Công văn gửi Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội về Dự thảo Luật quảng cáo

Thứ Năm 14:33 14-06-2012

PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
-----------------------------
Số:   1273 /PTM-PC
V/v Kiến nghị về Đề xuất cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi trong
 Dự thảo Luật Quảng cáo 
                                                                                                                                                          Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2012

                                                               Kính gửi: Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội

Tại buổi thảo luận ở Hội trường về Dự thảo Luật Quảng cáo buổi sáng, ngày 30/05/2012, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị Dự thảo Luật Quảng cáo bổ sung quy định cấm quảng cáo sữa cho trẻ nhỏ từ dưới 24 tháng tuổi (gọi tắt là “Đề xuất”), thay vì giới hạn 12 tháng như đang được quy định trong Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006 của Chính phủ về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ em. Về Đề xuất này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, có một số ý kiến như sau: 

 
1. Đề xuất chưa phù hợp với pháp luật quốc tế
Một trong những căn cứ mà Đề xuất viện dẫn là khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thể hiện trong “Bộ Quy tắc Quốc tế về Bán ra thị trường các sản phẩm thay thế sữa mẹ”  ban hành năm 1981 (gọi tắt là “Bộ Quy tắc”), việc cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. (Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng được xây dựng phù hợp với quy định này, thể hiện qua việc xác định mục tiêu: “Tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 27% vào năm 2015 và đạt 35% vào năm 2020”).

Về phạm vi điều chỉnh, Bộ Quy tắc chỉ áp dụng cho các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bao gồm sữa công thức cho trẻ sơ sinh từ bốn đến sáu tháng tuổi (Điều 3). Theo tuyên bố của Chủ tịch Ban lãnh đạo WHO khi ban hành Bộ quy tắc vào năm 1981: “việc tham chiếu của Bộ quy tắc tới các sản phẩm được sử dụng để thay thế một phần hay hoàn toàn cho sữa mẹ không nhằm mục đích áp dụng cho thức ăn bổ sung, trừ khi thức ăn này được tiếp thị như là sản phẩm phù hợp để thay thế một phần hay hoàn toàn cho sữa mẹ. Miễn là các nhà sản xuất và phân phối của sản phẩm này không quảng cáo đó là sản phẩm phù hợp sử dụng thay thế một phần hay hoàn toàn cho sữa mẹ, thì các điều khoản của Bộ quy tắc WHO liên quan đến giới hạn quảng cáo và các hoạt động tiếp thị khác không áp dụng đến các sản phẩm này”

Trong một văn bản giải trình về việc áp dụng Bộ Qui tắc vào năm 2001, WHO nhấn mạnh: “Theo quan sát của WHO, nếu sản phẩm sữa follow-up [chú thích của WHO: follow-up là tên gọi của sữa dành cho trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi theo định nghĩa của CODEX, cơ quan quốc tế chuyên về tiêu chuẩn thực phẩm] không được bán hoặc giới thiệu để sử dụng thay thế cho sữa mẹ, thì phải nói một cách chính xác là các sản phẩm follow-up không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ Quy tắc quốc tế. Tuy nhiên, WHO cũng nói rõ rằng, thể theo tinh thần của Bộ Qui tắc, cũng có thể có khả năng xuất hiện một vài cơ sở để một số cơ quan có thẩm quyền ở một số nước đưa sản phẩm follow-up vào phạm vi quản lý trong một vài trường hợp đặc biệt”.

Như vậy, lập luận cho rằng Việt Nam phải mở rộng phạm vi cấm quảng cáo để phù hợp với pháp luật quốc tế là chưa phù hợp, vì Bộ quy tắc này chỉ áp dụng cho các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bao gồm sữa công thức cho trẻ sơ sinh từ bốn đến sáu tháng tuổi.

2. Đề xuất chưa dựa trên bằng chứng khoa học và đi ngược với chính sách về cải thiện dinh dưỡng và phát triển ngành sữa Việt Nam 

- WHO là một tổ chức có trách nhiệm cao nhất trên bình diện quốc tế và có uy tín nhất về các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng. Do đó, các khuyến nghị của tổ chức về mốc dưới 6 tháng tuổi không phải là ngẫu nhiên và không có  căn cứ, mà đã được dựa trên một số  bằng chứng khoa học khách quan.

Theo Báo cáo nghiên cứu Khối lượng và Chất lượng của Sữa mẹ năm 1985 của WHO, sau 6 tháng tuổi, trẻ tất yếu sẽ cần sử dụng thức ăn bổ sung (bao gồm cả sữa công thức cho trẻ sau 6 tháng tuổi), vì “chỉ có một tỷ lệ nhỏ  người mẹ [có đủ khối lượng và chất lượng sữa tốt] có thể đáp ứng nhu cầu [dinh dưỡng] của một trẻ cân nặng khoảng 7kg”.

