Chế định sở hữu & chế định hợp đồng

Thứ Hai 11:50 22-05-2006
Một số ý kiến về chế định sở hữu và hợp đồng trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Ths. Đinh Thị Mai Phương
CN. Lê Thị Hoàng Thanh
Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp


Bộ luật dân sự là đạo luật lớn, có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta. Qua gần 9 năm triển khai, Bộ luật đã phát huy được vai trò là công cụ pháp lý thúc đẩy giao lưu dân sự, tạo môi trường thuận lợi cho việc giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát huy dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội, quyền con người về dân sự. Tuy nhiên, cũng qua 9 năm áp dụng, trước sự phát triển không ngừng của đời sống kinh tế, xã hội nước ta trong giai đoạn công cuộc cải cách đổi mới đang ngày càng đi vào chiều sâu, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, Bộ luật dân sự năm 1995 cũng đã bộc lộ nhiều điểm bất cập cần được sửa đổi, bổ sung. Trong lần sửa đổi Bộ luật dân sự này, nhiều chế định quan trọng của Bộ luật đã được sửa đổi trong đó có chế định về sở hữu và hợp đồng – hai trong số những chế định nền tảng nhất của Bộ luật. Bài viết này, chúng tôi bàn về một số quy định về sở hữu và hợp đồng trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

1. Về chế định sở hữu

Qua nghiên cứu dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) phần có liên quan đến chế định sở hữu, chúng tôi thấy cần góp ý những vấn đề sau:

1.1. Về các hình thức sở hữu

Hiện tại, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại Điều 163 quy định 2 phương án về hình thức sở hữu đó là:

- Phương án 1: trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, có các hình thức sở hữu bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu cá nhân, sở hữu pháp nhân và sở hữu chung (từ Điều 189-207)

- Phương án 2: trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, các hình thức sở hữu bao gồm sở hữu Nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu chung.

Thực ra, khái niệm “hình thức sở hữu” và “chế độ sở hữu” là hai khái niệm hay có sự nhầm lẫn nhất định. Trước đây, trong Hiến pháp năm 1959 đã dùng “hình thức sở hữu” để gọi cái mà chúng ta trong Hiến pháp năm 1992 gọi là “chế độ sở hữu”. Đến nay, khi nói đến chế độ sở hữu người ta thường nghĩ tới các loại chế độ sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, đôi khi những tên gọi như “sở hữu toàn dân”, “sở hữu tập thể” và “sở hữu tư nhân” cũng có thể được gọi là hình thức sở hữu.

Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định rằng, các khái niệm như “sở hữu toàn dân”, “sở hữu tập thể” và “sở hữu tư nhân” có ý nghĩa về chính trị và triết học nhiều hơn là ý nghĩa về mặt pháp lý. Khi tham gia quan hệ giao dịch liên quan tới tài sản, cái mà các bên cần quan tâm chủ yếu là ai là người chủ thực sự của tài sản tham gia giao dịch chứ thường ít chú ý là loại tài sản ấy đang thuộc chế độ sở hữu nào.

Từ cơ sở đó, chúng tôi cho rằng, trong 2 phương án mà dự thảo đưa ra, thì phương án 1 là hợp lý và có tính thực tiễn hơn cả.

Dự thảo quy định về hình thức sở hữu pháp nhân là hoàn toàn phù hợp vì pháp nhân dù là tổ chức của Nhà nước hay tổ chức kinh tế đều là chủ sở hữu tài sản của mình và có các quyền năng của một chủ sở hữu. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn ứng xử, mối quan tâm của các chủ thể khi tham gia giao dịch. Khi giao kết hợp đồng các chủ thể luôn quan tâm ai là chủ sở hữu của tài sản , trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn. Nếu phân loại hình thức sở hữu lại căn cứ vào việc liệt kê một số loại pháp nhân cụ thể như quy định của Bộ luật dân sự hiện hành sẽ không đảm bảo tính ổn định của Bộ luật Dân sự khi có loại hình tổ chức hợp pháp khác phát sinh, hoặc khi có một thành phần kinh tế mới xuất hiện trong xã hội.

Nếu chọn phương án 2 là quy định các sở hữu bao gồm sở hữu Nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu chung sẽ không làm rõ được chủ thể sở hữu, vừa không đầy đủ vừa trùng lặp. Bởi vì, khó xác định được sở hữu của một công ty cổ phần mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối thuộc hình thức sở hữu nhà nước hay sở hữu chung? Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc hình thức sở hữu nào? sở hữu tập thể khác với sở hữu chung như thế nào?

Để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và ổn định của Bộ luật Dân sự chúng tôi đề nghị quy định các hình thức sở hữu theo chủ thể sở hữu như phương án 1 đã quy định.

1.2. Về quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu ngay tình.

Điều 233 Dự thảo đưa ra hai phương án để lựa chọn:

- Phương án 1: chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

- Phương án 2: chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký và bất động sản bất kể việc dịch quyển tài sản ấy đã qua những phương thức nào.

Về lý luận, việc thừa nhận hay không thừa nhận quyền đòi lại tại tài sản của chủ sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình xuất phát từ một trong hai quan điểm chủ yếu trong tư duy của nhà lập pháp là nhấn mạnh tới việc “bảo vệ tính an toàn, ổn định cho giao dịch” hay “bảo vệ một cách tuyệt đối quyền của chủ sở hữu, tôn trọng tuyệt đối ý chí của chủ sở hữu trong việc định đoạt, làm chuyển dịch tài sản trong xã hội”. Nếu nhà lập pháp thiên theo hướng ủng hộ quan điểm “bảo vệ tính an toàn, ổn định cho giao dịch” thì quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình cần bị hạn chế. Nếu nhà lập pháp thiên theo hướng ủng hộ việc bảo vệ quyền của chủ sở hữu một cách tuyệt đối, tôn trọng tuyệt đối ý chí của chủ sở hữu trong việc định đoạt, làm dịch chuyển tài sản trong xã hội, thì toàn bộ những giao dịch liên quan đến tài sản mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu đều vô hiệu và người thứ ba ngay tình sẽ buộc phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu bất cứ khi nào chủ sở hữu phát hiện ra. Theo hướng quy định như vậy, thì quyền lợi của người thứ ba ngay tình sẽ phải chịu nhiều rủi ro hơn nhưng mức độ bảo vệ quyền của chủ sở hữu sẽ cao hơn. Cách quy định như vậy sẽ làm cho các chủ thể ngần ngại hơn khi tham gia giao dịch dân sự có liên quan đến sự dịch chuyển tài sản và hệ quả kéo theo là, ở mức độ nào đó, sẽ không có lợi cho sự phát triển kinh tế trogn điều kiện vận hành nền kinh tế thị trường.

Cân nhắc 2 phương án mà Dự thảo đã đưa ra, chúng tôi cho rằng, phương án 1 là phương án hợp lý hơn vì đã có sự dung hoà thoả đáng giữa việc “bảo vệ tính an toàn, ổn định cho giao dịch” và “tôn trọng quyền của chủ sở hữu tài sản” – theo hướng chủ tài sản có quyền đòi lại tài sản ngoại trừ hai trường hợp luật định.

1.3. Về vấn đề thời điểm chuyển dịch quyền sở hữu

Điều 159 dự thảo Bộ luật dân sự quy định thời điểm dịch chuyển quyền sở hữu được xác định theo loại tài sản (là động sản hay bất động sản), theo đó, đối với bất động sản, thời điểm dịch chuyển quyền sở hữu là thời điểm đăng ký việc dịch chuyển quyền sở hữu còn đối với động sản là thời điểm động sản được chuyển giao. Tuy nhiên, quy định như Điều 159 là thiếu sót bởi lẽ trong thực tế không phải bất động sản nào cũng phải đăng ký quyền sở hữu và như vậy, đối với bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì sẽ không có quy tắc xác định thời điểm chuyển dịch quyền sở hữu nếu chỉ căn cứ vào Điều 159 dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Cần lưu ý rằng, việc dịch chuyển quyền sở hữu trong trường hợp diễn ra sự mua bán tài sản được điều chỉnh bởi Điều 420 dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Theo quy định này, việc dịch chuyển quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán tài sản được xác định dựa vào việc tài sản mua bán “có đăng ký hay không có đăng ký quyền sở hữu” theo đó, đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì thời điểm chuyển dịch quyền sở hữu là thời điểm đăng ký việc chuyển dịch đăng ký quyền sở hữu, còn đối với tài sản không có đăng ký quyền sở hữu thì thời điểm chuyển dịch quyền sở hữu là thời điểm chuyển giao tài sản. Như vậy là đã có sự khác biệt nhất định giữa quy định tại Điều 159 và Điều 420 dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Chúng tôi cho rằng, cách quy định như Điều 420 phù hợp hơn và cũng là cách quy định từ trước tới nay bởi cách quy định này có một vai trò quan trọng là đảm bảo được sự kiểm soát của Nhà nước đối với sự dịch chuyển quyền sở hữu của tài sản có đăng ký quyền sở hữu. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị sửa lại Điều 159 theo hướng thời điểm dịch chuyển quyền sở hữu được xác định theo tiêu chí “có đăng ký hay không có đăng ký quyền sở hữu” chứ không theo loại tài sản là động sản hay bất động sản. Tất nhiên, pháp luật có thể tôn trọng việc thoả thuận của các bên về thời điểm dịch chuyển quyền sở hữu.

[size=18]2. Về chế định hợp đồng


[b]2.1. Về khái niệm hợp đồng

Với tư tưởng chỉ đạo xây dựng, Bộ luật dân sự được coi là “bộ luật chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thoả thuận và tự chịu trách nhiệm giữa các chủ thể”, có thể nói rằng các quy định về hợp đồng là xương sống của Bộ luật Dân sự.

Trong thực tế, giữa các chủ thể bình đẳng nhau về địa vị pháp lý tồn tại rất nhiều loại hợp đồng khác nhau phát sinh từ quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt. Tuy nhiên trong thời gian qua do quan niệm máy móc và cứng nhắc trong cách phân tách các ngành luật mà các quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự không được vận dụng để làm nền tảng điều chỉnh các quan hệ hợp đồng giữa các loại chủ thể bình đẳng nhau về địa vị pháp lý này nhất là trong trường hợp các đạo luật chuyên ngành không có đủ quy phạm để điều chỉnh. Tình trạng ấy làm nảy sinh nhiều lỗ hổng pháp luật không đáng có khiến cho các giao lưu dân sự, kinh tế, thương mại gặp một số rủi ro về mặt pháp lý. Từ góc độ nghiên cứu khoa học chúng tôi cho rằng, bản thân việc sử dụng thuật ngữ “hợp đồng dân sự” cũng là nguyên nhân quan trọng làm hạn chế việc áp dụng các quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự đối với các loại quan hệ hợp đồng khi các đạo luật chuyên ngành như Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật các tổ chức tín dụng v.v. chưa có các quy định để điều chỉnh. Thực trạng ấy khiến cho hệ thống pháp luật vừa mâu thuẫn, chồng chéo lại vừa thiếu sự gắn kết, lô gíc cần thiết. Chúng tôi cho rằng để các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự thực sự là tiêu chí áp dụng chung cho tất cả các giao dịch có tính “bình đẳng, thoả thuận” trong xã hội, Ban soạn thảo cần thay thế thuật ngữ “Hợp đồng dân sự” bằng thuật ngữ “hợp đồng”. Đây cũng là cách mà nhiều bộ luật dân sự trên thế giới hiện đang áp dụng.

Theo tinh thần này, tại tất cả các điều khoản có dùng thuật ngữ “hợp đồng dân sự” sẽ được sửa đổi theo hướng dùng thuật ngữ “hợp đồng” thay vào thuật ngữ “hợp đồng dân sự” ấy.

1.2. Về hình thức của hợp đồng với tư cách là một điều kiện để hợp đồng có hiệu lực (Điều 113)

Về lý luận, hình thức hợp đồng có vai trò làm chứng cứ khi xảy ra tranh chấp và có ý nghĩa về quản lý nhà nước đối với giao dịch (đăng ký hợp đồng, công chứng - chứng thực hợp đồng). Quy định về hình thức tồn tại của hợp đồng liên quan trực tiếp tới 2 tinh thần căn bản sau của pháp luật dân sự:

- Thứ nhất, pháp luật không khuyến khích sự bội ước. Hay nói cách khác, không nên chỉ vì chưa có sự hoàn tất về hình thức hợp đồng mà tuyên hợp đồng vô hiệu trong khi sự thực thì các bên đã thống nhất ý chí về việc xác lập các quyền và nghĩa vụ dân sự. Lý do là nếu cho phép các bên dựa vào việc chưa hoàn tất thủ về hình thức hợp đồng để yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu thì quy định này sẽ khuyến khích các bên có lợi từ việc tuyên hợp đồng vô hiệu giải thoát trách nhiệm liên quan tới những cam kết của mình trước đó.

- Thứ hai, pháp luật không khuyến khích các chủ thể trốn tránh, vi phạm nghĩa vụ với Nhà nước (ví dụ các nghĩa vụ như nộp thuế, nghĩa vụ tôn trọng sự kiểm soát của nhà nước đối với giao dịch liên quan đến các loại tài sản đặc biệt...). Bởi vậy, có một số loại hợp đồng, để đảm bảo được nghĩa vụ của các bên trước nhà nước, pháp luật quy định các hợp đồng này buộc phải thể hiện dưới một dạng nhất định.

Nếu coi hình thức luôn là điều kiện xem xét hiệu lực của giao dịch sẽ rất có thể rơi vào tình trạng pháp luật khuyến khích sự bội ước. Còn nếu như pháp luật không quy định hình thức hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của giao dịch thì trong một số trường hợp nhất định, pháp luật sẽ khuyến khích việc trốn tránh nghĩa vụ trước nhà nước bằng cách các bên thoả thuận hợp đồng theo các hình thức mà nhà nước không kiểm soát được. Từ đó, sẽ khuyến khích những loại giao dịch ngầm, thị trường ngầm phát triển.

Với những lập luận trên chúng tôi đồng ý với quy định tại khoản 2 Điều 113 của Dự thảo “Hình thức giao dịch dân sự chỉ là điều kiện có hiệu lực của giao dịch, nếu pháp luật có quy định”. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay chúng ta có khá nhiều loại hợp đồng mà theo quy định trong Bộ luật dân sự và pháp luật chuyên ngành “hợp đồng phải được lập thành văn bản”, “hợp đồng phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, “hợp đồng phải được đăng ký ”… Vấn đề chưa rõ ràng ở đây là nếu hợp đồng không tuân thủ quy định trên sẽ vô hiệu hoàn toàn hay là không có giá trị đối kháng với bên thứ ba? Theo chúng tôi, để khoản 2 Điều 113 đi vào cuộc sống, cần thiết có sự rà soát cân nhắc để quy định rõ những loại hợp đồng nào phải tuân thủ điều kiện về hình thức mới có hiệu lực.

1.3. Về vấn đề hụi, họ (Điều 463 dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)).

Chúng tôi cho rằng việc dự thảo Bộ luật dân sự lần này quy định về hụi họ là rất cần thiết vì các lý do sau:

- Thực chất đây là hợp đồng vay tài sản, là giao dịch dân sự tồn tại lâu đời trong dân gian, dù pháp luật thừa nhận hay không hoạt động này vẫn diễn ra.

- Việc pháp luật điều chỉnh sẽ định hướng những người tham gia chơi hụi, họ, biêu, phường có mục đích lành mạnh, mang tính chất tương thân, tương ái, không kinh doanh và trục lợi.

- Việc pháp luật có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia chơi hụi, họ sẽ tạo cơ sở pháp lý để Tòa án, thẩm phán giải quyết các tranh chấp phát sinh (hiện nay, khi có tranh chấp về hụi, họ, biêu, phường xảy ra, các bên tham gia yêu cầu đến Toà án giải quyết nhưng Toà án từ chối giải quyết vì lý do pháp luật chưa có quy định).

2.4. Về bán nhà ở đang cho thuê (Điều 434 dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)).

Điều 434 Dự thảo quy định “ Trong trường hợp bán nhà ở đang cho thuê, thì bên thuê được ưu tiên mua, nếu chưa có chỗ ở khác và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê nhà, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu cá nhân.

Chủ sở hữu nhà ở đang cho thuê thông báo về các điều kiện bán cho bên thuê biết trước ít nhất là ba tháng, kể từ thời điểm bên thuê nhận được thông báo cho tới thời điểm bán. Chủ sở hữu có quyền bán nhà ở cho người khác nếu bên thuê khước từ mua hoặc đã hết hạn thông báo mua mà bên thuê không trả lời”.

