Đại biểu Trần Xuân Hòa tỉnh Quảng Ninh góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 15:23 01-12-2014

Trần Xuân Hoà - Quảng Ninh

Kính thưa Quốc hội, qua nghiên cứu các tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp lần này về dự án Luật phá sản, tôi có một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, Điều 2 đối tượng áp dụng, trong khoản này quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã, gọi chung là hợp tác xã, giữ nguyên như Luật phá sản hiện hành. Nhưng tại Chương VIII lại quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, đề nghị hoặc là bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức tín dụng hoặc bỏ Chương VIII và để lại cho Luật các tổ chức tín dụng điều chỉnh về việc phá sản tổ chức tín dụng.

Thứ hai, về Điều 3 áp dụng Luật phá sản, Khoản 2 quy định trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật phá sản và quy định của luật khác về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật phá sản, đề nghị xem xét quy định tại Khoản 2 chặt chẽ và rõ hơn như sau. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật phá sản và quy định của luật khác về cùng một vấn đề, nếu vấn đề đó thuộc diện điều chỉnh của Luật phá sản thì áp dụng quy định của Luật phá sản.

Thứ ba, Điều 4 giải thích từ ngữ, hiện tại trong điều này tại Khoản 1 chỉ mới đề cập đến tình trạng doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán và trong Điều 42 tại Khoản 2, 3 quy định về việc Tòa án nhân dân xem xét mở thủ tục phá sản trong các trường hợp có chứng cứ về việc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Vì rằng trong thực tế do nhiều nguyên nhân, kể cả do việc chiếm dụng vốn lẫn nhau thì đa phần các doanh nghiệp, hợp tác xã hiện nay đều mất khả năng thanh toán với nghĩa nếu chỉ căn cứ vào tình trạng.

Một, không thanh toán được nợ đến hạn như quy định tại Khoản 1, Điều 4.

Hai, không thanh toán khoản nợ đến hạn như quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 42.

Ba, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ thanh toán các khoản nợ đến hạn như quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 42.

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ mất khả năng thanh toán tạm thời hoặc việc trì hoãn trả nợ đến hạn trong nhiều trường hợp không phải vì lý do mất khả năng thanh toán. Do vậy, nếu chỉ dừng lại ở các quy định nêu trên để cho phép nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và xem xét mở thủ tục phá sản thì sẽ gây nhiều khó khăn, phiền toái cho cả doanh nghiệp, hợp tác xã lẫn tòa án nhân dân, kể cả không tránh khỏi việc lợi dụng quy định thiếu chặt chẽ này để gây khó khăn, thậm chí gây hại cho doanh nghiệp hợp tác xã. Đề nghị quy định chỉ được phép nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và xem xét mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán ở mức độ lâm vào tình trạng phá sản. Trên tinh thần đó, đề nghị.

a. Bổ sung, sửa đổi Khoản 1 điều này như sau: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán lâm vào tình trạng phá sản là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được nợ đến hạn, theo yêu cầu của các chủ nợ do bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán và không có khả năng khắc phục được. Quy định như vậy vừa chặt chẽ, rõ nguyên nhân, vừa để phân biệt với tình trạng mất khả năng thanh toán, không trả được nợ do các nguyên nhân khác không thuộc tình trạng phá sản như cố ý không trả nợ, khó khăn tài chính tạm thời, lạm dụng vay nợ rồi nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản để chiếm đoạt tài sản của chủ nợ v.v...

b. Giao Chính phủ cụ thể hóa các tiêu chí về không trả được nợ đến hạn theo yêu cầu của các chủ nợ vì mất khả năng thanh toán do bị thua lỗ triền miên, kéo dài hoặc lỗ nặng và không có khả năng khắc phục được tình trạng phá sản nêu trên, phù hợp với từng loại doanh nghiệp, hợp tác xã trong từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và trong từng thời kỳ. Các tiêu chí này đồng thời cũng là những căn cứ để quy định các vấn đề khác có liên quan.

c. Căn cứ vào đề nghị ở Điểm a trên đây, nếu được chấp nhận thì bổ sung, sửa đổi Điều 42 và các điều khác có liên quan cho phù hợp như Điều 5, Điều 6, Điều 19, Điều 22, Điều 27, Điều 64, Điều 65, v.v... Ví dụ Khoản 2, Điều 4 nên bổ sung, sửa đổi là "Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, lâm vào tình trạng phá sản và bị tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản".

Thứ tư, Điều 22 chi phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản. Đề nghị bổ sung quy định về việc xử lý trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nộp không đủ lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản theo mức quy định.

Thứ năm, Điều 42 quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Đề nghị sửa đổi, bổ sung câu đầu của Khoản 5 điều này như sau: "Tòa án nhân dân ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chưa lâm vào tình trạng phá sản hoặc không đáp ứng đầy đủ các yêc cầu về mở thủ tục phá sản theo quy định".

Thứ sáu, trong thực tế thời gian qua có trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tiền, không còn tài sản nào để nộp lệ phí tòa án và chi phí phá sản. Đề nghị bổ sung các quy định có liên quan để xử lý, giải quyết các trường hợp nêu trên.

Xin cảm ơn Quốc hội.

            

Các văn bản liên quan