WHO cũng kết luận trong báo cáo này là: “Những luận điểm khuyến khích bú sữa mẹ là rất hợp lý. Cho con bú sữa mẹ vừa kinh tế, vừa bổ sung các chất đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên, việc kêu gọi kéo dài thời gian bú mẹ đã đánh giá thấp sự thật là dù sớm hay muộn nguồn cung cấp (về khối lượng và chất lượng) sữa mẹ sẽ không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ và việc bổ sung thức ăn khác là không thể tránh khỏi”.

Do vậy, một trong các giải pháp cơ bản của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, được phê duyệt theo Quyết định Số: 226/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, là “khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và cung ứng các sản phẩm dinh dưỡng đặc thù hỗ trợ cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Để đạt được mục tiêu này, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (Quyết định 3399/QĐ-BCT) cũng đã xác định “công tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cần được đẩy mạnh, trong đó có công tác quảng bá và tiếp thị sản phẩm sữa đóng một vai trò quan trọng”.

3. Đề xuất làm ảnh hưởng quyền tiếp cận thông tin của các bà mẹ
Việc cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ sơ sinh đến 24 tháng tuổi có thể được xem là một hình thức tước đoạt quyền tiếp cận thông tin đối với hàng trăm ngàn bà mẹ Việt Nam đang phải sử dụng sữa và các nguồn dinh dưỡng bổ sung khác để nuôi con sau 6 tháng tuổi. Khi đó, các bà mẹ sẽ thiếu thông tin về một số lượng lớn các chủng loại sữa đang có mặt trên thị trường (theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, từ năm 2010 đến nay, Cục đã cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm cho 838 sản phẩm sữa ). Việc cấm quảng cáo sẽ làm cho người tiêu dùng hoàn toàn sẽ không có thông tin rõ ràng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và các vi chất của loại sữa đã được Bộ Y tế kiểm định.

Quyền tiếp cận thông tin là một quyền quan trọng của con người, được đề cập trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Ở nước ta, quyền này của công dân cũng được thừa nhận trong Điều 69 của Hiến pháp năm 1992 và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp. Điều 19, khoản 2 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện thông tin đại chúng khác, tuỳ theo sự lựa chọn của họ”. 

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Khoản 2, Khoản 3 Điều 8, cũng quy định người tiêu dùng có quyền: Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.; Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Đề xuất có thể làm hạn chế sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường sữa công thức
Theo Bộ Công thương, sữa bột nhập khẩu hiện chiếm thị phần trên thị trường khá cao (khoảng 72%), sữa bột trong nước sản xuất thị phần chiếm ít hơn là Vinamilk (20%), Nutifood (5%) và khoảng dưới 10% doanh nghiệp nhỏ trong nước không có thương hiệu nhập về đóng gói. Các hãng lớn đã có nhiều năm xây dựng thương hiệu, được dân chúng biết đển rộng rãi, như vậy là trước khi Việt Nam giới hạn hoạt động quảng cáo sữa, các hãng này đã tận dụng cơ hội để phát triển và củng cố thương hiệu của họ ở thị trường Việt Nam.

Việc thực hiện Đề xuất này sẽ tạo ra rào cản gia nhập thị trường và hoạt động xây dựng thương hiệu đối với các hãng sữa chưa có thương hiệu. Đề xuất này sẽ gây nên một tác động không cân xứng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Các nhà sản xuất trong nước mới gia nhập thị trường sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn, vì họ chưa xây dựng được chỗ đứng trên bất kỳ thị trường nào, trong khi các hãng nước ngoài ít nhất là đã có thương hiệu ở nước khác. Đề xuất này này sẽ giúp duy trì địa vị thống trị của các hãng sữa đã có thương hiệu trên thị trường Việt Nam hiện nay, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cạnh tranh và quyền lợi người tiêu dùng.

Trên đây là ý kiến phản hồi về Đề xuất bổ sung nội dung cấm quảng cáo sữa cho trẻ nhỏ từ dưới 24 tháng tuổi vào Dự thảo Luật Quảng cáo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hy vọng những ý kiến trên sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho Ông Chủ tịch, các đại biểu Quốc hội cân nhắc, xem xét trước khi quyết định những vấn đề quan trọng.
Trân trọng cảm ơn!

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban TT (để b/c);
- Lưu VT, PC.
- Bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch, Quốc hội
- Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
- Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội
- Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội
- Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm, Uỷ ban Pháp luật, Quốc hội
- Ông Nguyễn Tuấn Anh, Bộ trưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng, Bộ Y tế       

 CHỦ TỊCH

VŨ TIẾN LỘC

Các văn bản liên quan