Chúng tôi cho rằng một mặt để giải quyết những vấn đề có tính lịch sử và chính sách, mặt khác để đảm bảo sự phát triển của thị trường bất động sản, pháp luật chỉ nên quy định quyền ưu tiên mua nhà của bên thuê trong trường hợp nhà thuộc sở hữu nhà nước đã và đang cho thuê từ trước đến nay. Theo quy định của Dự thảo là ngoài những căn nhà của tư nhân, bên thuê luôn luôn có quyền ưu tiên mua, kể cả nhà thuộc 100% sở hữu nhà nước, kể cả nhà thuộc sở hữu của các công ty kinh doanh bất động sản thuộc các thành phần kinh tế khác nhau (có vốn của nhà nước hoặc không có vốn của nhà nước), điều này không phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường là “thuận mua vừa bán”. Hơn nữa theo chúng tôi quy định thời hạn thông báo ít nhất 3 tháng là quá dài với chủ sở hữu, nhiều khi làm lỡ mất cơ hội và thiệt thòi quyền lợi của chủ sở hữu do biến động của giá cả thị trường.

Để góp phần tạo khung pháp lý thông thoáng và phù hợp với sự hình thành và phát triển của thị trường bất động sản, Bộ luật Dân sự chỉ nên quy định quyền ưu tiên mua nhà thuộc sở hữu nhà nước với những nhà mà nhà nước đã cho thuê từ trước đến nay, còn những nhà ở khác người thuê có quyền được ưu tiên thông báo điều kiện mua, ưu tiên mua nếu trả giá ngang bằng.

2.5. Về biện pháp cầm giữ tài sản (từ Điều 350 đến Điều 352)

Đây là quy định mới của Bộ luật dân sự về quyền giữ tài sản của một người khi người đó chưa thanh toán được nghĩa vụ đến hạn. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định chặt chẽ hơn biện pháp bảo đảm này vì có thể nói rằng vấn đề này mang hơi hướng của hình thức “xiết nợ” tồn tại trong xã hội và có tính nhạy cảm cao. Chúng tôi cho rằng nên quy định rõ hơn về một số vấn đề sau:

- Việc cầm giữ tài sản phải tương ứng với nghĩa vụ đến hạn.

- Bên cầm giữ tài sản có quyền xử lý tài sản theo Khoản 4 Điều 350 nhưng sau khi xử lý xong phải trả lại cho bên có tài sản cầm giữ phần còn lại sau khi trừ đi nghĩa vụ và chi phí bảo quản.

- Không được sử dụng các biện pháp cưỡng ép, đe doạ người có nghĩa vụ.

2.6. Về biện pháp bảo lưu quyền sở hữu (Điều 353 và Điều 354)

Chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu thêm một số trường hợp có thể xảy ra đối với tài sản khi tồn tại quan hệ bảo lưu quyền sở hữu. Ví dụ một người mua một căn nhà trả góp, thực chất đây là việc bên mua nợ bên bán một khoản tiền và bên bán vẫn đứng tên là chủ sở hữu để đảm bảo việc bên mua sẽ trả đủ tiền, bên mua đã được giao nhà và sử dụng nhà, vấn đề đặt ra là trong trường hợp xảy ra rủi ro do bất khả kháng (mưa, bão) làm căn nhà bị sập, vậy bên nào sẽ là người chịu rủi ro? Theo quy định tại Điều 158 thì rõ ràng người chủ sở hữu (người bán nhà) phải chịu thiệt hại, điều này không phù hợp với bản chất của vấn đề, từ hợp đồng mua bán nhà phát sinh hợp đồng vay nợ được bảo đảm bằng việc bảo lưu quyền sở hữu, trên thực tế quyền sở hữu căn nhà thực chất đã thuộc bên mua nhà. Chúng tôi cho rằng nên quy định ngoại lệ của thời điểm chuyển dịch rủi ro trong trường hợp bảo lưu quyền sở hữu.

2.7. Về việc điều chỉnh các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất (phần 5 Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)).

Vấn đề này trực tiếp liên quan đến việc xác định phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự - một vấn đề hiện đang gây nhiều tranh cãi.
Chúng ta phải khẳng định rằng, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự là yếu tố quan trọng hàng đầu để xác định vị trí vai trò của Bộ luật dân sự trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, chính phạm vi điều chỉnh của Bộ luật cũng là yếu tố chi phối cơ cấu của Bộ luật. Việc xác định phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự dựa vào các tiêu chí sau:

Thứ nhất, loại quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật. Giải thích theo lối chiết tự thì “dân sự” có nghĩa là “việc của dân” hay “việc giữa những người dân với nhau”, hiểu rộng ra là những việc mà không có sự tham gia trực tiếp của nhà nước, của chính quyền, những việc giữa các chủ thể bình đẳng nhau về địa vị pháp lý và không mang quyền lực nhà nước. Theo lý luận chung thì pháp luật dân sự tập trung điều chỉnh 2 loại quan hệ là quan hệ nhân thânquan hệ tài sản, cụ thể là điều chỉnh việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ nhân thân, quyền và nghĩa vụ tài sản giữa các chủ thể bình đẳng nhau về địa vị pháp lý. Do vậy, về nguyên lý, các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa các chủ thể không mang quyền lực nhà nước, bình đẳng với nhau về địa vị pháp lý đều do Bộ luật dân sự điều chỉnh.

Thứ hai, mức độ và liều lượng điều chỉnh của Bộ luật dân sự. Cần lưu ý rằng Bộ luật dân sự là sản phẩm của quá trình pháp điển hoá pháp luật và được thiết kế để giữ vai trò là đạo luật chung làm nền tảng điều chỉnh các quan hệ tư, là đạo luật hỗ trợ cho các bên trong giao dịch, được sử dụng như là cẩm nang để dẫn chiếu tới khi các bên không thoả thuận được hoặc không có thoả thuận trong các quan hệ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Chính vì thế, Bộ luật dân sự cần phải có tính ổn định cao, để bảo vệ tính ổn định trong giao lưu dân sự. Điều này hàm ý rằng, chỉ những chuẩn mực đã có tính ổn định cao mới nên quy định trong Bộ luật Dân sự.

Vậy có nên quy định các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất trong Bộ luật dân sự không? Nếu có thì mức độ quy định như thế nào còn nếu không thì vì sao?

Trong Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) quyền sử dụng đất được tập trung quy định tại hai phần là Phần thứ 2 “Tài sản và quyền sở hữu” và Phần thứ năm “Những quy định về chuyển quyền sử dụng đất ”. Chúng tôi đồng ý với quan điểm của Ban soạn thảo cho rằng quyền sử dụng đất là một loại tài sản (Điều 154 của Dự thảo quy định “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá khác và các quyền tài sản”), trong điều kiện kinh tế xã hội của nước ta hiện nay quyền sử dụng đất đang được coi là loại tài sản đặc biệt và quy chế điều chỉnh có tính đặc thù. Tính đặc biệt của loại tài sản này xuất phát từ thuộc tính sở hữu “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” và tính xã hội rộng lớn, việc sử dụng đất đai khác với các loại tài sản khác ở điểm phải tính tới lợi ích chung của xã hội, quyền tự do của người sử dụng bị hạn chế tương đối nhiều. Do quyền sử dụng đất là loại tài sản đặc biệt, nên việc có các quy định trong Bộ luật dân sự điều chỉnh quan hệ liên quan tới việc xác lập, chấm dứt, dịch chuyển quyền sử dụng đất (quyền sở hữu đối với tài sản quyền sử dụng đất) là cần thiết. Các quy định trong Bộ luật dân sự về giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất sẽ được coi là công cụ hỗ trợ giải quyết quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, vẫn nên giữ các quy định về quyền sử dụng đất trong Bộ luật dân sự.

Xét về phương diện sở hữu thì quyền sử dụng đất là tài sản đặc biệt do đặc thù về quản lý nhà nước để bảo vệ chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Nhưng sẽ đơn giản hơn nếu xem xét từ góc độ quyền sử dụng đất là đối tượng của giao dịch dân sự và là hàng hoá trên thị trường bất động sản (Nghị quyết hội nghị lần thứ VII Trung ương Đảng khoá IX). Có thể nói rằng quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị lớn và các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải tuân theo thủ tục và hình thức pháp luật quy định. Có thể giải thích tính đặc biệt của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất bởi ba yếu tố: thứ nhất, các chủ thể chuyển quyền sử dụng đất phải tuân theo khung giá của Nhà nước; thứ hai, việc chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện quyền của chủ thể sử dụng đất phải tuân theo quy hoạch đất đai; thứ ba, các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất phải tuân thủ những điều kiện, hình thức và thủ tục nhất định. Nhưng sẽ là khiên cưỡng nếu tách riêng các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất thành một Phần độc lập với Phần thứ 2 về tài sản và quyền sở hữu, Phần thứ 3 về nghĩa vụ và hợp đồng. Chúng tôi đề nghị cơ cấu lại Phần thứ 5 theo hướng không để thành một phần độc lập nữa mà chuyển vào Phần thứ hai và Phần thứ 3 bởi các lý do sau:

