ra ách tắc trong giao dịch.

Cuối cùng tôi xin góp ý Điều 7:  "các hành vi nghiêm cấm, có chỗ xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng thực hiện giao dịch giả tạo hành vi gian dối khác". Tôi thêm ý là: Xúi giục hoặc cố ý tạo điều kiện", vì nhiều khi tôi công chứng chưa có cái gì biểu hiện gian dối, tất cả mọi thứ điều bình thường, sau này mới phát hiện có giả tạo và có hành vi gian dối. Tôi dùng chữ "tạo điều kiện" tôi có thể bị quy kết trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự. Tôi đề nghị thêm chữ "cố ý tạo điều kiện". Xin cảm ơn, tôi xin hết. 

Các văn bản liên quan