Đại biểu Nguyễn Thanh Hải tỉnh Hòa Bình góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH

Thứ Tư 14:56 26-11-2014

Nguyễn Thanh Hải - Hòa Bình

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu dự thảo luật cũng như các tài liệu liên quan và nghe phát biểu của các đại biểu đã phát biểu trước tôi, để tránh trùng lặp, tôi xin phép được phát biểu một số ý kiến như sau:

Thứ nhất là về chủ trương xã hội hóa trong hoạt động công chứng. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được trong việc thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, Nhà nước tiếp tục cho phép xã hội hóa hoạt động công chứng. Ngày 29 tháng 11 năm 2006 Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng gồm 8 chương, 67 điều quy định về công chứng. Xác lập cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thực hiện việc xã hội hóa hoạt động công chứng, tạo điều kiện công dân và tổ chức được thụ hưởng tốt nhất loại hình dịch vụ quan trọng này. Về cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề xã hội hóa hoạt động công chứng đã được cắt nghĩa qua một số mặt như sau:

Một, hoạt động công chứng là hoạt động thuộc lĩnh vực dịch vụ công, không sử dụng quyền lực công, các công chứng viên không có quyền được ban hành mệnh lệnh hành chính, quyết định hành chính như các cơ quan chức năng của chính quyền. Khi hành nghề công chứng viên hoàn toàn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật hành nghề khách quan, trung thực v.v...

Hai, hoạt động của công chứng được thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật chặt chẽ, đó là Luật công chứng và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Nhờ chủ trương xã hội hóa này mà hoạt động công chứng đã khắc phục được tình trạng quá tải, người dân đã dễ dàng thụ hưởng được tiện ích trong loại hình dịch vụ công này. Tuy nhiên, khi nghiên cứu Khoản 1 Điều 22 trong dự thảo luật, tôi hết sức băn khoăn vì tại đây có quy định: Văn phòng công chứng phải do hai công chứng viên trở lên thành lập. Các công chứng viên tham thành lập là công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn, lý do vì sao không có thành viên góp vốn đã được nêu và phân tích trong báo cáo thẩm tra. Để tiết kiệm thời gian tôi không phân tích ở đây nữa.

Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra, đó là liệu quy định này có gây ảnh hưởng lớn đối với chủ trương xã hội hóa hay không? Vì nếu căn cứ theo dự thảo luật hầu như tất cả các cá nhân, tổ chức trong xã hội đều không có cơ hội đầu tư vào lĩnh vực hoạt động công chứng này. Cơ hội đầu tư này sẽ chỉ dành cho hơn một nghìn công chứng viên,  theo báo cáo của Bộ Tư pháp hiện nay có hơn một nghìn công chứng viên đang hành nghề. Nếu các công chứng viên này không có đủ khả năng tài chính thì sao? Họ sẽ phải đi vay thì có nên có chủ trương ưu đãi gì cho họ trong việc họ đi vay hay không? Hay cá nhân, tổ chức cho họ vay có thông qua việc cho vay mà điều khiển hoạt động của văn phòng công chứng hay không?

Kính thưa Quốc hội, qua phân tích nêu trên tôi tha thiết mong Ban soạn thảo cân nhắc có nên bổ sung quy định văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn vào luật sửa đổi lần này hay không. Quy định này có thực sự khả thi trong thực tế hay chỉ mang tính hình thức. Vì chủ cho vay vẫn có thể tác động lên các công chứng viên khi công chứng viên cố tình không tuân thủ pháp luật. Đặc biệt nếu quy định như thế này thì phạm vi để xã hội hóa sẽ bị thu hẹp lại rất nhiều.

Thứ hai, đóng góp cho luật về lời chứng của công chứng viên được quy định tại Điều 47. Điều 47 dự thảo Luật công chứng có quy định nội dung lời chứng thực của công chứng viên mục đích là nhằm nâng cao trách nhiệm của công chứng viên khi thực hiện công chứng nhưng có một thực tế là hầu hết các công chứng viên trong thời gian qua đều hết sức lo lắng về cụm từ "đối tượng của hợp đồng giao dịch là có thật" vì từ "có thật". Ở đây là có thật theo giấy tờ pháp lý hay có thật trong thực tế. Theo tôi cụm từ trên phải hiểu là có thật trong thực tế nhưng nếu hiểu như vậy thì sẽ gây rất khó khăn cho công chứng viên vì những lý do như sau:

Thứ nhất, tất cả các hợp đồng giao dịch đối tượng giao dịch là tài sản, công chứng viên trước khi chứng nhận đều phải xem xét, kiểm tra thực tế, trực tiếp nhìn thấy có thật mới an tâm chứng nhận được,  như vậy liệu có khả thi. Ở nước ngoài người ta làm như thế này vì người ta thu trọn gói phí công chứng rất cao, còn ở nước ta nếu làm đúng theo quy định phải trực tiếp nhìn thấy tài sản là có thật, sau đó mới công chứng thì thù lao về công chứng sẽ phải thu phí đội lên rất nhiều, liệu có phù hợp với thực tế khó khăn hiện nay? Giả dụ nếu công chứng viên cùng với hai bên đến thực địa để kiểm tra xem xét đối tượng của hợp đồng giao dịch là có thật, nếu đối tượng giao dịch là nhà đất, đây là đối tượng chủ yếu của hợp đồng công chứng thì nếu là thửa đất, giả sử là vùng ven ngoại thành hay nông thôn, công chứng viên có biết được là mảnh đất mình đang xem là mảnh đất có thửa, có tờ bản đồ, có diện tích đúng như được ghi trên giấy chứng nhận hay không? Nếu là nhà thì nhà có cấu trúc, diện tích chính, phụ, chung, riêng đúng với quy mô trong giấy tờ pháp lý hay không? Công chứng viên bằng trực quan, mắt thường liệu có biết được hay không? Hay chỉ là cách gây khó cho công chứng viên.

Thứ hai, đối với các giao dịch đối tượng được hình thành trong tương lai công chứng viên làm sao biết là có thật hay không? Vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo hết sức quan tâm, điều chỉnh từ ngữ sao cho phù hợp với thực tế để lời chứng của công chứng viên thực sự sáng sủa và có tính thực tế cao.

Thứ ba, về tiếng nói và chữ viết trong công chứng, tôi nhất trí với ý kiến của đại biểu Thùy ở tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên tôi xin bổ sung quy định là chữ viết trong công chứng là tiếng Việt rõ ràng, dễ đọc nhưng quy định này chưa đồng thuận với quy định trong Bộ Luật dân sự cụ thể là Điều 649, Bộ Luật dân sự quy định: "Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết của dân tộc mình". Vì vậy, cần phải bổ sung điều này.

Cuối cùng về nguyên tắc hành nghề công chứng không vì mục đích lợi nhuận được quy định tại Khoản 3, Điều 4 tôi cũng rất băn khoăn. Để bổ sung cho phân tích của đại biểu Huỳnh Nghĩa ở Đà Nẵng, tôi xin trao đổi một chút như sau: Nếu không vì mục đích lợi nhuận thì có phải là phi lợi nhuận hay không? Hay không có lợi nhuận hay không? Nếu là phi lợi nhuận thì hoạt động của tổ chức công chứng sẽ không phân phối các quỹ thặng dư của tổ chức cho các chủ nhân hay cổ đông mà sẽ dùng quỹ này để tài trợ cho một số các mục tiêu của tổ chức. Tuy nhiên, qua trao đổi với một số chuyên gia lại giải thích cho tôi là không vì lợi nhuận ở đây thể hiện ở chỗ là hoạt động công chứng có biểu giá, phí, lệ phí thu là theo khung quy định của Nhà nước. Vì vậy, theo tôi tổ chức hành nghề hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, không phải là một khái niệm phổ thông. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên bổ sung khái niệm này vào phần giải thích từ ngữ và cuối cùng khi dịch sang tiếng nước ngoài, phòng công chứng và Văn phòng công chứng có khác nhau không. Bởi vì ở nước ngoài thì không có 2 khái niệm  này. Xin hết, xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan