Đại Biểu Lê Đắc Lâm tỉnh Bình Thuận góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Hoàng Thị Tố Nga tỉnh Nam Định góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Nguyễn Minh Lâm tỉnh Long An góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Nguyễn Minh Lâm - Long An
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), tôi tham gia góp ý một số nội dung như sau:
Một, tại Điều 23 về điều kiện của tổ chức tư vấn, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tại Khoản 2 quy định phải có đủ điều kiện kỹ thuật để đo đạc, phân tích và đánh giá tác động môi trường. Thực tế quy định này sẽ không phù hợp, cần xem xét lại vì không phải tổ chức nào cũng đầu tư được phòng thí nghiệm phân tích và các thiết bị đo đạc môi trường. Do kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để có phòng thí nghiệm đạt chuẩn là rất lớn. Trong khi đó số lượng dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường không nhiều nên thông thường đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuê các phòng thí nghiệm đạt chuẩn chuyên phân tích trên lĩnh vực môi trường để thực hiện. Việc này giảm bớt chi phí vừa mang tính khách quan về các kết quả đo đạc khi đánh giá, phân tích phục vụ cho công tác đánh giá và dự báo các vấn đề về môi trường.
Hai, tại Điều 24 và Điều 32 quy định về nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường. Trong các quy định này chưa đề cập đến nội dung biến đổi khí hậu khi thực hiện đánh giá tác động môi trường cũng như đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường. Do vậy cần bổ sung cho đầy đủ và để đảm bảo sự phù hợp với nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 45 về bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ba, Điều 34 trách nhiệm về tổ chức thực hiện xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Theo nội dung dự thảo điều này quy định Ủy ban nhân dân huyện xác nhận đối với dự án thực hiện trên địa bàn thuộc 2 xã trở lên, Ủy ban nhân dân xã xác nhận đối với dự án thực hiện trên địa bàn 1 xã, cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh xác nhận đối với dự án thực hiện trên địa bàn 2 huyện. Theo tôi, quy định như vậy là thiếu tính khả thi, không phù hợp với điều kiện quản lý môi trường hiện nay. Cụ thể là các dự án thuộc đối tượng lập cam kết bảo vệ môi trường thường là các dự án quy mô vừa và nhỏ, diện tích sử dụng không lớn, thưc tế hầu như ít khi có dự án đầu tư trên địa bàn 2 xã ở cùng 1 huyện. Mặt khác, thời gian qua bộ phận giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý môi trường đã được củng cố, kiện toàn và đã thực hiện việc xác nhận cam kết bảo vệ môi trường các dự án trên địa bàn huyện có hiệu quả. Do đó, tôi đề nghị dự thảo nên giao quyền Ủy ban nhân dân huyện xác nhận cam kết bảo vệ môi trường các dự án thuộc đối tượng lập cam kết bảo vệ môi trường thực hiện trên địa bàn huyện. Không nên giao cho Ủy ban nhân dân xã xác nhận cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án thực hiện trên địa bàn xã. Bởi vì cấp xã hiện nay không đủ năng lực thực hiện, không có cán bộ chuyên trách có chuyên môn về môi trường để tham mưu Ủy ban nhân dân xã nhiệm vụ này. Đối với các dự án liên huyện không nên giao cho cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh xác nhận mà nên theo hướng chủ dự án được quyền chọn 1 huyện để thực hiện đăng ký cam kết môi trường, nhưng trước khi xác nhận cam kết phải có văn bản đồng ý về nội dung cam kết môi trường đối với những huyện còn lại.
Bốn, tại Điều 40 thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, tại Khoản 1 quy định: "Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm phê duyệt và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường". Quy định này không phù hợp, bởi lẽ các đối tượng lập kế hoạch bảo vệ môi trùng chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình cá nhân nên việc đưa ra các biện pháp xử lý môi trường sẽ rất khó khả thi. Việc xác định các quy chuẩn môi trường áp dụng sẽ không đáp ứng được yêu cầu chung về quản lý môi trường. Mặt khác, việc cơ sở tự phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường sẽ không có tính pháp lý để cơ quan nhà nước về quản lý môi trường dựa vào đó để kiểm tra, thanh tra, xử lý, nếu cơ sở vi phạm những nội dung đã cam kết. Do đó tôi đề nghị đối với kế hoạch bảo vệ môi trường nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cơ sở thực hiện xác nhận sẽ khắc phục các hạn chế nêu trên.
