Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế tại Hội thảo VCCI ngày 1/9/2015

Thứ Ba 14:44 01-09-2015

Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam.

Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A (C&A) nhận được đề nghị từ Quý phòng đề nghị tham gia ý kiến về bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật về thuế, C&A xin có ý kiến như sau:

1.Nhận xét chung:

Thời gian gần đây, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành nhiều Luật về thuế làm cho việc thực thi của doanh nghiệp rất khó khăn do Luật không ổn định hay thay đổi.Trong bản dự thảo Luật lần này, có nhiều luật đã tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế như Luật thuế TNCN: Kéo dài thời hạn quyết toán thuế TNCN cho cá nhân trực tiếp quyết toán thuế, nâng mức thu nhập miễn thuế cho cá nhân và hộ kinh doanh nhưng cũng có nhiều Luật sẽ tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp như việc hoàn thuế GTGT cho các dự án đầu tư mới, doanh nghiệp sẽ không được hoàn thuế cho dự án trong suốt giai đoạn đầu tư, tăng thêm gánh nặng về vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm dầu khí…do vậy các giải pháp đưa ra cần được cân nhắc thận trọng giữa việc khuyến khích Dn đầu tư phát triển sản xuất và việc tăng cường công tác quản lý, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Trên nguyên tắc này, chúng tôi xin tham gia một số nội dung cụ thể của Bản dự thảo như sau

2. Nội dung tham gia cụ thể:

2.1 Điều 1. Luật thuế TNDN:

2.1.1 Khoản 3 Điều 1: Để đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp đồng ý bổ sung điểm q vào khoản 2 Điều 9 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp khoản chi phí không được trừ: chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt một số lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, không nên phân chia theo ngành kinh doanh mà nên để một hệ số thống nhất cho các ngành. Để thực hiện khuyến cáo của OECD chúng tôi đề nghị lịch trình như sau:

+ Năm 2016 đến 2019: Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sỡ hữu là: 5/1.

+ Năm 2019 đến 2022: Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là : 4/1.

+Từ năm 2022 trở đi: Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là : 3/1.

Vốn chủ sở hữu trong năm được xác định bằng số trung bình cộng của số dư đầu kỳ và cuối kỳ.

Hiện nay, các doanh nghiệp thường kinh doanh nhiều ngành nghề, theo Luật đầu tư thì chỉ ưu đãi một số ngành nghề và địa bàn, để dễ trong thực hiện và công bằng giữa các ngành không nên chia theo lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực khác.

2.1.2 Khoản 4 Điều 1: Sửa Điều 12 nơi nộp thuế:

Theo quy định của Điều 35 Luật ngân sách số 65/QH13 thì: Quốc hội có quyền quyết định tỷ lệ phân chia ngân sách. Do vậy trong dự thảo của Điều này nên đưa luôn nguyên tắc phân chia nộp thuế TNDN của đơn vị kinh doanh thương mại và dịch vụ: Thương mại chia theo lãi gộp nếu hạch toán được hoặc chia theo vốn đầu tư. Các tiêu thức phân chia là cố định nhưng kết quả tỷ lệ phân chia từng năm sẽ khác nhau , để doanh nghiệp giảm thời gian tính toán hàng năm, cần bổ sung vào Luật: tỷ lệ phân chia của các năm sau sẽ được xác định theo năm đầu tiên trừ trường hợp có mở rộng quy mô đầu tư tại trụ sở chính hoặc /và cơ sở phu thuộc.

2.1.3 Khoản 5 Điều 1 sửa đổi Điều 13 ưu đãi về thuế suất:

-Đề nghị xem xét lại đoạn in đậm tại điểm b trong dự thảo: sản xuất các cụm chi tiết quan trọng, bao gồm: động cơ, cầu truyền động, hộp số - đoạn này không chỉ rõ các cụm chi tiết quan trọng này dùng cho sản phẩm nào ( xe máy, xe công nông…). Theo quy định tại Điều 16 Luật đầu tư thì ngành nghề ưu đãi đầu tư gồm sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp , otô , phụ tùng otô, đóng tàu vì vậy cần chỉ rõ những sản phẩn trên dùng cho loại nào?.

-Đề nghị xem lại quy định tại điểm d: Luật cần quy định dòng xe oto ưu tiên là những dòng xe nào. Luật dự thảo giao cho Chính phủ quy định dòng xe ưu tiên, trong khi đó Điều 16 Luật đầu tư quy định sản xuất otô là ngành được ưu đãi. Luật thuế có thể chỉ ưu đãi việc sản xuất một số loại xe nhất định nhưng đề nghị chi tiết các loại xe để thể hiện sự nhất quán , rõ ràng minh bạch trong Luật thuế.Nếu giao cho chính phủ thì phải nêu nguyên tắc xác định dòng xe ưu tiên trong luật.

