Chỉ còn “3 không”

Thứ Sáu 15:21 26-05-2006
Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng: Chỉ còn “3 không”

Nguồn: Báo Đầu tư
Đức Minh thực hiện.

Từ ngày 20 tháng 7 đến ngày 10 tháng 9, Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Báo Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật, về những vấn đề liên quan đến Dự luật quan trọng này.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình tham nhũng hiện nay và giải pháp nào để ngăn chặn?

Tình trạng tham nhũng hiện nay đã đến mức hết sức nghiêm trọng và đã trở thành một trong bốn nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ. Tham nhũng hiện nay đã có ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực. Tôi có cảm nhận rằng, tình trạng tham nhũng hiện nay đã đến mức “xã hội hoá”.

Theo tôi, chống tham nhũng là chống lại chính chúng ta, hay nói một cách cụ thể hơn là chống lại căn bệnh của chính chúng ta. Vì vậy, để chống tham nhũng đạt hiệu quả thì phải kết hợp tốt giữa phòng ngừa, phát hiện và xử lý.

Được biết, so với Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, đến nay, nhiều nội dung của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đã được thay đổi. Vậy ông có thể cho biết những thay đổi đó là gì?

Thứ nhất là quyền thanh tra đột xuất đã được bỏ ra ngoài. Lý do là khi xây dựng Luật Thanh tra (đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6), nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế việc các cơ quan thanh tra gây phiền hà, tuỳ tiện, sách nhiễu cho cơ sở, thì kể cả khi đã phát hiện sai phạm cũng cần có một cấp thẩm quyền nào đó ra quyết định thanh tra. Trong quá trình làm Luật Phòng, chống tham nhũng, Ban soạn thảo thấy rằng, nếu cứ phải chờ cấp có thẩm quyền ra quyết định rồi mới tiến hành thanh tra thì sẽ không thể phát hiện được tham nhũng. Tuy nhiên, điều này lại trái với Luật Thanh tra vừa được Quốc hội thông qua nên không thể sửa ngay được.

Một quy định nữa cũng đã phải bỏ ra khỏi Dự thảo Luật, đó là quy định về việc chứng minh tài sản?

Đúng. Trong Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Ban soạn thảo đã đưa ra quy định các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật phải có trách nhiệm công khai tài sản. Quy định này từ trước đến nay đã có, nhưng việc thực hiện không hiệu quả. Lý do vì chúng ta không chứng minh được những tài sản lớn của các cá nhân có được là từ hành vi tham nhũng. Vì vậy, Dự thảo Luật đã quy định cá nhân có tài sản lớn phải chứng minh thu nhập để có tài sản đó. Trong trường hợp cá nhân đó giải thích không được thì bị coi là bất minh và bị sung công. Tuy nhiên, quy định này lại đụng chạm tới quyền công dân và vi phạm nguyên tắc “trách nhiệm chứng minh cá nhân có tội hay không có tội thuộc về Nhà nước”.

Một quy định trái với quy phạm pháp luật vì sao lại được đưa vào Dự thảo Luật?
Khi chúng tôi đưa quy định này vào cũng có lý do của nó. Ở nhiều nước đã có quy định công chức nhà nước phải công khai, minh bạch về tài sản, chứ không như người dân bình thường được. Và khi anh đã muốn trở thành công chức nhà nước thì phải tuân thủ quy định này.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XI vừa qua, nhiều đại biểu yêu cầu Dự Luật phải quy định làm sao để đạt được 4 không: Không cần, không muốn, không dám, không thể tham nhũng. Vậy Bao soạn thảo đã xử lý các yêu cầu này ra sao, thưa ông?

Trong 4 không đó thì có 1 không đã bị bỏ ra ngoài Dự thảo Luật, đó là quy định “Nhà nước bảo đảm chỗ ở cho cán bộ, công chức”. Khi đưa quy định này vào, Ban soạn thảo mong muốn có được điều kiện này thì người cán bộ, công chức “không cần” phải tham nhũng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung này khó có thể thực hiện được và sẽ trở lại thời kỳ bao cấp về nhà ở nên phải bỏ ra ngoài Dự thảo Luật. Riêng cá nhân tôi vẫn cho rằng, trong một đạo luật mang tính chất toàn diện về chống tham nhũng mà không có một quy định để cán bộ, công chức có thể tự tin sẽ bảo đảm đời sống cho gia đình họ thì vẫn có điều gì đó chưa thoả mãn.

Còn về các “không” khác thì sao?

Về “không dám” thì Dự thảo Luật đã đưa ra nhiều chế tài để cán bộ, công chức không dám tham nhũng. Cụ thể là những quy định rất chi tiết về cơ chế giám sát, cơ chế về chế độ trách nhiệm... Bên cạnh đó là các biện pháp xử lý mạnh mẽ, kiên quyết để “không thể” tham nhũng.
Về nội dung “không muốn”, Dự thảo Luật đã đưa ra các quy định về nguyên tắc ứng xử. Nguyên tắc ứng xử, theo tôi, nó vừa là quy định pháp lý, vừa là đạo lý. Trách nhiệm của chúng ta là phải đưa những quy định này lên thành ý thức của cán bộ, công chức.

Các văn bản liên quan