Cú hích mới, nhưng…
Trên cơ sở những thành công có tính đột phá của Luật Doanh nghiệp 1999, Dự án Luật Doanh nghiệp chung được soạn thảo với mục tiêu tạo ra cú hích mới cho môi trường pháp lý kinh doanh ở Việt Nam, góp phần tăng cường sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, Dự thảo hiện tại của Luật dường như đang tiến rất gần đến mục tiêu này. “Cú hích mới” đã sẵn sàng với ba trụ cột vững chắc.
Trụ cột thứ nhất: Một sân chơi chung với luật chơi bình đẳng
Dự Luật được thiết kế chung cho các chủ thể kinh doanh, không phân biệt doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, vốn tư nhân hay vốn nhà nước. Bên cạnh các quy định chung, các chế định cụ thể được áp dụng cho từng loại doanh nghiệp (bao gồm Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Công ty Hợp danh, DNTN) mà không phân biệt loại vốn và nguồn gốc vốn trong mỗi loại hình doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc chuyển từ “sân riêng” (Luật Đầu tư nước ngoài) sang “sân chung” này đã nhận được hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, là một tín hiệu tốt cho môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, việc chuyển sân riêng của các Công ty Nhà nước lại không đơn giản như vậy. Sân chơi và luật chơi hiện tại của các doanh nghiệp này có quá nhiều điểm khác biệt với sân chung và vì vậy, thật không dễ dàng cho việc chuyển đổi! Để giải quyết vấn đề này, Dự Luật đã dự liệu một khoảng thời gian quá độ là 4 năm. Khoảng thời gian này là dài hay ngắn? Sẽ là ngắn nếu không ai muốn làm gì! Và sẽ là quá dài nếu biết “sốt ruột” với hiện tại!
Có người cho rằng Luật Doanh nghiệp mới sẽ là điểm kết thúc sự tồn tại của các DNNN. Đây là cách hiểu không chính xác bởi Dự Luật chỉ hiện đại hoá các quy định về tổ chức, quản trị và hoạt động của Công ty NN theo hướng hiệu quả hơn, minh bạch hơn. Dự Luật không tác động trực tiếp đến việc thay đổi số vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp này.
Trụ cột thứ hai: Một cơ chế quản lý thông thoáng, tôn trọng quyền tự do kinh doanh
Quyền tự do kinh doanh là điều đã được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hoá trong Luật Doanh nghiệp 1999. Dự Luật là sự tiếp nối và cụ thể hoá quyền hiến định này thông qua nhiều chế định khác nhau. Ở giai đoạn gia nhập thị trường, chế độ “xin-cho” để thành lập doanh nghiệp đã được thay thế hoàn toàn bởi cơ chế đăng ký kinh doanh tự động. Trong quá trình hoạt động, quyền tự chủ của doanh nghiệp được ghi nhận trong hầu hết các vấn đề quản trị, tổ chức cũng như hoạt động kinh doanh.
Có ý kiến cho rằng cơ chế thành lập doanh nghiệp thông thoáng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp “ma” – thành lập để lừa đảo, mua bán hoá đơn… Về điểm này, cần nhấn mạnh rằng đây là những doanh nghiệp có thực, được thành lập hợp pháp và được Nhà nước thừa nhận. Vấn đề là sau khi được thành lập, họ có hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước và xã hội. Như vậy, giải pháp để ngăn chặn hiện tượng này cần tập trung vào khâu thực thi, hậu kiểm để giám sát hoạt động và xử lý vi phạm kịp thời, chứ không phải là thắt chặt thủ tục thành lập. Bắt cho đúng mạch mới trị được bệnh.
Trụ cột thứ ba: Một chế độ quản trị hiện đại, minh bạch
Dự Luật đã thực hiện những bổ sung cơ bản, hoàn thiện các nguyên tắc quản trị tại Luật Doanh nghiệp 1999 trên cơ sở những thông lệ quản trị hiện đại và hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới áp dụng. Các chỉnh sửa tập trung vào việc minh bạch hoá và tăng cường kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền của nhóm thiểu số, nhấn mạnh một số nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng từ những nguyên tắc trong Luật đến thực tế quản trị doanh nghiệp là một khoảng cách khá xa. Cho đến khi nào ảnh hưởng của chủ nghĩa gia đình, bạn bè không còn ngự trị trong quản trị kinh doanh ở nước ta thì mới có thể thực sự hy vọng ở tác động tích cực của các nguyên tắc quản trị này.
Với ba trụ cột này của Dự Luật, chúng ta có quyền hy vọng vào một cú hích mới trong môi trường kinh doanh nước ta. Mặc dù vậy, tương lai này sẽ không hoàn toàn chắc chắn nếu những vấn đề thực tiễn áp dụng không được giải quyết thấu đáo. Thủ tục gia nhập thị trường dù đơn giản nhưng nếu cơ chế một cửa không được áp dụng, các trình tự không được thống nhất,… thì nguy cơ nhũng nhiễu, gây khó khăn làm nản lòng nhà đầu tư vẫn treo lơ lửng. Cũng như vậy, nếu cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp không được nhanh chóng thiết lập, nếu các mẫu kê khai tài chính phức tạp và thiếu hợp lý, nếu cơ chế giám sát việc nộp báo cáo của doanh nghiệp không hiệu quả, nếu không có một cơ quan đăng ký kinh doanh hoạt động hữu hiệu… thì hiện tượng “mờ mờ nhân ảnh” trong hoạt động kinh doanh có thể sẽ không được cải thiện.
Tóm lại, với Dự Luật Doanh nghiệp, môi trường kinh doanh Việt Nam đã có được những điều kiện cần cho một cú hích mới. Nhưng còn nhiều việc phải làm để có những điều kiện đủ cho cú hích này./
LS Trần Hữu Huỳnh
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
(Bài viết đã được trích đăng trên Báo Lao động số ra ngày 11/11/2005)
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, Dự thảo hiện tại của Luật dường như đang tiến rất gần đến mục tiêu này. “Cú hích mới” đã sẵn sàng với ba trụ cột vững chắc.
Trụ cột thứ nhất: Một sân chơi chung với luật chơi bình đẳng
Dự Luật được thiết kế chung cho các chủ thể kinh doanh, không phân biệt doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, vốn tư nhân hay vốn nhà nước. Bên cạnh các quy định chung, các chế định cụ thể được áp dụng cho từng loại doanh nghiệp (bao gồm Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Công ty Hợp danh, DNTN) mà không phân biệt loại vốn và nguồn gốc vốn trong mỗi loại hình doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc chuyển từ “sân riêng” (Luật Đầu tư nước ngoài) sang “sân chung” này đã nhận được hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, là một tín hiệu tốt cho môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, việc chuyển sân riêng của các Công ty Nhà nước lại không đơn giản như vậy. Sân chơi và luật chơi hiện tại của các doanh nghiệp này có quá nhiều điểm khác biệt với sân chung và vì vậy, thật không dễ dàng cho việc chuyển đổi! Để giải quyết vấn đề này, Dự Luật đã dự liệu một khoảng thời gian quá độ là 4 năm. Khoảng thời gian này là dài hay ngắn? Sẽ là ngắn nếu không ai muốn làm gì! Và sẽ là quá dài nếu biết “sốt ruột” với hiện tại!
Có người cho rằng Luật Doanh nghiệp mới sẽ là điểm kết thúc sự tồn tại của các DNNN. Đây là cách hiểu không chính xác bởi Dự Luật chỉ hiện đại hoá các quy định về tổ chức, quản trị và hoạt động của Công ty NN theo hướng hiệu quả hơn, minh bạch hơn. Dự Luật không tác động trực tiếp đến việc thay đổi số vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp này.
Trụ cột thứ hai: Một cơ chế quản lý thông thoáng, tôn trọng quyền tự do kinh doanh
Quyền tự do kinh doanh là điều đã được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hoá trong Luật Doanh nghiệp 1999. Dự Luật là sự tiếp nối và cụ thể hoá quyền hiến định này thông qua nhiều chế định khác nhau. Ở giai đoạn gia nhập thị trường, chế độ “xin-cho” để thành lập doanh nghiệp đã được thay thế hoàn toàn bởi cơ chế đăng ký kinh doanh tự động. Trong quá trình hoạt động, quyền tự chủ của doanh nghiệp được ghi nhận trong hầu hết các vấn đề quản trị, tổ chức cũng như hoạt động kinh doanh.
Có ý kiến cho rằng cơ chế thành lập doanh nghiệp thông thoáng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp “ma” – thành lập để lừa đảo, mua bán hoá đơn… Về điểm này, cần nhấn mạnh rằng đây là những doanh nghiệp có thực, được thành lập hợp pháp và được Nhà nước thừa nhận. Vấn đề là sau khi được thành lập, họ có hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước và xã hội. Như vậy, giải pháp để ngăn chặn hiện tượng này cần tập trung vào khâu thực thi, hậu kiểm để giám sát hoạt động và xử lý vi phạm kịp thời, chứ không phải là thắt chặt thủ tục thành lập. Bắt cho đúng mạch mới trị được bệnh.
Trụ cột thứ ba: Một chế độ quản trị hiện đại, minh bạch
Dự Luật đã thực hiện những bổ sung cơ bản, hoàn thiện các nguyên tắc quản trị tại Luật Doanh nghiệp 1999 trên cơ sở những thông lệ quản trị hiện đại và hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới áp dụng. Các chỉnh sửa tập trung vào việc minh bạch hoá và tăng cường kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền của nhóm thiểu số, nhấn mạnh một số nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng từ những nguyên tắc trong Luật đến thực tế quản trị doanh nghiệp là một khoảng cách khá xa. Cho đến khi nào ảnh hưởng của chủ nghĩa gia đình, bạn bè không còn ngự trị trong quản trị kinh doanh ở nước ta thì mới có thể thực sự hy vọng ở tác động tích cực của các nguyên tắc quản trị này.
Với ba trụ cột này của Dự Luật, chúng ta có quyền hy vọng vào một cú hích mới trong môi trường kinh doanh nước ta. Mặc dù vậy, tương lai này sẽ không hoàn toàn chắc chắn nếu những vấn đề thực tiễn áp dụng không được giải quyết thấu đáo. Thủ tục gia nhập thị trường dù đơn giản nhưng nếu cơ chế một cửa không được áp dụng, các trình tự không được thống nhất,… thì nguy cơ nhũng nhiễu, gây khó khăn làm nản lòng nhà đầu tư vẫn treo lơ lửng. Cũng như vậy, nếu cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp không được nhanh chóng thiết lập, nếu các mẫu kê khai tài chính phức tạp và thiếu hợp lý, nếu cơ chế giám sát việc nộp báo cáo của doanh nghiệp không hiệu quả, nếu không có một cơ quan đăng ký kinh doanh hoạt động hữu hiệu… thì hiện tượng “mờ mờ nhân ảnh” trong hoạt động kinh doanh có thể sẽ không được cải thiện.
Tóm lại, với Dự Luật Doanh nghiệp, môi trường kinh doanh Việt Nam đã có được những điều kiện cần cho một cú hích mới. Nhưng còn nhiều việc phải làm để có những điều kiện đủ cho cú hích này./
LS Trần Hữu Huỳnh
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
(Bài viết đã được trích đăng trên Báo Lao động số ra ngày 11/11/2005)