2.2 Điều 2 Luật thuế TNCN:

2.2.1 Khoản 1 Điều 2: Thống nhất nâng doanh thu của của cá nhân kinh doanh từ 100 tr VNĐ lên 150tr VNĐ không phải khai thuế thu nhập cá nhân. Và đề nghị bổ sung thêm : Đối với cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 150 tr đồng/năm  thực hiện khai thuế TNCN theo quy định. Cần bổ sung thêm vì: hiện nay có ý kiến cho rằng: Cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 151 tr VNĐ/Nam phải khai thuế TNCN là bất lợi. Chúng tôi cho rằng các cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 151tr VNĐ/năm sẽ phải tính thu nhập chịu thuế ( DT- CP) và tính thu nhập tính thuế ( giảm trừ gia cảnh cho cá nhân và người ăn theo) sau đó mới tính thuế thì không có gì là bất hợp lý cả.

2.2.2 Tiết 2 khoản 2 Điều 2: Nên bổ sung nguyên tắc quy định mức thu nhập miễn thuế cho cá nhân khi chuyển nhượng đất và nhà ở duy nhất cho Chính phủ để tránh tùy tiện.

2.2.3 Khoản 3 Điều 2: Điều 5 Giảm thuế TNCN cho các cá nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao. Đề nghị bổ sung:  miễn thuế TNCN cho những cá nhân làm việc trực tiếp tại các khu công nghệ cao và khu kinh tế. Hiện nay, có nhiều cá nhân hưởng lương từ doanh nghiệp đặt trong khu kinh tế, khu công nghệ cao nhưng làm việc ở ngoài do vậy cần chỉ rõ đối tượng được ưu đãi thuế TNCN là cá nhân trực tiếp làm việc trong khu kinh tế và công nghệ cao.

2.2.4. Hiện nay, theo quy định của Luật thuế TNCN : Đối với cá nhân không cư trú có thu nhập phát sinh tại VN phải thực hiện nộp thuế 20% trên TN đó. Tuy nhiên , trong thực tế các cá nhân này rất khó thực hiện khai thuế vì sang VN với thời gian ngắn ( 2,4 ngày không biết đi xin mã số thuế TNCN ở đâu, kê khai thuế và nộp như thế nào?. Nhiều cá nhân liên hệ với các đơn vị tư vấn khai, sau đó về nước chuyển tiền nộp bằng ngoại tệ sẽ có chênh lệch so với khai báo xử lý như thế nào) nên đề nghị có văn bản hướng dẫn đối với những đối tượng không cư trú để việc nộp thuế được thực hiện một cách dễ dàng , thuận lợi nhất.

2.3.Luật thuế GTGT

2.3.1 Khoản 3 Điều 3: Đề nghị cân nhắc thêm tiết I khoản 3: Hàng hóa , dịch vụ xuất khẩu qua cửa khẩu phu, đường mòn, lối mở không được áp dụng thuế suất GTGT : 0% với lý do nhiều doanh nghiệp gian lận. Nếu không có giải pháp quản lý thì không cho áp dụng thuế suất 0% là chưa thỏa đáng: Cần có thêm tài liệu về loại hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở là gì, nguyên nhân vì sao không xuất được qua cửa khẩu quốc tế, hình thức gian lận chủ yếu là gì từ đó đưa giải pháp xử lý thỏa đáng. Nếu hàng VN chất lượng chưa đảm bảo để đi qua cửa khẩu quốc tế thì nên cân nhắc lại tiết I tạo điều kiện cho DN VN, tạo việc làm cho người lao động và có chế tài nghiêm đối với các doanh nghiệp gian lận để được hoàn thuế.

2.3.2 Tiết 1 khoản 5 Điều 3: Đề nghị cân nhắc lại đoạn: Trường hợp cơ sở kinh doanh: Kê khai khống vốn diều lệ, cố ý định giá tài sản không đúng giá trị….thì không được hoàn thuế mà được kết chuyển khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

Theo chúng tôi những vi phạm liệt kê ở đoàn này điều liên quan đến Luật doanh nghiệp  khi doanh nghiệp vi phạm các điều này sẽ bị xử lý theo quy định của các Luật trên. Luật thuế cũng có thể quy định các hành vi vi phạm luật DN, Luật đầu tư không được hoàn thuế nhưng những vi phạm đó phải định lượng được: Luật dùng các cụm từ: Khai khống, cố ý đánh giá tài sản…là chưa rõ ràng làm cho doanh nghiệp rất lo lắng. Mặt khác: Việc kết chuyển số thuế vào kỳ sau hay hoàn thuế cũng làm giảm số thuế thu được của nhà nước nên việc đưa các giải pháp này chúng tôi thấy chưa thỏa đáng. Cùng hành vi vi phạm được làm giảm số thuế phải nộp ngay tại cơ sở nhưng không được lấy tiền trực tiếp tại NSNN.

