Đại biểu Tô Văn Tám tỉnh Kon Tum góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH

Thứ Tư 14:37 26-11-2014

Tô Văn Tám - Kon Tum

Kính thưa Quốc hội,

Theo gợi ý của Đoàn Thư ký, qua nghiên cứu dự thảo Luật công chứng, tôi xin góp ý một số ý kiến sau đây:

Thứ nhất, về đối tượng miễn đào tạo nghề và miễn tập sự hành nghề công chứng tại Điều 10. So với luật hiện hành, dự thảo đã thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, tôi tán thành với diện được miễn đào tạo như trong dự thảo. Tuy nhiên tôi đề nghị xem lại đối tượng tại Điểm a là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, theo quy định của pháp luật hiện hành thẩm phán, kiểm sát viên có sơ cấp, trung cấp và tối cao, điều tra viên có sơ cấp, trung cấp và cao cấp.

Đối tượng tại Điểm c là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật. Các ngạch này cũng có các bậc sơ cấp, trung cấp, cao cấp hoặc tương đương như nghiên cứu viên, chuyên viên, giảng viên, nghiên cứu viên chính, chuyên viên chính, giảng viên chính và nguyên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên cao cấp. Vậy, vấn đề là tại sao đối tượng Điểm a chỉ thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên được miễn, còn đối tượng tại Điểm c lại phải bậc hoặc ngành cao cấp mới được miễn. Nếu nhìn tổng thể thì cả hai đối tượng ở Điểm a, Điểm c đều giống nhau, đó là trình độ kiến thức về pháp luật, cả hai đều chưa trải qua lĩnh vực công chứng, có gì khác biệt ở hai đối tượng này? Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng nếu đối tượng tại Điểm c phải bậc cao cấp hoặc ngạch cao cấp thì đối tượng Điểm a cũng nên là cao cấp hoặc cả hai đối tượng ở Điểm a, và Điểm c đều là trung cấp và nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trở lên.

Hai, về chuyển nhượng văn phòng công chứng quy định tại Điều 29, tôi tán thành về việc cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng nhưng phải quy định chặt chẽ để tránh tình trạng thành lập văn phòng công chứng rồi bán để thu lợi, các quy định tại Điều 29 đã cơ bản đảm bảo yêu cầu đó. Trong đó có việc quy định công chứng viên đã chuyển nhượng văn phòng công chứng không được phép thành lập văn phòng công chứng mới trong thời hạn 5 năm, kể từ khi chuyển nhượng. Như vậy, dự thảo đã loại trừ được tình trạng lập văn phòng công chứng ngay sau khi đã chuyển nhượng. Nhưng lại chưa có quy định lập được bao lâu thì mới được chuyển nhượng, như thế là chưa ngăn chặn triệt để việc lập Văn phòng công chứng với mục đích để bán, chứ không phải với mục đích hành nghề lâu dài. Bởi vậy, tôi đề nghị nên bổ sung quy định thời gian bao nhiêu sau khi thành lập văn phòng công chứng mới được chuyển nhượng. Theo tôi, nên quy định là sau khi thành lập văn phòng công chứng được 2 năm thì mới được chuyển nhượng.

Thứ ba, quy định về mô hình văn phòng công chứng ở Điều 22, tại Khoản 3 quy định tên gọi Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ Văn phòng công chứng kèm theo họ, tên của công chứng viên là trưởng văn phòng công chứng hoặc họ, tên của tất cả các công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng. Tôi thấy quy định thêm tên của công chứng viên là trưởng Văn phòng công chứng hoặc tên của tất cả các công chứng viên hợp danh là không cần thiết. Việc ghi tên hay không là do họ tự thỏa thuận với nhau, luật chỉ nên quy định bắt buộc Văn phòng công chứng phải có tên gọi không được trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn, không được sử dụng ngôn ngữ ký hiệu vi phạm truyền thống và lịch sử văn hóa đạo đức thuần phong mỹ tục của dân tộc là đủ. Còn tên gọi là gì, do các công chứng viên tự định đoạt. Ví dụ, họ có thể đặt tên là Văn phòng công chứng công lý và cộng sự, còn nếu như bắt buộc họ gọi thêm tên nữa thì tên dài dòng quá.

Thứ tư, về tuổi hành nghề công chứng, tôi tán thành dự thảo luật cần phải quy định giới hạn độ tuổi của công chứng viên trong hành nghề công chứng và việc quy định ở dự thảo là 65, như thế là vừa phải. Nó sẽ có ảnh hưởng là một số đối tượng được nghỉ hưu về mở Văn phòng công chứng thì có thể thấy ngắn, nhưng chúng ta sửa luật để nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ công chứng viên. Cho nên chúng ta khuyến khích những đối tượng khác thành lâp Văn phòng công chứng 65 tuổi tôi cho là vừa phải. Mặt khác, tuổi thọ trung bình của chúng ta là 70 thì tôi nghĩ 65 là vừa.

Thứ năm, không nên có Khoản 2, Điều 8 Chính phủ quy định cụ thể về tiêu chuẩn công chứng viên quy định tại Khoản 1 điều này. Vì Khoản 1, Điều 8 quy định rất rõ ràng và cụ thể thì không cần thiết phải cụ thể hóa và không cần thiết phải có Khoản 2 điều này. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan