Đại biểu Trần Thị Hiền tỉnh Hà Nam góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH

Thứ Tư 14:53 26-11-2014

Trần Thị Hiền - Hà Nam       

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, tôi xin đóng góp một số ý kiến vào nôi dung dự thảo như sau:

Một, về tính thống nhất của dự thảo luật, tôi thấy vẫn còn những quy định mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật công chứng với các luật khác, đặc biệt là Bộ Luật dân sự và Luật đất đai, đơn cử như tại Khoản 1, Điều 5 dự thảo quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng: "Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký, đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng". Nhưng tại Điều 692 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất như sau: "Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai", Điều 466, Bộ Luật dân sự năm 2005 cũng quy định: "Hợp đồng tặng, cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng, cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký". Vì vậy, tôi đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo luật với các luật khác trước khi luật được Quốc hội thông qua để tránh mâu thuẫn chồng chéo.

Hai, về nguyên tắc hành nghề công chứng, tôi đề nghị bỏ quy định tại Khoản 3, Điều 4 quy định nguyên tắc hành nghề công chứng không vì mục đích lợi nhuận. Theo tôi nguyên tắc này nếu có áp dụng thì chỉ phù hợp với các phòng công chứng, còn đối với các văn phòng công chứng thực tế là không phù hợp, vì phần lớn các công chứng viên thành lập văn phòng công chứng đều hướng tới mục đích lợi nhuận. Việc các công chứng viên bỏ tiền đầu tư để thành lập văn phòng công chứng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận sẽ không thu hút được công chứng viên thành lập các văn phòng công chứng. Bên cạnh đó các văn phòng công chứng hoạt động còn cần phải có bỏ ra một phần kinh phí để duy trì hoạt động của văn phòng, phải có lợi nhuận để bù cho những lúc không có lợi nhuận để duy trì và phát triển hoạt động của văn phòng.

Ba, việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức  hành nghề công chứng, công chứng viên, trước khi xem xét việc mở rộng phạm vi  hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên chúng ta cần hiểu rõ bản chất pháp lý của hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực. Công chứng là việc xác nhận tính xác thực hợp pháp của các hợp đồng giao dịch dân sự, còn chứng thực là việc xác nhận bản sao một văn bản là đúng với bản chính  hoặc xác nhận chữ ký trong văn bản là đúng chữ ký của một người nào đó. Với bản chất như vậy, công chứng có ý nghĩa đảm bảo sự an toàn pháp lý của các hợp đồng giao dịch, còn chứng thực chỉ có ý nghĩa là xác nhận sự tin cậy của các bản sao hoặc chữ ký trên văn bản. Do vậy, hoạt động công chứng phải được các công chứng viên, nghĩa là những người có chuyên môn am hiểu pháp luật thực hiện, còn hoạt động chứng thực có thể do công chức, viên chức của các cơ quan hành chính tư pháp thực hiện.

Quy định về công chứng, chứng thực như trong Luật công chứng năm 2006 và Nghị định 79 năm 2007, Nghị định của Chính phủ là phù hợp, phản ánh đúng bản chất và ý nghĩa pháp lý của công chứng và chứng thực.

Trong khi đó dự thảo Luật công chứng (sửa đổi), tại Khoản 1, Điều 2 đã mở rộng đối tượng công chứng sang cả bản dịch và Điểm c, Khoản 1, Điều 17 quy định công chứng viên được quyền chứng thực cả bản sao các giấy tờ, văn bản chứng thực chữ ký cá nhân trong các giấy tờ, văn bản liên quan đến nội dung công chứng. Theo tôi, quy định như vậy là đánh đồng hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực. Do vậy, tôi đề nghị nên giữ nguyên quy định cũ, không nên mở rộng đối tượng công chứng và không cho thêm thẩm quyền chứng thực cho công chứng viên.

Bốn, về vấn đề công chứng bản dịch giấy tờ như đã phân tích ở trên, việc xác nhận bản dịch giấy tờ đúng với bản gốc, thực chất là hoạt động chứng thực. Do vậy, không cần phải do công chứng viên thực hiện theo quy định hiện nay, việc chứng thực bản dịch vẫn do cơ quan hành chính thực hiện. Hơn nữa, Luật công chứng không quy định công chứng viên có trình độ ngoại ngữ để công chứng bản dịch công chứng viên cũng phải chờ đến các phiên dịch viên chuyên nghiệp dịch thuật giấy tờ cần công chứng, giống như cách mà các cơ quan chứng thực đang làm hiện nay. Trong trường hợp này công chứng viên cũng giống như người chứng thực, chỉ chứng thực được chữ ký của người dịch thuật trên bản dịch, chứ không thể chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch. Vì họ không có đủ chuyên môn để làm việc đó. Do vậy, không thể khẳng định chất lượng của công chứng là tốt hơn chứng thực.

Một vấn đề nữa, nếu luật quy định công chứng viên có thẩm quyền công chứng bản dịch giấy tờ thì các cơ quan chứng thực hiện nay có tiếp tục được chứng thực các bản dịch giấy tờ nữa hay không. Nếu không thì làm sao để đáp ứng nhu cầu chứng thực những bản dịch giấy tờ của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn mà chưa có Văn phòng công chứng. Còn nếu vẫn cho phép các cơ quan chứng thực được chứng thực bản dịch giấy tờ thì đúng như nhiều ý kiến lo ngại chuyện là sẽ tạo ra 2 mặt bằng giá trị pháp lý giữa bản dịch công chứng và bản dịch chứng thực của cùng một loại đối tượng. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm về vấn đề này để có quy định hợp lý.

Năm về thẩm quyền bổ nhiệm công chứng viên, Điều 12, theo quy định tại Điều 12 dự thảo thẩm quyền bổ nhiệm công chứng viên là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tôi cho rằng quy định này chưa phù hợp. Để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của nhà nước, nâng cao trách nhiệm các cơ quan tư pháp địa phương gắn với thẩm quyền và trách nhiệm thì phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận công chứng viên giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, trường hợp công chứng viên chuyển hoạt động từ tỉnh này, sang tỉnh khác thì chỉ cần làm các thủ tục chuyển hoạt động qua các Sở Tư pháp, nơi đi và nơi đến. Trên đây là một số ý kiến của tôi. Xin trân trọng cám ơn Quốc hội.

                                                                             

Các văn bản liên quan