Ở khoản 2 của tiết này, chúng tôi đề nghị viết lại cho rõ: Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư mới trong trường hợp: dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, dự án mới của cơ sở kinh doanh đang hoạt động ( được bù trừ với hoạt động kinh doanh)…

2.4 Luật thuế TTĐB.

2.4.1 Tiết 2 khoản 1 Điều 4: Đề nghị sửa lại tiết 2 khoản 1 Điều 4 cho rõ nghĩa và phù hợp quy định tại tiết 1: Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, giá tính thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu được tình bàng giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế NK thì giá tính thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn giảm. Khi cơ sở nhập khẩu bán ra, cơ sở nhập khẩu sẽ thực hiện khai thuế TTĐB trên giá bán ra theo quy định của Luật này.

2.4.2 Khoản 2 sửa đổi về thuế suất thuế TTĐB.

Đề nghị xem xét sử dụng phương án 2, do cơ sở hạ tầng của VN còn khó khăn và việc cắt giảm thuế NK ảnh hưởng đến thu ngân sách.

2.5 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Điều 5. Đề nghị xem lại khoản 10: Hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp còn phải nộp hàng năm dưới 50.000 đ. Nguồn thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp không lớn nhưng ở đồng bằng và thành thị rất dễ thu. Do vậy đề nghị chỉ quy định: Đối với hộ gia đình và cá nhân ở địa bàn khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn có số phải nộp hàng năm dưới 50.000 đ thì được miễn thuế.

2.6 Luật quản lý thuế:

2.6.1 Đề nghị xem xét lại điểm 11 khoản 1 Điều 7: Người nộp thuế phải thực hiện khai, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử….

Dự thảo Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016 thì khả năng tất cả người nộp thuế phải thực hiện mở tài khoản tại ngân hàng để tham gia nộp thuế điện tử là không thể. Mặt khác cơ quan thuế cũng cần có thời gian để DN chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuê cho toàn bộ người nộp thuế, thời gian tuyên truyền hướng dẫn người nộp thuế khai, nộp thuế điện tử, do vậy quy định trên là không khả thi và mâu thuẫn với khoản 3 Chính phủ có trách nhiệm xây dựng chính sách khuyến khích DN sử dụng hóa đơn điện tử. ( trên thì bắt buộc , dưới lại khuyến khích) . Nếu không muốn người nộp thuế vi phạm Luật thì Điều này cần có lộ trình để người nộp thuế chuẩn bị.

2.6.2. Đề nghị kéo dài thời hạn quyết toán thuế TNCN của những cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế đến 30/6 năm tiếp theo năm phát sinh nghĩa vụ thuế nhằm giảm áp lực về thời gian trong việc cung cấp chứng từ nộp thuế của các doanh nghiệp cho cá nhân và việc nhận hồ sơ quyết toán thuế cho cơ quan thuế.

2.6.3.Tiết 1 khoản 7 Điều 7: Đồng ý giao cho Chính phủ quy định mức tính tièn chậm nộp nhưng cần bổ sung thêm đoạn. Mức chậm nộp tối thiểu phải bằng 150% so với lãi suất cho vay của ngân hàng, nhằm tránh doanh nghiệp sử dụng tiền thuế thay vì vay ngân hàng thủ tục phức tạp,có tài sản đảm bảokhoản vay…

2.6.4 Việc xóa tiền thuế tiền chậm nộp: Cơ quan thuế cần phân loại các khoản nợ theo quy mô và thời gian nợ từ đó đưa biện pháp phù hợp để xử lý. Ví dụ: Các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt từ 50.000 đ trở xuống có tuổi nợ 03 năm thì Cục Trưởng có quyền xóa nợ để đảm bảo tiết kiệm chi phí theo dõi; Các khoản nợ lớn hơn có điều kiện để xóa..

Trên đây là một số ý kiến của Công ty TNHH tư vấn thuế C&A về  bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật Thuế.

Xin trân trọng cám ơn.

Các văn bản liên quan