Đại Biểu Lê Thị Công tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Đặng Đình Luyến tỉnh Khánh Hòa góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Trần Thị Quốc Khánh TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Trần Thị Quốc Khánh - TP Hà Nội
Kính thưa chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội.
Tôi tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đối với dự thảo Luật bảo vệ môi trường. Trên cơ sở ý kiến kiến nghị của cử tri tôi tiếp tục phản ánh, đề xuất kiến nghị với Quốc hội một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, đề nghị bổ sung ngày bảo vệ môi trường Việt Nam. Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta là người mẫu mực về yêu thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên, chăm lo bảo vệ môi trường. Từ khi còn hoạt động cách mạng dù rất bạn rộn, Người vẫn luôn chú trọng tới việc xây dựng môi trường để bảo đảm điều kiện sống và công tác bí mật. Trong kháng chiến do điều kiện cơ quan thường xuyên phải di chuyển Người căn dặn cán bộ phải chọn những nơi trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui. Sau này về Thủ đô, Bác thường dành tình cảm yêu thương, trân trọng đến những người công nhân quét rác, bảo vệ môi trường. Trong bài "Tết trồng cây" đăng trên báo Nhân Dân ngày 28 tháng 11 năm 1959, Bác đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng sắp tới gần. Bác chỉ rõ tác dụng của việc trồng cây là tốn kém ít mà ích lợi nhiều. Trong hai mươi năm nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Bác đã chọn ngày 11 tháng 01 năm 1960 là ngày Bác trồng cây đa tại công viên Thống Nhất mở đầu Tết trồng cây hàng năm. Từ đó đến nay dù đã 54 năm trôi qua, cứ đến ngày này lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đều tổ chức trọng thể phát động Tết trồng cây trong cả nước và từng địa phương cơ sở. Vì vậy tôi đề nghị bổ sung vào luật một điều mới, Ngày bảo vệ môi trường Việt Nam là ngày 11 tháng 1 hàng năm đặt sau Điều 6 và trước Điều 7 dự thảo luật hiện hành. Nếu luật bổ sung quy định điều này thì sẽ có 6 ý nghĩa to lớn như sau:
Một, luật hóa một phong tục đẹp đã được các tầng lớp nhân dân thực hiện trong 54 năm qua. Kinh phí của Trung ương, địa phương đều có nội dung chi này. Như vậy việc quy định trong luật sẽ không bị tốn kém hơn cho chi phí ngân sách.
Hai, tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là lĩnh vực này còn mới và chưa được tổng kết thành lý luận.
Ba, góp phần giáo dục, khuyến khích mọi người, mọi nhà tích cực tham gia trồng cây, xanh hóa môi trường sống, thực hiện bảo vệ môi trường gắn với chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã đề ra.
Bốn, ngày 11 tháng 1 hàng năm cũng là ngày đầu năm mới, cả nước chúng ta trong không khí mừng Đảng, mừng xuân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải quan tâm, nâng cao nhận thức giữ gìn cảnh quan tươi đẹp, bảo vệ môi trường cũng là điều rất cần thiết.
Năm, khẳng định với quốc tế là người Việt Nam từ lâu đã quan tâm chăm lo, bảo vệ môi trường, không phải chỉ chờ ngày môi trường thế giới do Đại hội đồng Liên hợp quốc sáng lập, tức là ngày mùng 5 tháng 6 năm 1972, đánh dấu ngày khai mạc Hội nghị Stockholm về môi trường con người, tức là 12 năm sau ngày Bác Hồ phát động trồng cây.
Sáu, tạo tiền lệ tốt đẹp có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, giúp Chính phủ chỉ đạo tổ chức tốt ngày bảo vệ môi trường gắn với ngày Tết trồng cây hàng năm, một công đôi việc vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cần thiết.
Vấn đề thứ hai, về quan tâm lợi ích cộng đồng bảo đảm quyền trẻ em thúc đẩy giới và phát triển. Tôi rất hoan nghênh Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu nhiều ý kiến chuyên gia, bổ sung vào Khoản 2, Điều 4: nguyên tắc bảo vệ môi trường là bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển nhằm nội luật hóa các cam kết của Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc và 8 mục tiêu thiên niên kỷ. Đây là những việc làm tốt cần được tiếp tục phát huy lồng ghép trong các dự án luật, các văn bản quy phạm pháp luật thời gian tới. Tuy nhiên tôi cũng như ý kiến của đại biểu Bắc Việt đối với Khoản 2, Điều này tôi cũng tiếp tục đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định phải đặc biệt quan tâm đến lợi ích cộng đồng. Như vậy nội dung sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 4 sẽ là bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến lợi ích cộng đồng, bảo vệ quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển. Tôi xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.