Đại biểu Tô Văn Tám tỉnh Kon Tum góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương tỉnh Ninh Thuận góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Đại biểu Lưu Thị Huyền tỉnh Ninh Bình góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 QH
Lưu Thị Huyền - Ninh Bình
Kính thưa chủ tọa kỳ họp,
kính thưa Quốc hội.
Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến Luật công chứng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến với dự thảo luật, ban soạn thảo đã nghiên cứu tiếp thu ý kiến để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật. Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng tại Điều 6, tôi nhất trí như dự thảo. Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt, vì văn bản công chứng tại Việt Nam phải theo pháp luật Việt Nam. Nếu trong văn bản có tiếng nước ngoài mà công chứng viên không biết ngoại ngữ hoặc người soạn thảo đánh máy sai một từ có thể làm sai lệch nội dung hợp đồng hoặc cố tình sử dụng từ ngữ làm cho người đọc hiểu sai nội dung hợp đồng. Như vậy công chứng viên không kiểm soát được. Mặt khác, đây cũng là sự thừa kế quy định về tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng tại các Điều 12, 49 của Nghị định số 75 ngày 8/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực.
Thứ hai, Điều 9 đào tạo nghề công chứng tại Khoản 1, Điều 9, tôi đề nghị sửa lại như sau: người có bằng cử nhân luật trở lên được tham dự các khóa đào tạo nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng. Về thời gian đào tạo nghề công chứng tại Điều 9, công chứng viên là người được nhà nước ủy quyền để xác định tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng giao dịch nên đòi hỏi các kỹ năng hành nghề công chứng, kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình tiếp nhận và xử lý các yêu cầu công chứng, đồng thời phải nắm vững các quy định pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại, đất đai. Điều đó giúp cho công chứng viên có thể tư vấn cho khách hàng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, đúng với quy định của pháp luật. Vì vậy, để trang bị đầy đủ kỹ năng chuyên sâu, đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên thì cần phải tăng thời gian đào tạo nghề lên 12 tháng là cần thiết như quy định tại Khoản 2, Điều 9.
Thứ ba về đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng. Tại Điều 10, tại Khoản 1 quy định trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng đối với kiểm sát viên, điều tra viên đã hành nghề từ 5 năm trở lên. Tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét quy định này, vì thực tế cho thấy các điều tra viên, kiểm sát viên chỉ được đào tạo một lĩnh vực chuyên môn. Với thời gian công tác 5 năm thì chưa có đủ kinh nghiệm để công chứng trong khi phạm vi hoạt động công chứng rất rộng trên các lĩnh vực như hôn nhân, dân sự, đất đai, thừa kế, nhất là các kiểm sát viên, điều tra viên chuyên làm về hình sự không thể đáp ứng được yêu cầu về công tác công chứng. Do vậy, đề nghị không nên quy định miễn đào tạo cho các trường hợp này. Tôi đề nghị bổ sung quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc đào tạo, miễn đào tạo nghề công chứng cho đối tượng là chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật quy định tại Điểm c, Khoản 1. Vấn đề này tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu trước tôi.
Thứ tư, về tuổi hành nghề công chứng viên tại Điều 35, công chứng viên có chức năng xã hội quan trọng là cung cấp dịch vụ công cho nhà nước, đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hoạt động giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân nói riêng và ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của nền kinh tế nói chung, góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển xã hội. Công chứng viên là người được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, giao trách nhiệm chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch. Tuy công chứng viên hành nghề độc lập nhưng phải quy định chặt chẽ những quy định về thời gian, địa điểm hành nghề, yêu cầu đào tạo bồi dưỡng bắt buộc trách nhiệm đối với văn bản công chứng do mình thực hiện.
Do đó, để kiểm soát chất lượng của hoạt động công chứng, trong dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn để quản lý tiêu chuẩn của người hành nghề công chứng trong suốt quá trình hành nghề. Đặc biệt quy định về độ tuổi, sức khỏe, bởi vì đây là công việc có tính đặc thù đòi hỏi sự chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm cao. Do vậy tôi đề nghị quy định độ tuổi hành nghề cho công chứng viên như phương án 2 của dự thảo luật là cần thiết. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.