Đại biểu Trần Thanh Hải TP Hồ Chí Minh góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 15:03 01-12-2014

Trần Thanh Hải - TP Hồ Chí Minh

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Người lao động đang có nhiều mong chờ về Luật phá sản (sửa đổi) và có những vấn đề đã được xem xét, thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, có 2 vấn đề sau đây chưa được đề cập đúng mức:

Trước hết, đó là giải quyết vấn đề chủ doanh nghiệp bỏ trốn như thế nào, dự án Luật phá sản (sửa đổi) chưa trực diện đề cập đến, hiện tượng chủ doanh nghiệp bỏ trốn xuất hiện nhiều từ năm 2008, có xu hướng phát triển, đang còn nhiều vướng mắc, thời gian giải quyết rất dài. Ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2009 thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngân sách nhà nước đã chi trả hơn 1,6 tỷ đồng tiền lương, nhưng cũng chỉ giải quyết cho 722 công nhân của 3 doanh nghiệp. Mặt khác, ngành tòa án đã có nhiều nỗ lực, song cũng chỉ mới giải quyết được một vài vụ việc. Điều quan trọng là có những doanh nghiệp khi chủ bỏ trốn, tài sản thực của doanh nghiệp rất ít vì nhà xưởng và hầu hết máy móc, thiết bị đều đi thuê. Vì thế, không chỉ có người lao động mà những người chủ nhà xưởng, chủ máy móc thiết bị này cũng muốn giải quyết nhanh để tiếp tục khai thác tài sản của mình. Dự án Luật phá sản (sửa đổi) đã hình thành những thiết chế, cơ chế kiểm soát lẫn nhau có thể giải quyết vấn đề này. Nếu Quốc hội đồng ý để giải quyết tốt hơn vấn đề chủ doanh nghiệp bỏ trốn được thuận lợi. Tôi xin đề nghị.

Một, Khoản 2, Điều 4 về giải thích từ ngữ cần bổ sung khái niệm chủ doanh nghiệp không thực hiện quyền điều hành, quản lý doanh nghiệp để mở đường xử lý trường hợp chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn.

Hai, Khoản 2, Điều 5 về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thực tế quyền và nghĩa vụ này diễn ra suốt quá trình thực hiện phá sản và có thời gian rất dài nên số đông người lao động, Ủy viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở vì cuộc sống của gia đình mình phải đi tìm việc làm khác, khi đó công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là cán bộ chuyên trách cần được thực hiện quyền đại diện, kể cả những doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn. Do đó, không nhất thiết phải quy định công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, mà chỉ cần quy định công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã cho phép thực hiện nhiều khả năng khác nhau, nhất là trường hợp doanh nghiệp có chủ bỏ trốn.

Ba, Khoản 1, Điều 39 về thụ lý đơn theo thủ tục rút gọn cần bổ sung thêm đối tượng đối với trường hợp doanh nghiệp vắng chủ để giải quyết nhanh quyền lợi của người cho thuê nhà xưởng, máy móc thiết bị và người lao động, góp phần đưa các nguồn lực phát triển về kinh tế được nhanh chóng tiếp tục vận hành.

Năm, Điều 52 xác định tiền lãi đối với khoản nợ, riêng đối với trường hợp doanh nghiệp có chủ bỏ trốn thì cần tiếp tục tính lãi để phòng ngừa sau một thời gian có những chủ doanh nghiệp có thể quay trở lại.

Năm, Điều 116 về tham gia của người nước ngoài đối với thủ tục phá sản, cần quan tâm thêm vai trò của các cơ quan ngoại giao để thể hiện sự tôn trọng và trách nhiệm quản lý công dân đối với người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư.

Vấn đề thứ hai về thời điểm nộp đơn và lĩnh vực đề nghị phá sản quy định ở Khoản 2, Điều 5 đối với người lao động và đối với hai cấp của tổ chức công đoàn, nguồn sống duy nhất của người lao động là tiền lương, nếu chỉ được thực hiện nộp đơn mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày có yêu cầu mà doanh nghiệp không trả lương, nghĩa là sau khi thực hiện Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 đã cho phép người sử dụng lao động trả lương không được chậm quá một tháng thì thử hỏi người lao động có thể làm sao duy trì sự sống của gia đình mình khi 4 tháng không có tiền lương? Tôi đề nghị chỉ thực hiện sau 1 tháng kể từ ngày có yêu cầu mà doanh nghiệp không trả lương, nghĩa là người lao động ít nhất đã có 2 tháng không được lãnh tiền lương.

Về Điều 54 về thứ tự phân chia tài sản, tôi nhất trí cao quy định ưu tiên thứ 2 là các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, vì thế tôi đề nghị Khoản 2, Điều 5 cần bổ sung nội dung này để có thể tiến hành khởi kiện phá sản đối với những doanh nghiệp cố tình thực hiện không đúng quy định nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần khắc phục tình trạng nợ, không đóng đúng, đủ, không đóng dù đã thu tiền hàng tháng của người lao động. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan