Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát và Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế tại Hội thảo VCCI ngày 1/9/2015

Thứ Ba 14:43 01-09-2015

Kính gửi: Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt nam (VCCI)

BẢN KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Ý kiến đóng góp của Nhóm các Nhà Công nghiệp Quốc tế là hội viên của Hiệp hội VBA đồng thời là hội viên của tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh thuộc Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam

Các điểm chính

§  Nhóm các Nhà Công nghiệp Quốc tế là hội viên của Hiệp hội VBA (các hội viên quốc tế) đồng thời là hội viên của tiểu ban Rượu vang và rượu mạnh thuộc phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam ghi nhận những thách thức về kinh tế mà Việt Nam đang đối mặt và những nỗ lực của Bộ Tài Chính trong việc gia tăng nguồn thu ngân sách từ thuế. Cụ thể là việc ban hành Luật số 70/2014/QH13 về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, có hiệu lực thi hành bắt đầu từ 1/1/2016 với mức tăng như sau:

- Rượu từ 20 độ trở lên:

+ từ 1/1/2016 đến hết 31/12/2016: 55%

+ từ 1/1/2017 đến hết 31/12/2017: 60%

+ từ 1/1/2018: 65%

- Rượu dưới 20 độ:

            + từ 1/1/2015 đến hết 31/12/2017: 30%

            + từ 1/1/2018: 35%

§  Các hội viên quốc tế đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại của mình về mức thuế đối với rượu, có thể không đem lại hiệu quả như mong đợi và:

(a) khuyến khích hoạt động kinh doanh rượu trốn thuế/không đóng thuế bao gồm rượu phi thương mại, rượu giả, rượu bất hợp pháp và rượu nhập lậu,

(b) không đảm bảo đạt được mục tiêu của chính phủ về tăng ngân sách từ thuế trong ngắn hoặc dài hạn

(c) gây khó khăn cho các doanh nghiệp chân chính, kinh doanh hợp pháp, có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế và xã hội, và

(d) không hỗ trợ tích cực cho các vấn đề liên quan tới sức khỏe.

§  Gần đây, các hội viên quốc tế rất lo lắng về đề xuất tại Tờ Trình của Bộ Tài chính kèm theo Công văn số 11140/BTC-CST ngày 13/8/2015 (“Công văn 11140”) về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số Điều tại các Luật về thuế trong đó có một thay đổi đáng kể về giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu, cụ thể như sau:

Luật số 27/2008/QH12 về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (“Luật số 27”)

Dự thảo sửa đổi

Điều 6. Giá tính thuế

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hoá, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt và chưa có thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:

1. Đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra;  

2. Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu.

Điều 6. Giá tính thuế

Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hoá, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt và chưa có thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:

1. Đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra; đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra;

Trường hợp bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do các công ty con bán ra thị trường (trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi). Quan hệ công ty mẹ, công ty con được xác định theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Đối với hàng hóa nhập khẩu tại khâu nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu.

§  Các hội viên quốc tế rất bất ngờ với đề xuất này và có thể thấy ngay tác động vô cùng lớn tới hoạt động kinh doanh nếu đề xuất này được phê duyệt.

§  Các hội viên quốc tế lưu tâm tới việc Quốc hội mới thông qua Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 (“Luật số 70”); Luật số 71/2014/QH13 về Luật sửa đổi bổ sung một số điều về các luật thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 (“Luật số 71”). Nghị quyết số 89/2015/QH13 về Điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 (“Nghị quyết 89”).

1. Giới thiệu

Phòng Thương mại Châu Âu – Tiểu ban Rượu vang và rượu mạnh là cơ quan đại diện cho các công ty rượu vang và rượu mạnh quốc tế tại Việt Nam. Tiểu ban đại diện cho lợi ích và các mối quan tâm chung của các hội viên bao gồm tiếp cận thị trường, thuế, quy chế, tiếp thị, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm và chính sách về đồ uống có cồn. 

Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với ngành hàng rượu vang và rượu mạnh Châu Âu và càng trở nên quan trọng hơn khi Việt nam có định hướng tự do hóa thương mại, phát triển đầu tư trực tiếp nước ngoài và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu mới nổi. Việc Liên minh Châu Âu và Việt nam ký thỏa thuận nguyên tắc về Hiệp định thương mại tư do EU-Việt Nam (FTA) vào đầu tháng 8 vừa qua là một bằng chứng cho thấy nỗ lực của hai bên và tiềm năng phát triển và tham vọng Việt Nam trở thành một cường quốc kinh tế ở ASEAN.

Trong khi ngành hàng lạc quan về những triển vọng thương mại và đầu tư trong tương lai thì chúng tôi tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức về thương mại, thuế quan và quy chế khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Ngoài ra, trong khi Bộ tài chính dự thảo Nghị định thi hành Luật số 70, với những đề xuất sửa đổi cách tính thuế TTĐB thì phát sinh kiến nghị về việc những đề xuất này có thể trái với quy định hiện hành (Luật số 28 và Luật số 70) nên Bộ tài chính đã có Công văn số 11140 và Tờ trình trình Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều về các luật thuế trong đó có đề xuất sửa đối về giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu (trong đó có mặt hàng rượu nhập khẩu từ Châu Âu).

2. Quan điểm của các hội viên quốc tế về đề xuất của Bộ tài chính về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều về các luật thuế

Các hội viên quốc tế vô cùng quan ngạibất ngờ về đề xuất này vì những lý do sau:

§  Đề xuất thay đổi về giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu đã buộc Bộ Tài chính phải đề xuất lên chính phủ để sửa đổi một số luật thuế vừa mới ban hành hoặc mới ban hành nhưng chưa đề cập đến tại Luật số 70 và Luật số 71.

§  Các hội viên quốc tế bất ngờ với việc Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều về các luật thuế với dự kiến trình Chính phủ tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 13 (dự kiến họp vào tháng 10 -11/2015) hiện không nằm trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2015 sửa đổi ban hành kèm theo Nghị quyết 89/2015/QH13 ngày 9/6/2015. Chúng tôi kiến nghị việc sửa đổi Luật cần tuân thủ theo đúng quy trình và thủ tục quy định trong Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo cần được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các bộ ngành, các bên liên quan, đặc biệt là các bên chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi về luật và phải có đủ thời gian cần thiết để doanh nghiệp có thể chủ động trong việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình cho phù hợp với quy định mới.

3. Quan điểm của các hội viên quốc tế về đề xuất của Bộ tài chính về thay đổi về giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu.

§  Theo đề xuất mới của của Bộ tài chính[1]:

+ Đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra;

+ Đối với hàng hóa nhập khẩu, tại khâu nhập khẩu, là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu.

Bộ Tài chính cho rằng đối với hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất, bao gồm giá thành sản xuất (hay giá vốn) cộng (+) với chi phí bán hàng trong nước (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành,... nếu có), cộng (+) với lãi của người nộp thuế.  Đối với hàng hóa nhập khẩu, giá tính thuế TTĐB bao gồm giá tính thuế nhập khẩu (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên hay còn gọi là giá C.I.F) cộng (+) với thuế nhập khẩu. Việc cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do có tác động tới thuế suất thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng giảm dần và về mức 0%. Nếu tiếp tục duy trì quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu như hiện hành (với khác biệt về chi phí lưu thông, bán hàng trong nước giữa cơ sở sản xuất và cơ sở nhập khẩu) thì không chỉ có mặt hàng ô tô, điều hòa nhiệt độ mà các mặt hàng khác như rượu, bia,... nhập khẩu càng có lợi thế cạnh tranh về giá so với những sản phẩm sản xuất trong nước.

+ Các hội viên quốc tế cho rằng Bộ Tài chính đã có sự liên kết giữa thuế nhập khẩu và thuế TTĐB. Việc cắt giảm thuế suất theo các Hiệp định thương mại tự do là kết quả đàm phán đảm bảo lợi ích của các bên tham gia hiệp định (các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu cũng được cắt giảm thuế suất) và điều này đã được tính tới trong quá trình đàm phán.

+ Hơn nữa, rượu nhập khẩu chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ trong tổng lượng rượu tiêu thụ tại Việt Nam với các loại rượu cao cấp không cạnh tranh trực tiếp với rượu sản xuất trong nước. Vì vậy, cho dù thuế suất trong các FTA đối với rượu nhập khẩu được cắt giảm thì cũng không mang lại lợi thế cạnh tranh về giá so với sản phẩm trong nước.

+ Ý kiến kết luận của Thủ tướng chính phủ trong Thông báo số 229/TB-VPCP ngày 18/7/2015 là tại cuộc họp thường trực của Chính phủ về cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp ôtô, không liên quan tới các mặt hàng nhập khẩu khác trong đó có mặt hàng rượu. 

+ Các hội viên quốc tế xin được làm rõ về giá tính thuế TTĐB là giá tính thuế nhập khẩu + thuế suất thuế TTĐB.  Giá tính thuế nhập khẩu là giá của nhà sản xuất bán cho doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam (giá C.I.F.). Giá này đã bao gồm toàn bộ: giá thành sản xuất của nhà sản xuất (hay giá vốn) cộng (+) chi phí bán hàng của nhà sản xuất chính hãng (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành,…, nếu có) cộng (+) với lãi của nhà sản xuất chính hãng.

§  Với đề xuất mới này, theo sự hiểu biết của chúng tôi, nhà nhập khẩu sẽ phải nộp hai lần thuế TTĐB. (1) tại khâu nhập khẩu – vẫn theo quy định hiện hành và (2) thu thêm tại khâu bán ra. Chúng tôi không rõ căn cứ pháp lý và kinh tế để tính thêm thuế TTĐB đối với sản phẩm nhập khẩu (trong đó có rượu nhập khẩu) tại khâu bán ra, sau khi đã tính TTĐB tại khâu nhập khẩu. Theo dự thảo Nghị định về thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, chúng tôi thấy có đề xuất về việc Khấu trừ thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số TTĐB phải nộp.  Số thuế TTĐB được khấu trừ được xác định tương ứng với số thuế TTĐB nhập khẩu được nhà nhập khẩu bán ra đối với trường hợp của ôtô và điều hòa nhập khẩu và tương tự sẽ có thể được áp dụng cho rượu nhập khẩu. Hơn nữa, việc Dự thảo Nghị định thi hành luật thuế TTĐB quy định đóng thuế TTĐB gồm hai khâu cũng làm cho doanh nghiệp nhập khẩu rượu gặp khó khăn về dòng tiền do phải đóng thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu, sau đó một thời gian mới được khấu trừ thuế TTĐB ở khâu bán ra cho nhà phân phối.  Điều này là hết sức vô lý và tạo thêm gánh nặng về tài chính và hành chính không cần thiết cho doanh nghiệp.

§  Với đề xuất về giá tính thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra.  Các doanh nghiệp là hội viên quốc tế của VBA và của EuroCham đều là nhà nhập khẩu và theo quy định tại Nghị định 94/2012/ND-CP của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh rượu thì nhà nhập khẩu có thể bán cho thương nhân phân phối, thương nhân bán buôn và được trực tiếp tổ chức bán lẻ tại cửa hàng trực thuộc doanh nghiệp. Như vậy, sẽ có rất nhiều mức giá để tính thuế TTĐB theo đề xuất mới này.

4. Kiến nghị của các hội viên quốc tế

§  Các hội viên quốc tế lưu tâm tới những thách thức kinh tế mà Việt Nam đang phải đối mặt và những nỗ lực của Bộ Tài chính để tăng nguồn thu cho ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cải cách thuế là một công cụ chính sách quan trọng của chính phủ và càng quan trọng hơn trong bối cảnh bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Đề xuất thay đổi cách tính thuế TTĐB và trình sửa đổi ngay các Luật thuế liên quan mới ban hành sẽ tạo nên sự bất ổn định về chính sách thuế, làm tăng số thuế TTĐB phải nộp, gây tác động tiêu cực tới các kế hoạch kinh doanh ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh EU và Việt Nam mới ký kết bản thỏa thuận nguyên tắc về Hiệp định thương mại tự do trong đó có cam kết cắt giảm thuế quan trong đó có ngành hàng rượu. Điều này sẽ làm xói mòn các lợi ích có được của ngành hàng rượu vang và rượu mạnh quốc tế thông qua đàm phán Hiệp định thương mại EU và Việt Nam và sẽ tác động tiêu cực và hạn chế các cơ hội cho các sản phẩm chất lượng quốc tế được đóng thuế đầy đủ được phát triển lành mạnh trên thị trường và hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng và thúc đẩy kinh doanh tăng trưởng.

§  Các hội viên quốc tế mong muốn có cơ hội được tham gia đóng góp ý kiến mang tính xây dựng với Bộ Tài Chính về các dự án sửa đổi bổ sung chính sách thuế để đạt được các giải pháp mang lại lợi ích cân bằng.

§  Các hội viên quốc tế đề nghị giữ nguyên cách tính thuế đối với mặt hàng rượu nhập khẩu như đang áp dụng hiện tại vì những lý do đã phân tích ở trên để đảm bảo tính ổn định của những chính sách thuế mới ban hành và kế hoạch kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp.

5. Kết luận

Các hội viên quốc tế của Hiệp hội VBA và EuroCham mong đợi cơ hội trao đổi trên tinh thần xây dựng với Bộ Tài Chính và các cơ quan hữu quan để có được những cải cách trong chính sách thuế đặc biệt là thuế TTĐB đem lại lợi ích các bên.  

Hà nội, ngày 24 tháng 08 năm 2015



[1] Theo Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế kèm theo CV số 11140/BTC-CST ngày 13/8/2015

Các văn bản liên quan