- Việc quy định các loại hợp đồng một cách tản mát trong Bộ luật Dân sự là chưa hợp lý, Phần thức 3 quy định về 13 loại hợp đồng dân sự thông dụng, Phần thứ 5 lại quy định 8 loại hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất. Để đảm bảo tính thống nhất và hiệu lực của pháp luật về hợp đồng chúng ta cần cơ cấu các quy định về hợp đồng trong bộ luật dân sự một cách tập trung.

- Nhà nước ta đang xây dựng thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất được coi là hàng hoá trên thị trường bất động sản.

- Những tính chất đặc biệt của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất là không thể phủ nhận nhưng điều quan trọng hơn là quyền sử dụng đất là tài sản, các loại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cũng không thể đi lệch khỏi “quỹ đạo” và nguyên tắc cơ bản của việc giao kết hợp đồng.

- Chúng ta cần có cách nhìn nhận đơn giản hơn về các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất dưới góc độ điều chỉnh của Bộ luật dân sự.Các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất xét cho cùng là hợp đồng đặc biệt của các loại hợp đồng thông dụng.

Để thực hiện Phương án này, chúng tôi đề xuất như sau: Tích hợp các quy định chung về quyền sử dụng đất lên Phần thứ hai Tài sản và quyền sở hữu, chuyển các quy định về các loại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cụ thể vào các loại hợp đồng thông dụng tương tự. Cụ thể như sau:

- Chuyển Điều 676 về căn cứ xác lập quyền sử dụng đất và Điều 683 căn cứ chấm dứt quyền sử dụng đất lên sau Điều 164 các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản.

- Bỏ Khoản 1 và khoản 3 Điều 677, Điều 678 thủ tục, Điều 679 điều kiện chuyển quyền sử dụng đất vì các nội dung này đã được quy định trong Luật đất đai.

- Lồng Khoản 2 Điều 677 hình thức hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, Điều 680 giá chuyển quyền sử dụng đất, Điều 682 hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất vào các quy định cụ thể của các loại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất.

- Chuyển điều 681 nguyên tắc chuyển quyền sử dụng đất lên sau Điều 371 nguyên tắc giao kết hợp đồng.

- Chuyển Chương 27 hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất thành tiểu mục 2 của Mục 2 Chương 18 Hợp đồng trao đổi tài sản;

- Chuyển Chương 28 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thành tiểu mục 3 Mục 1 Chương 18 Hợp đồng mua bán tài sản;

- Chuyển Chương 29 hợp đồng thuê, thuê lại quyền sử dụng đất thành tiểu mục 3 của Mục 5 Chương 18 Hợp đồng thuê tài sản;

- Chuyển Chương 30: chuyển Mục 1 Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất (từ Điều 706 đến Điều 712) lên sau Điều 331, đồng thời bỏ khoản 3 Điều 317, chuyển Mục 2 hợp đồng bảo lãnh quyền sử dụng (Điều 713) lên sau Điều 346.

- Chuyển Chương 31 hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thành tiểu mục 2 của Mục 3 Chương 18 Hợp đồng tặng cho tài sản;

- Chuyển Chương 32 về hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thành Mục 15 của Chương 18 về các loại hợp đồng dân sự thông dụng;

- Chuyển Chương 33 Thừa kế quyền sử dụng đất vào Phần thứ 4 Thừa kế;
Còn các loại hợp đồng khác có đối tượng thuộc các lĩnh vực chuyên ngành để pháp luật chuyển ngành quy định.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện chế định về sở hữu và hợp đồng trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Hy vọng, những ý kiến trên sẽ được Ban soạn thảo cân nhắc, tiếp thu để chúng ta có được Bộ luật dân sự có chất lượng cao hơn nữa.

Các văn bản liên quan