Đại biểu Trần Xuân Hòa tỉnh Quảng Ninh góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa TP Hồ Chí Minh góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Phùng Đức Tiến tỉnh Hà Nam góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Phùng Đức Tiến - Hà Nam
Kính thưa Quốc hội,
Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật phá sản trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, tôi xin có một số ý kiến góp ý với nội dung dự thảo như sau:
Một, về các tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Việc làm rõ tiêu chí xác định doanh nghiêp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có ý nghĩa quan trọng. Nó là căn cứ để xem xét, xác định doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản hay chưa và có bị áp dụng thủ tục phá sản theo Luật phá sản hay không. Khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) quy định "Mất khả năng thanh toán là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán được khoản nợ đến hạn". Khoản 2, Điều 42 dự thảo quy định "Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản khi có một trong các căn cứ sau đây:
a. Doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn.
b. Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ khả năng thanh toán nợ đến hạn."
Theo tôi, quy định như trong dự thảo còn khá chung chung định tính, đồng thời chưa xác định khi đánh đồng tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán được nợ đến hạn với tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã bị mất khả năng thanh toán. Về lý thuyết cũng như thực tiễn tình trạng không thanh toán được nợ đến hạn và tình trạng mất khả năng thanh toán của một doanh nghiệp là khác nhau, không thanh toán được nợ đến hạn, có thể do nhiều nguyên nhân như bị mất cân đối dòng tiền trong ngắn hạn nên mất khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn trong khi nợ phải thu còn nhiều. Hoặc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay còn rất nhiều tài sản như nhà, đất nhưng không bán được, nên không có tiền để thanh toán công nợ, trong trường hợp này doanh nghiệp, hợp tác xã không thể coi là mất khả năng thanh toán, chỉ bị coi là mất khả năng thanh toán khi bán toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo giá thị trường hoặc thu hồi toàn bộ công nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng vẫn không trả được các khoản nợ đến hạn, chỉ trong trường hợp này doanh nghiệp, hợp tác xã mới bị coi là lâm vào tình trạng phá sản.
Thực tế hiện nay tình trạng mất cân đối dòng tiền, nợ lẫn nhau đang khá phổ biến trong các doanh nghiệp. Nếu áp dụng tiêu chí mất khả năng thanh toán như quy định trong dự thảo thì có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, khi đó hệ lụy đối với nền kinh tế sẽ vô cùng lớn. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong dự thảo Luật phá sản một cách chặt chẽ, cụ thể, chính xác hơn để đảm bảo áp dụng lâu dài. Nếu vì yêu cầu xử lý nợ xấu của nền kinh tế hiện nay thì chúng ta có thể sử dụng rất nhiều công cụ khác, không nên dùng Luật phá sản để giải quyết nhiệm vụ mang tính tình thế.
Hai, về người có quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, về quyền nộp đơn yêu cầu của chủ nợ, Khoản 1, Điều 5 của dự thảo quy định: "Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn", quy định về điều kiện để chủ nợ nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản như trong dự thảo còn khá lỏng lẻo và chưa hợp lý. Với quy định này bất kỳ chủ nợ không bảo đảm và có bảo đảm một phần nào không kể giá trị khoản nợ lớn, nhỏ thế nào đều có quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, chỉ cần sau 3 tháng kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn.
Hơn nữa thủ tục phá sản chỉ nên được xem xét là giải pháp cuối cùng để đòi nợ khi không thể áp dụng các phương thức đòi nợ khác, khi doanh nghiệp không thanh toán được nợ đến hạn thì chủ nợ doanh nghiệp trước hết cần chủ động thương lượng, thỏa thuận với nhau để giải quyết, nếu doanh nghiệp cố tình chây ỳ không trả nợ thì chủ nợ có thể khởi kiện ra tòa để đòi nợ. Chỉ khi nào các biện pháp trên không thực hiện được hoặc không đạt kết quả thì chủ nợ mới nôp đơn yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Do vậy, theo tôi luật cần bổ sung các điều kiện đối với các chủ nợ khi nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó có điều kiện các bên đã áp dụng các hình thức đòi nợ khác nhưng không đạt kết quả.
Ba, về quyền nộp đơn của người lao động, Khoản 2, Điều 5 dự thảo quy định người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp ở những nơi chưa hình thành công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày người lao động, đại diện công đoàn có yêu cầu mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả lương các khoản nợ đến hạn đối với người lao động, quy định này nhằm tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi của người lao động, song thực tế thi hành Luật Phá sản cho thấy quy định này ít khả thi. Mặt khác, với diễn biến tình hình kinh tế xã hội thời gian gần đây đòi hỏi quy định này phải xem xét lại. Hiện nay do khủng hoảng kinh tế nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thua lỗ nhưng vẫn kiên trì bám trụ sản xuất, nên việc chậm lương, nợ lương công nhân là điều khó tránh khỏi, nhưng không người lao động nào lại muốn công ty mình phá sản.
Khi doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự thì người lao động sẵn sàng thông cảm, chia sẻ và chấp nhận việc chậm lương, nợ lương, hầu như hiếm khi vì chuyện lương bổng mà người lao động nộp đơn yêu cầu phá sản doanh nghiệp. Mặt khác khi doanh nghiệp nợ lương thì pháp luật còn có nhiều cơ chế và chế tài để bảo đảm quyền cho người lao động, nếu quy định về quyền nộp đơn của người lao động như dự thảo thì rất có thể lại tạo cơ hội cho những kẻ xấu, lợi dụng kích động một bộ phận người lao động quá khích để phá hoại. Những gì xảy ra ở một số địa phương thời gian gần đây biểu tình chống Trung Quốc vừa qua là một bài học, do vậy theo tôi dự thảo nên quy định theo hướng chặt chẽ hơn quyền nộp đơn của người lao động, cụ thể là người lao động không được nộp đơn trực tiếp, mà phải thông qua tổ chức công đoàn.
Về quy định quản tài viên, đây là một chế tài mới, nhưng theo tôi về tiêu chí, quy trình đào tạo chưa chặt chẽ nhưng quyền hạn lại rất lớn. Tôi đề nghị phải xem xét lại hoặc có thể song hành thể chế cũ và thể chế mới để có thể lựa chọn hoặc những nơi nào không có quản tài viên, không có cơ quan quản lý tài sản thì có thể lựa chọn cách làm cũ, tôi thấy bước đi ban đầu như vậy phù hợp với thực tiễn hơn. Trên đây là một số ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.