Đại biểu Phùng Đức Tiến tỉnh Hà Nam góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Cù Thị Hậu tỉnh Hưng Yên góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Minh Phương thành phố Cần Thơ góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Nguyễn Minh Phương - TP Cần Thơ
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về dự thảo luật, tôi xin có ý kiến ở một số điều khoản như sau:
Điều thứ nhất, điều tôi quan tâm nhất là Điều 53, điều kiện hưởng lương hưu. Chắc hẳn Quốc hội sẽ không ai quên năm 2012 khi bàn về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động (sửa đổi) rất nhiều lý do đưa ra để bàn bạc, thảo luận và thống nhất tiếp tục giữ nữ nghỉ hưu ở tuổi 55, nam nghỉ hưu ở tuổi 60, luật có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, nhưng hiện nay vẫn còn một số điều khoản chưa ban hành nghị định, thông tư để thực hiện. Vì lý do đó một số dự thảo luật xin ý kiến trong kỳ họp thứ 7 này lại đề xuất tuổi nghỉ hưu khác với Bộ luật Lao động.
Đối với Luật bảo hiểm xã hội cũng cùng một ban soạn thảo nhưng khi đưa ra điều kiện hưởng lương hưu của luật này, ban soạn thảo đã có đầy đủ bằng chứng để chứng minh rằng trong 2 năm qua và những năm tiếp theo các yếu tố về sức khỏe, thể chất, điều kiện và môi trường làm việc của đa số người lao động được cải thiện hoàn toàn hay chưa mà đột ngột tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi, có nghĩa là nữ phải làm thêm 5 năm, trong khi nam chỉ tiếp tục làm 2 năm. Đối với người lao động nữ ở tuổi 55 ở khu vực thành thị, có thể dễ dàng tìm được thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng đối với khu vực nông thôn và các khu kinh tế, khu công nghiệp thì ở tuổi đó chỉ có thể ở nhà để chăm sóc con cháu vì không đủ sức khỏe tiếp tục công việc. Trong khi đó nhu cầu tuyển dụng đều nhắm vào lực lượng trẻ ở nhóm gần 72.000 lao động có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm. Hiện nay đề án vị trí việc làm vẫn chưa hoàn thành, không có chỉ tiêu để tuyển dụng, mà giờ lại tăng tuổi nghỉ hưu thì nhóm trẻ này trông vào đâu, chờ đợi đến bao giờ. Là người được quyền đưa ra chính sách và quyết định chính sách, chúng ta phải hết sức cân nhắc.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội năm 2012, tỷ lệ nghỉ hưu ở tuổi 41 đến 50 tuổi chiếm 30,4%, và nghỉ hưu do giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chiếm 52,3%. Do đó, tôi đề nghị luật xây dựng cần phù hợp với chính sách của nhà nước, phải đảm bảo làm sao hướng tới phục vụ người lao động ngày càng tốt hơn, không khéo sẽ đi lệch mục tiêu thay vì chăm sóc sức khỏe cho người lao động thì lại cố giữ người lao động làm việc. Điều này làm giảm đi quyền lợi của người lao động và hậu quả dẫn tới giảm tuổi thọ của người Việt Nam. Do đó, tôi đề nghị tuổi nghỉ hưu phải theo Bộ luật lao động, riêng đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt ở Điều 187 của Bộ luật lao động, nên kéo dài tuổi hưu không quá 5 năm cho nhóm đối tượng này. Chính phủ cần hướng dẫn thi hành bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2015 và Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng cần khảo sát thêm nhóm đối tượng ở Điều 187 chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong nhóm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Sau 5 năm đánh giá, tổng kết xem xét có đủ các điều kiện để mở rộng tăng tuổi hưu cho các đối tượng khác như dự thảo luật hay không để tiếp tục trình Quốc hội xem xét.
Về Điều 2 đối tượng áp dụng, tôi đồng ý với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội. Xuất phát từ thực tiễn, tôi đề nghị bổ sung nhóm người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vì đây là nhóm làm việc lâu dài cố định ở cơ sở, nhóm đối tượng này không hưởng lương mà chỉ hưởng phụ cấp nên ban soạn thảo cần nghiên cứu một chính sách phù hợp giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện để tạo điều kiện cho nhóm này tham gia liên tục và đảm bảo an sinh khi không còn đủ tuổi lao động.
Một điểm khác ở Điều 2 là dự thảo luật mở rộng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động làm việc theo mùa vụ hoặc hợp đồng dưới ba tháng là không khả thi. Nhóm này rất khó quản lý, vì đối tượng thay đổi thường xuyên, do nghề nghiệp không ổn định, nơi cư trú cũng thay đổi theo trong khi bộ máy thanh tra hiện có không đủ điều kiện đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát , xử phạt vi phạm nên dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội tăng rất lớn trong thời gian qua. Điều này cũng liên quan đến chi phí quản lý ở Điều 90 dự thảo luật chưa quy định rõ tiêu chí, nội dung chi phí, công tác quản lý mà đề suất tỷ lệ quá cao tối đa 3% trong khi ý kiến của Bộ Tài chính chỉ tối đa 2%. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có giải trình cụ thể.
Để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đảm bảo an toàn cân đối quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn cho diện bao cũ bảo hiểm xã hội, điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc đóng hưởng đến cân đối quỹ bảo hiểm xã hội. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cung cấp thông tin tin cậy, chính xác về nguyên nhân dẫn đến vỡ quỹ và đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết, chứ kéo dài tuổi hưu của người lao động là chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.