Đại Biểu Phạm Trường Dân tỉnh Quảng Nam góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Thạch Huôn tỉnh Sóc Trăng góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Nguyễn Thái Học tỉnh Phú Yên góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Nguyễn Thái Học - Phú Yên
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin phát biểu, góp ý vào dự án Luật bảo vệ môi trường 2 nội dung. Một, về kỹ thuật lập pháp. Hai là nội dung ở một số điều khoản cụ thể. Về kỹ thuật lập pháp, căn cứ vào Nghị quyết số 1139 năm 2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành quy chế về kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội có nêu rất cụ thể, nhiều nội dung. Trong đó có phần mở đầu của dự thảo văn bản luật, đối chiếu với quy định này, tôi thấy dự án luật này có những nội dung phải xem xét lại và điều chỉnh. Ví dụ, sau phần tiêu ngữ độc lập, tự do, hạnh phúc thì không có nội dung là Hà Nội ngày, tháng, năm 2014 hoặc Luật bảo vệ môi trường lần này sửa đổi thì phải ghi rõ là sửa đổi. Còn ở trong luật ghi là Luật bảo vệ môi trường thì đây là luật mới hoặc ngay cả độ dài gạch ngang ở phần tiêu ngữ thì quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng rất rõ là độ dài dấu gạch ngang phải bằng độ dài tiêu ngữ. Những quy định này đối chiếu với dự thảo của Luật bảo vệ môi trường, tôi thấy không phù hợp. Đề nghị phải xem xét lại.
Thứ hai là một số từ ngữ trong luật, tôi thấy Ban soạn thảo cũng phải nghiên cứu lại. Ví dụ, trong nhiều điều luật quy định là bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có kèm theo từ "của mình". Từ "của mình" này không nên sử dụng trong văn bản luật mà phải được xác định cụ thể là của bộ hoặc của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Ủy ban nhân dân huyện. Trong 179 điều của dự thảo luật, có khoảng 30 điều giao cho Chính phủ, các bộ, ngành có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện. Tôi cho rằng giao nhiều như thế này thì cần phải xem xét, cân nhắc. Bởi vì chúng ta giao nhiều cho Chính phủ, cho các bộ, ngành hướng dẫn, nhưng trong thời gian qua, chúng ta nợ đọng văn bản rất nhiều, Bộ Tài nguyên và Môi trường là một trong những bộ có số lượng văn bản nợ nhiều nhất. Do vậy, cần phải khắc phục để khi chúng ta quy định thì luật đáp ứng yêu cầu cuộc sống, đi vào cuộc sống. Về các điều luật cụ thể, tôi xin được góp ý.
Thứ nhất là Điều 7, những hành vi bị nghiêm cấm, ở Khoản 3, Điều 7 có cấm khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng các loại thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Tôi rất băn khoăn với việc cấm sử dụng, vì hiện nay các nhà hàng quán ăn bày bán các loại này rất nhiều, nếu ta cấm mà không thực hiện được thì điều cấm không khả thi. Đôi khi đại biểu Quốc hội cũng vi phạm vào điều cấm này, tức là sử dụng động vật hoang dã quý hiếm. Do vậy theo tôi chỉ cấm khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, mà khi cấm triệt để việc khai thác, kinh doanh, tiêu thụ thì không có cái để sử dụng.
Điều 34 quy định trách nhiệm của tổ chức thực hiện việc xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường, ở Khoản 2 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc đăng ký thì tôi thống nhất cao với ý kiến của đại biểu Lê Đắc Lâm ở Bình Thuận, Nguyễn Minh Lâm ở Long An là không giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc đăng ký. Vì cán bộ cấp xã không chuyên trách về môi trường và khi đã giao việc đăng ký thì đi liền với công tác kiểm tra, xử lý mà không có bộ phận chuyên trách, không có bộ phận tham mưu trực tiếp thì cấp xã rất khó thực hiện.
Điều 148, 149 quy định trách nhiệm quản lý trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ trưởng các bộ thì tôi rất phân vân quy định chung là Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ hay quy định cụ thể Bộ trưởng? Vì trong các điều luật trước đó thì quy định trách nhiệm của các bộ, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng khi xác định trách nhiệm quản lý thì quy định rõ trách nhiệm của bộ trưởng thì tôi thấy chưa phù hợp. Quy định chung trách nhiệm của các bộ như thế khi thực hiện thì vai trò của người đứng đầu là bộ trưởng sẽ có trách nhiệm triển khai thực hiện.
Điều 154 quy định quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường, có 6 khoản nhưng Khoản 5 và Khoản 6 tôi không đồng tình, vì điều luật quy định quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư nhưng Khoản 5 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp thì không gắn kết trong một điều luật, Khoản 6 thì quy định kết quả đối thoại phải được ghi bằng biên bản và công khai. Khoản 6 này không có ý nghĩa gì cả. Xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.