Đại Biểu Nguyễn Thanh Thụy tỉnh Bình Định góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 16:20 01-12-2014

Nguyễn Thanh Thụy - Bình Định

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến vào dự thảo Luật bảo vệ môi trường. Vấn đề thứ nhất, về quy hoạch bảo vệ môi trường, đề nghị Bán soạn thảo nghiên cứu, có cách giải thích chính xác hơn nội hàm về quy hoạch bảo vệ môi trường được quy định tại Khoản 21, Điều 3. Tại khoản 21, Điều 3 có quy định: quy hoạch bảo vệ môi trường được hiểu là sự phân vùng môi trường gắn với các giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững trên một vùng lãnh thổ trong khoảng thời gian xác định. Theo cách hiểu của tôi khái niệm này là quy hoạch môi trường.

Luật bảo vệ môi trường năm 2005 xác định nội dung: quy hoạch môi trường khu đô thị là quy hoạch các cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải môi trường như hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, quy hoạch nghĩa trang. Như vậy hiểu rộng ra quy hoạch bảo vệ môi trường trong dự thảo luật này được coi là hệ thống quy hoạch hạ tầng kỹ thuật môi trường, bao gồm các hệ thống công trình xử lý chất thải, gồm có nước thải, chất thải rắn và hệ thống các trạm quan trắc và hạ tầng môi trường nước. Trên thực tế, các quy hoạch này đã được quy định trong các luật chuyên ngành như Luật quy hoạch đô thị, Luật tài nguyên nước, Luật đất đai, nhiều quy hoạch đã được Bộ Xây dựng lập khá chi tiết như quy hoạch bãi chôn lấp chất thải rắn, hệ thống thu gom xử lý nước thải đô thị, quy hoạch nghĩa trang.

Theo quy định của dự thảo luật, công tác quy hoạch bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và môi trường lập, nếu giữ quy định quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ dẫn đến quy hoạch lại quy hoạch, chồng chéo, lãng phí, không tương thích trong quá trình triển khai thực hiện và không loại trừ có những bản quy hoạch được sao chép giữa các địa phương. Trong các buổi thảo luận trước, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề nghị không nên luật nào cũng có quy định có quy hoạch trong khi Chính phủ chuẩn bị trình dự án Luật quy hoạch. Vì vậy tôi đề nghị không quy định quy hoạch bảo vệ môi trường, chỉ quy định mang tính nguyên tắc đó là quy hoạch phát triển phải lồng ghép yếu tố bảo vệ môi trường.

Vấn đề thứ hai là nhập khẩu phế liệu tại Điều 82. Việc nhập khẩu phế liệu để tái chế phục vụ cho sản xuất là cần thiết, luật cần quy định cụ thể hơn một số nội dung để đảm bảo giải quyết hậu quả và quy định cơ chế kiểm soát mang tính phòng ngừa các ảnh hưởng xấu đến môi trường và phù hợp với quan điểm phát triển bền vững. Đề nghị quy định rõ trong luật nhóm phế liệu được phép nhập khẩu làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ công bố danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Bổ sung quy định phế liệu nhập khẩu về phải tập kết về kho đã được xác nhận và cấp phép, chỉ được mua bán phế liệu nhập khẩu giữa các doanh nghiệp được xác nhận cấp phép; bên bán phải thông báo cho cơ quan công an môi trường và Sở Tài nguyên và môi trường địa phương nơi các doanh nghiệp có kho, bãi, nhà máy tái chế để giám sát, theo dõi, kiểm tra. Quy định trách nhiệm của cửa khẩu hải quan, cửa khẩu thông báo cho công an môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường, nơi cấp giấy xác nhận biết về thông tin các lô hàng nhập khẩu phế liệu của doanh nghiệp đó để phối hợp kiểm tra, giám sát. Theo tôi, không nên cấm việc mua bán phế liệu vì trong thực tế có những doanh nghiệp nhập phế liệu về, nhưng sau đó bị phá sản, nếu không cho bán phế liệu thì rất khó xử lý phế liệu đã nhập khẩu. Quy định chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Vấn đề nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ được quy định tại Khoản 3, Điều 81. Quy định này khắc phục bất cập của Luật bảo vệ môi trường năm 2005. Tôi cho rằng không nên cấm tuyệt đối như Luật bảo vệ môi trường năm 2005 vì chúng ta vẫn cần nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Nhưng hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, không khác gì hoạt động nhập khẩu phế liệu. Do đó cần có những quy định cụ thể hơn nhằm kiểm soát hoạt động nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng về để phá dỡ như đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu. Và có thể tách thành một điều riêng và thiết kế theo hướng như quy định tại Điều 82 bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu và ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết.

Vấn đề thứ ba, về tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, dự thảo luật lần này đã xây dựng một chương quy định về quyền, nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư, tổ tự quản trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Tôi đồng tình với quy định này, nếu làm tốt sẽ phát huy được sức mạnh và cộng đồng trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên quy định tại Điều 152, 153, 154 của dự thảo luật chưa rõ, còn trùng lắp, không xác định được người đại diện cộng đồng dân cư là tổ chức cá nhân nào.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm và chịu trách nhiệm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trong hoạt động bảo vệ môi trường và các điều kiện về nguồn lực, trong đó có cả kinh phí, con người đảm bảo cho các tổ chức này thực hiện chức năng phản biện, giám sát, thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Bổ sung quy định: "Cơ chế tiếp nhận xử lý và phản hồi thông tin liên quan đến vấn đề môi trường do người dân phản ánh". Tôi đề nghị nên quy định Mặt trận Tổ quốc là cơ quan đại diện cộng đồng dân cư tại Điều 154. Chuyển quy định tổ tự quản về bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 89, Chương VIII về Chương XV sẽ hợp lý hơn. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan