Bộ máy mạnh, bàn tay sạch & luật chống TN

Thứ Sáu 15:21 26-05-2006
Bộ máy mạnh, bàn tay sạch và một đạo luật chống tham nhũng

Theo TBKTVN

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng. Đây cũng là đề tài thảo luận sôi nổi tại diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 vừa qua.

Tệ nạn tham nhũng nghiêm trọng và ngày càng diễn biến phức tạp, đang là một thực tế hiển nhiên, cả xã hội đều thấy và đặc biệt quan tâm, lo lắng. Đảng, Nhà nước luôn luôn chủ trương và đã đề ra nhiều chính sách, pháp luật phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên tình hình tham nhũng không giảm, hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng không cao.

Thực trạng này đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi đối với công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta, từ phương diện pháp luật, đến tổ chức lực lượng, bộ máy, năng lực, phẩm chất đạo đức của những cán bộ, nhân viên trong các cơ quan chống tham nhũng.

Cần một đạo luật hoàn chỉnh

Thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, đáp ứng những yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nguyện vọng chung của toàn dân, trong những năm qua, Nhà nước đã có một số văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Pháp lệnh Thanh tra, sau là Luật thanh tra, Pháp lệnh công chức, Bộ luật hình sự... đều có các điều khoản về phòng, chống tham nhũng. Năm 1998, Pháp lệnh chống tham nhũng đã được ban hành. Sang năm 2000, Pháp lệnh này lại được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp hơn với tình hình thực tế, nhằm gia tăng hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Từ đó đến nay, theo với sự phát triển mạnh mẽ nhiều mặt của kinh tế – xã hội, một số sự yếu kém, bất cập trong quản lý hành chính Nhà nước cũng đã bộc lộ, nảy sinh, nhiều hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường trong các quan hệ công vụ, đặc biệt là tệ nạn tham nhũng đã có chiều hướng gia tăng. Trước thực tế này, nhiều quy định của pháp lệnh chống tham nhũng đã tỏ ra bất cập, khiếm khuyết, hạn chế cả về phạm vi điều chỉnh lẫn tổ chức lực lượng và các biện pháp chế tài, không còn đảm nhiệm được vai trò là cơ sở pháp luật, đủ mạnh cho công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Luật phòng, chống tham nhũng ra đời sẽ làm tiếp và làm thêm những gì pháp lệnh chống tham nhũng đang làm và chưa làm được.

Theo ban soạn thảo khác với pháp lệnh chống tham nhũng, trong dự thảo luật phòng, chống tham nhũng, khái niệm tham nhũng và các hành vi tham nhũng được mở rộng hơn, qua đó nhấn mạnh: “tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Để phòng ngừa tham nhũng, dự luật quy định các biện pháp: công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác, nguyên tắc về tặng quà, nhận quà tặng, chế độ đạo đức công vụ, kê khai tài sản, đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Dự luật cũng đề cập vai trò trách nhiệm của xã hội, đặc biệt là của các đoàn thể, báo chí, tổ chức Thanh tra nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.

Qua thảo luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thì trước khi được Quốc hội thông qua và Nhà nước ban hành, thành Luật chính thức, Dự án luật phòng, chống tham nhũng cần phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức thuộc khu vực Nhà nước và trong các chủ thể ngoài khu vực Nhà nước. Theo báo cáo tổng kết công tác chống tham nhũng từ 2002 đến 2004, thì trong số 2.773 người bị xử lý hình sự về tội tham nhũng, số đối tượng ngoài khu vực Nhà nước chỉ có 390 người, còn lại là người trong khu vực Nhà nước. Con số trên cho thấy hai điều. Thứ nhất: số cán bộ, nhân viên Nhà nước chiếm tỷ lệ khá cao trong số các đối tượng bị xử lý hình sự về tội tham nhũng. Thứ hai: ngoài những người có chức vụ, quyền hạn, rồi lợi dụng để tham ô, nhũng nhiễu, thì cũng có một số đối tượng, tuy không có chức vụ, quyền hạn, nhưng móc nối, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người trong khu vực Nhà nước để vụ lợi. Số đối tượng này tuy chiếm tỷ lệ không cao, song cũng rất nguy hiểm vì đây chính là “đội quân” môi giới tham nhũng đang có chiều hướng gia tăng và hoạt động táo tợn, liều lĩnh, làm hư hại cán bộ, băng hoại một số tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.

Bộ máy mạnh

Có một đạo luật hoàn chỉnh, song nếu thiếu một bộ máy phòng, chống tham nhũng đủ mạnh, thì nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng cũng khó mà có thể hoàn thành với hiệu quả cao. Bởi vì với các tổ chức chịu trách nhiệm chính trong phòng, chống tham nhũng, như dự án luật phòng, chống tham nhũng đã quy định, là các cơ quan Thanh tra, điều tra, kiểm sát, toà án thì lâu nay đã vốn có, vẫn hoạt động đều đều, năm nào trong báo cáo tổng kết cuối năm, các cơ quan kể trên đều tự khẳng định là về cơ bản, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thế nhưng tệ tham nhũng không giảm, nếu không muốn nói là có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp về hành vi, thủ đoạn, nâng cấp về mức độ vi phạm và chức vụ của người vi phạm. Vậy thì nếu chỉ với, chỉ giữ nguyên các cơ quan lâu nay đã đảm trách vai trò chính phòng, chống tham nhũng ấy, liệu việc phòng, chống tham nhũng cho dù đã có hẳn một đạo luật riêng có khả thi, hiệu quả hơn, hay vẫn chỉ ở mức độ cũ, mà ai cũng thấy là hiệu quả chưa cao, thậm chí còn có ý kiến bi quan là càng chống càng tăng?

Phải ghi nhận và biểu dương rằng, chỉ riêng trong công tác phòng, chống tham nhũng không thôi, thì các cơ quan Thanh tra, điều tra, kiểm sát, toà án đã làm được khá nhiều việc, phát hiện, xét xử được không ít vụ là người tham nhũng. Song chính các cơ quan trên, cũng như dư luận xã hội đều thấy những kết quả đáng ghi nhận đó vẫn còn một quãng cách khá xa, còn nhiều điều bất cập so với thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ chống tham nhũng. Có những lý do từ khả năng, trình độ hạn chế về tổ chức, về cán bộ của chính các cơ quan đó, song phần không nhỏ lại còn do sự giới hạn về quyền hạn, chức trách được giao, về khả năng phối hợp hoạt động giữa các cơ quan này. Trao thêm quyền lực, chức trách cho các cơ quan hiện có? Xây dựng một cơ chế khả thi phối hợp hành động giữa các cơ quan Thanh tra, điều tra, kiểm sát, toà án? Hay cần lập hẳn, lập riêng một cơ quan đủ quyền, đủ lực, do đó đủ mạnh, lại độc lập đối với hành pháp, để đảm nhận và hoàn thành chức trách phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả hơn? Đây đang là những câu hỏi không chỉ đặt ra so với ban soạn thảo Luật phòng, chống tham nhũng, mà còn cần đến sự quan tâm, chỉ đạo, cho ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà làm luật, công tác pháp luật, các đoàn thể, báo chí và các tầng lớp nhân dân.

Và cần những bàn tay sạch

Bộ máy phòng, chống tham nhũng có mạnh hay không, hoạt động hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào điều kiện năng lực, phẩm chất, đạo đức của các thành viên trong bộ máy. Nếu cán bộ, chuyên viên năng lực yếu, đạo đức tư cách có vấn đề thì dù bộ máy phòng, chống tham nhũng có được tổ chức và luật hoá đầy đủ, hoàn thiện, chặt chẽ đến mấy, sự vận hành và hiệu quả hoạt động của bộ máy đó vẫn cứ sẽ là không cao.

Khi còn sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng giao nhiệm vụ cho ngành Thanh tra: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”. Người lại còn căn dặn thêm: “cán bộ Thanh tra phải như cái gương cho người ta soi vào”. Thiết nghĩ, những lời chỉ bảo, căn dặn ân cần ấy của Bác Hồ không chỉ là nói với cán bộ Thanh tra, mà là với chung mọi cán bộ làm công tác pháp luật, phòng, chống tham nhũng.

Phải khẳng định là đại đa số cán bộ các ngành Thanh tra, công an, pháp luật, tư pháp đã làm theo được lời dạy của Hồ chủ tịch, nêu cao được tinh thần công minh của pháp luật, giữ gìn được đạo đức, phẩm chất của người đảng viên, cán bộ, nhất là người cán bộ giữ trong tay cán cân công lý, dù đời sống chưa thực là cao, với một số, còn là khó khăn, chật vật, song vẫn thắng vượt được mọi sự cám dỗ vật chất để không bẻ cong công lý, che đậy tiếp tay cho các hành vi, cá nhân tham nhũng.

Song cũng phải lấy làm buồn mà nhìn nhận một thực tế rằng: dẫu chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, song quả là có một số cán bộ trong các cơ quan chức năng chống tham nhũng phẩm chất, nhân cách đã chẳng hơn gì bọn tham nhũng. Chỉ qua một số vụ án được xét xử và phản ánh của báo chí gần đây đã có thể thấy được điều đáng buồn, đáng trách, đáng để phải lập nghiêm trở lại đó. Cán bộ pháp luật, tư pháp này nhận hối lộ để giúp cho kẻ gian chạy án, để xét xử thiên lệch, nhân viên điều tra kia che giấu, bảo vệ, “làm luật” với kẻ tội phạm tham nhũng... Rồi Đoàn thanh tra nọ thoả thuận “đi đêm” với các đơn vị tham nhũng, đồng ý che giấu hoàn toàn hay hạ thấp mức độ sai phạm, thất thoát để rồi sau đó “chặt đòi” chung chia các khoản thoả thuận che giấu, hạ mức đó.

Là những cán bộ mà cương vị công tác, chức trách nhiệm vụ đòi hỏi phải luôn như tấm gương sáng, lại chỉ là cái gương mờ, gương tối, thì còn để ai soi vào được đây, nếu không phải là đám tham ô, hối lộ?

Để chống tham nhũng hiệu quả thì cần phải có những bàn tay cứng cáp và sạch sẽ. Bàn tay yếu kém năng lực, lóng ngóng, khuờ khoạng sẽ chẳng làm được mấy tí việc. Mà bàn tay bẩn thì sẽ khuấy đục thêm các vũng bùn của xã hội và nối dài thêm cánh tay, chắp thêm bàn tay cho bọn tham nhũng.

Các văn bản liên quan