Công văn số 0760/LĐTM-PC ngày 21/5/2025 về việc góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ
Công văn số 0761/LĐTM-PC ngày 21/5/2025 về việc góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2021/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá
Kính gửi: Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 3019/BTC-CT ngày 13/3/2025 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2021/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Quy trình mua tem
Điều 1.1.c Dự thảo (sửa đổi Điều 5.3 Thông tư 23/2021/TT-BTC) quy định cơ quan bán tem cho doanh nghiệp là Chi cục Hải quan khu vực. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này không phù hợp với thực tiễn mua tem trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá. Khi thực hiện mua tem tại Chi cục Hải quan, doanh nghiệp thực hiện báo cáo tem trên Hệ thống HQ 36a tại Chi cục đó khi hàng hoá được nhập khẩu về. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát sinh các trường hợp như sau:
– Thay đổi Chi cục Hải quan nhập khẩu: Vì vấn đề thương mại, doanh nghiệp nhập khẩu hàng tại một Chi cục Hải quan khác với Chi cục Hải quan mua tem ban đầu, ví dụ như tem mua tại Chi cục Hải quan sân bay nhưng hàng nhập về theo đường biển. Trong trường hợp này, doanh nghiệp chưa biết cách thức thực hiện việc báo cáo tem do chưa có hướng dẫn;
– Thay đổi nhà cung cấp: hợp đồng ngoại thương liên quan bị huỷ, không thực hiện được nên doanh nghiệp buộc phải chuyển số tem đã mua cho nhà cung cấp mới. Tuy nhiên, đối tác chuyển hàng về Việt Nam tại Chi cục khác với Chi cục mua tem ban đầu;
Để tạo thuận lợi cho công tác mua tem điện tử, đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi cơ chế bán tem theo hướng cấp tem định kỳ theo số lượng vừa đủ dựa theo kế hoạch nhập khẩu dự kiến của đơn vị. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về quy trình thông tin trong các trường hợp thay đổi như trên
- Báo cáo tình hình sử dụng tem
Điều 1.1.d Dự thảo (sửa đổi Điều 5.4 Thông tư 23/2021/TT-BTC) quy định doanh nghiệp phải khai báo nhiều thông tin về tem điện tử, trong đó có thống kế từng số seri tem. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này không khả thi với phương pháp dán tem bằng máy. Cụ thể, tem đưa vào máy dán tem, đi qua hệ thống hút tem ra khỏi khay sau đó được bôi keo tự động và dán vào sản phẩm trên băng chuyền. Trong quá trình này, máy chạy tốc độ cao có thể khiến tem hỏng hóc, rơi ra, bị kẹt. Vì vậy doanh nghiệp chỉ có thể thống kê được số tem ở đầu vào, số lượng tem không dán được bị thải ra khỏi dây chuyên theo phương pháp loại trừ. Khi đó, việc khai báo số seri của những con tem được dán thành công là không thể chính xác, phát sinh rất nhiều thời gian và chi phí. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi quy định báo cáo tình hình sử dụng tem theo hướng chỉ báo cáo số lượng tem mà không cần báo cáo ký hiệu mẫu số tem, ký hiệu tem, mã số thuế (số seri).
- Dữ liệu đưa vào Hệ thống quản lý tem điện tử
Điều 1.2.c Dự thảo (bổ sung Điều 6.2.c3 Thông tư 23/2021/TT-BTC) quy định phải quét mã QR trên tem và nhập các dữ liệu để kết nối thông tin về Hệ thống quản lý tem điện tử. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này gây khó khăn trong việc thực hiện, không có tính khả thi trên thực tế, cụ thể:
- Các dữ liệu tem điện tử phải nhập vào Hệ thống
Thực tiễn sản xuất, tem điện tử thường xuất cho bộ phận sản xuất theo thùng tem nguyên (100.000 con tem/thùng) và chỉ được quét mã QR gắn trên thùng tem. Mỗi thùng tem được đưa vào các dây chuyền sản xuất theo mỗi ca và các dây chuyền theo từng ca có thể sản xuất đồng thời nhiều nhãn hiệu, loại sản phẩm khác nhau. Như vậy, tại thời điểm xuất tem, doanh nghiệp chưa thể xác định ngay các dữ liệu như tên hàng hoá, đơn giá sản phẩm, thời gian sản xuất, cụ thể như sau:
– Tên hàng hoá: các dây chuyền trong một ca sản xuất đồng thời nhiều nhãn/loại sản phẩm khác nhau nên các doanh nghiệp không cố định được dòng sản phẩm tương ứng với số lượng tem của toàn bộ thùng tem;
– Đơn giá sản phẩm: đơn giá bán là khác biệt với từng loại sản phẩm và có thể thay đổi theo từng thời kỳ. Do vậy, việc yêu cầu nhập đơn giá trên Hệ thống là không phù hợp, gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Đồng thời, việc này cũng không ý nghĩa về mặt quản lý vì đơn giá sản phẩm đã thể hiện trên hoá đơn bán hàng;
– Thời gian sản xuất: số lượng tem sử dụng hàng ngày là rất lớn (mỗi ngày có thể lên đến hàng triệu tờ), đồng thời việc phân bổ cho từng sản phẩm cũng khác nhau tuỳ theo thực tế tình hình sản xuất. Quy định như vậy sẽ tạo ra gánh nặng thời gian lớn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể không đủ thời gian nếu khối lượng sản xuất lớn và sản phẩm đa dạng. Chưa kể đến trường hợp hư hỏng máy móc thì số lượng tem đã nhập ngày sản xuất sẽ không thể sử dụng cho ngày hôm sau;
Để không tăng nặng chi phí tuân thủ, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các thông tin về đơn giá bán sản phẩm, thời gian sản xuất và không mô tả cụ thể nhãn hiệu trong các dữ liệu cần nhập vào Hệ thống quản lý.
Góp ý tương tự với nội dung quy định tại Điều 1.2.g Dự thảo.
- Thời điểm quét mã QR và nhập dữ liệu vào Hệ thống
Quy định thời gian xuất tem cho bộ phận sản xuất phải quét mã QR và nhập dữ liệu là không phù hợp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp. Thông thường thời điểm quét mã QR và nhập dữ liệu vào Hệ thống nên là thời điểm bộ phận sản xuất đưa tem điện tử thuốc lá vào dây chuyền sản xuất. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng thời điểm quét mã QR và nhập dữ liệu vào Hệ thống là khi bộ phận sản xuất đưa tem điện tử thuốc lá vào dây chuyền sản xuất.
- Trường hợp tem điện tử để tiêu thụ trong nước bị hỏng
Điều 1.2.e Dự thảo quy định tem hỏng phải đáp ứng điều kiện “vỡ vụn thành nhiều mảnh, không còn dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường”. Theo phản ánh của doanh nghiệp, yêu cầu này mang tính định tính và gây ra vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc chứng minh, kê khai và kiểm đếm. Trên thực tế, một số mảnh nhỏ của tem dù vỡ vụn thành nhiều mảnh nhưng vẫn kẹt trong các bộ phận của máy móc và vẫn có thể nhận biết được bằng mắt thường. Khi đó, nếu áp dụng quy định trên, việc xác định tem bị hỏng hay không trở nên rất khó khăn. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ yêu cầu trên, có thể theo hướng tem đã vỡ vụn thành nhiều mảnh và các mảnh vụn này không còn thể hiện được các dấu hiệu nhận dạng/định danh một tem thuế cụ thể như số seri hoặc mã vạch QRcode in trên tem.
- Huỷ tem trong trường hợp huỷ sản phẩm
Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định hiện tại chỉ cho phép huỷ tem trong trường hợp tem bị hỏng. Tuy nhiên, chưa có quy định huỷ tem trong trường hợp sản phẩm gắn tem bị huỷ (hết hạn, không đạt chất lượng). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định này, có thể áp dụng quy định tương tự tem hỏng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2021/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.