Năm, Điều 75 bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, Khoản 3 quy định các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với khu chăn nuôi tập trung. Đây là lĩnh vực hoạt động gây ô nhiễm môi trường khá phổ biến ở các địa phương. Việc xử lý các trường hợp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường trên lĩnh vực chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, do các quy định pháp lý chưa cụ thể, rõ ràng, đặc biệt hiện nay ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện tái cơ cấu, trong đó có việc phát triển mạnh ngành chăn nuôi nên vấn đề bảo vệ môi trường cần chú trọng hơn. Tuy nhiên, các nội dung quy định trong dự thảo luật trên lĩnh vực này chưa chặt chẽ để đảm bảo việc phát triển bền vững ngành chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Tôi đề nghị Khoản 3, Điều 75 dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể khoảng cách an toàn về môi trường từ khu chăn nuôi tập trung đến khu dân cư tập trung, các công trình công cộng và phải phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Thứ sáu, Điều 81, bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa. Tại Khoản 3, dự thảo luật quy định cho "phép việc nhập tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ", quy định này nhằm mục đích kinh tế và giải quyết việc làm. Một số đại biểu phát biểu trước tôi băn khoăn vấn đề này. Riêng tôi không đồng tình quan điểm và giải trình này vì tính thuyết phục không cao, chưa lường hết các tác động xấu đến môi trường từ quá trình nhập tàu cũ, đặc biệt là quá trình phá dỡ tàu, chưa đánh giá hết giữa mặt lợi kinh tế và mặt hại môi trường. Tôi đề nghị bỏ khoản này ra khỏi dự thảo luật với các lý do như sau:
Thứ nhất, nếu Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này cho phép được nhập tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ làm nguyên liệu sản xuất thì trong tương lai không xa khi Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) này có hiệu lực thì Việt Nam sẽ trở thành bãi rác lớn nhất của khu vực để chứa và xử lý tàu cũ của các nước.
Thứ hai, việc cho nhập tàu cũ để phá dỡ vì lý do kinh tế tận thu lượng thép từ tàu cũ để làm nguyên liệu sản xuất, tôi cho rằng chưa thỏa đáng. Bởi lẽ Luật bảo vệ môi trường hiện hành cũng như sửa đổi cũng đã quy định cho phép nhập phế liệu từ nước ngoài để phục vụ cho sản xuất, trong đó có thép phế liệu. Do đó theo tôi, nếu tàu cũ được phá dỡ từ nước ngoài, lượng thép thu được nếu đáp ứng các điều kiện vẫn được phép nhập khẩu vào nước ta để phục vụ sản xuất.
Thứ ba, tàu biển đã qua sử dụng luôn kèm theo máy móc thiết bị theo tàu, các loại dầu mỡ thải, hóa chất, keo sơn bám vào thành tàu, nước ô nhiễm trong hầm tầu. Nếu quy định cho phép nhập tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ sẽ gây mâu thuẫn với các quy định về những hành vi bị cấm tại Khoản 9, Điều 7; Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2, Điều 81 về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu quá cảnh hàng hóa mà dự thảo luật đã nêu.
Thứ tư, quá trình phá dỡ tàu cũ sẽ gây ô nhiễm môi trường rất lớn do hóa chất và chất thải nguy hại mà các tàu mang theo cũng như nguy cơ gây tác hại sức khỏe công nhân và cộng đồng dân cư xung quanh do trực tiếp, tiếp xúc với các hóa chất độc hại từ quá trình phá dỡ tàu. Mặt khác, do đặc thù hoạt động phá dỡ tàu thường thực hiện ở các bãi lộ thiên, hầu như các giải pháp thu gom, xử lý các chất ô nhiễm không mang lại hiệu quả cao. Một lần nữa tôi đề nghị không quy định trong Luật môi trường (sửa đổi) lần này cho phép nhập tàu cũ để phá dỡ. Mong rằng các đại biểu Quốc hội quan tâm vấn đề này. Tôi hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.